Lo chất lượng
Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, số lượng thí sinh đăng kí dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025 môn Lịch sử đông nhất chiếm trên 45% tổng số thí sinh dự thi, tiếp đến các môn Địa lí, Ngoại ngữ, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Vật lí, Hóa học… Năm 2024, có trên 60% học sinh lựa chọn bài thi khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân), gần 40% lựa chọn bài thi khoa học tự nhiên (Lí, Hóa, Sinh) trong kì thi tốt nghiệp THPT. Năm 2023, tỉ lệ lựa chọn của thí sinh cũng tương tự.
![]() |
Nhóm sinh viên Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) làm việc trong phòng nghiên cứu. Ảnh: ANH THƯ |
Trước khi có kì thi THPT quốc gia (trước năm 2015), xu hướng lựa chọn của thí sinh khi tham gia kì thi 3 chung để tuyển sinh ĐH là các môn khoa học tự nhiên. Thời điểm đó, điểm thi các môn khoa học tự nhiên thường cao hơn các môn khoa học xã hội. Lí giải về xu hướng chuyển dịch này, ông Đỗ Đức Dũng, Giám đốc bộ phận Giải pháp Phần mềm Samsung R&D Center Vietnam cho hay, ở chiều tích cực, nguyên nhân bắt nguồn từ việc dạy và học các môn khoa học xã hội đang ngày tốt hơn. Thực tế hơn, học sinh được phát biểu, lập luận theo suy nghĩ riêng, giảm tình trạng đọc chép, học thuộc lòng và đạt điểm cao bằng “đo gang tay” (đo độ dài của bài văn để chấm điểm - PV). Thông qua đó, học sinh có điểm môn khoa học xã hội tốt hơn so với các môn tự nhiên nên sự chuyển dịch lựa chọn để xét tuyển ĐH là tích cực và không ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực.
Ở chiều ngược lại, theo ông Dũng, nếu xu hướng lựa chọn các môn khoa học xã hội để xét tuyển chỉ đơn thuần do các môn học này dễ đạt điểm cao hơn các môn khoa học tự nhiên trong khi cách dạy và học không có nhiều chuyển biến thì đây là điều đáng lo ngại. Các trường ĐH khi đó chắc hẳn phải đưa ra thêm nhiều giải pháp để có thể tuyển chọn được những sinh viên có kiến thức thực chất đáp ứng được nhu cầu.
TS Phạm Hiệp, Trường ĐH Thành Đô nhận định, Nghị quyết 57 của T.Ư về đột phá nghiên cứu khoa học, công nghệ ra đời đã đánh dấu vai trò quan trọng của giáo dục STEM, tạo ra nhân lực khoa học công nghệ trong tương lai. Đất nước muốn phát triển khoa học công nghệ phải dựa phần lớn vào nhân lực ngành STEM. Hiện sinh viên đăng kí học ngành STEM có xu hướng giảm. Về mặt chính sách, cần có điều chỉnh để tạo sự hấp dẫn cho những ngành học này. Ông Hiệp phân tích, tỉ lệ lựa chọn của thí sinh 60% - 40% như ở trên chưa nói được nhiều điều. Nhưng khi điểm chuẩn đầu vào có chiều hướng giảm như hiện nay là rất đáng lo ngại.
Theo GS Chử Đức Trình, Nghị quyết 57 giống như Khoán 10. Nếu hệ thống các trường ĐH của Việt Nam cùng đồng hành với chính sách này, trong thời gian ngắn tới, Việt Nam sẽ có đội ngũ nhân lực công nghệ kĩ thuật chất lượng cao hội nhập quốc tế.
Ưu tiên đầu tư sau đại học
Theo TS Đỗ Đức Dũng, từ những năm 2010 đã có tình trạng 9/10 thí sinh chọn kinh tế, 1/10 thí sinh chọn kĩ thuật. Sự lựa chọn này có tính chất thị trường, khi đó, ngân hàng đòi hỏi nguồn nhân lực lớn. Sau này, ngành công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) lên ngôi và giờ với định hướng chiến lược của Chính phủ, nhóm ngành công nghệ cao, bán dẫn đang thu hút sự quan tâm của xã hội. “Như vậy, có vẻ như việc lựa chọn ngành học của sinh viên Việt Nam bị chi phối bởi thu nhập khi đi làm. Chỉ khi nào thực tế xảy ra, ví dụ như sinh viên tốt nghiệp ngành bán dẫn thu nhập cao, lúc đó, thí sinh lại đổ xô học các môn khoa học tự nhiên”, ông Dũng chia sẻ. Ông cho rằng, không có lời cảnh báo nào có sức mạnh bằng các chính sách cụ thể.
TS Phạm Hiệp cho rằng, để các ngành STEM phát triển, cần hội tụ 3 yếu tố: chính sách, cơ hội việc làm và các trường ĐH đào tạo đảm bảo chất lượng. Ông Hiệp đề xuất cần có sự can thiệp sâu của Nhà nước về số lượng, chất lượng đầu vào; học bổng, hỗ trợ tài chính cũng như định hướng tuyên truyền tốt hơn. Ví dụ Nghị định 116 (chính sách miễn học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm) ra đời, ngành sư phạm đã thay máu về chất lượng, số lượng bằng việc thu hút được đông đảo thí sinh giỏi vào ngành.
Ông Hiệp cho hay, Chính phủ cần mạnh tay hỗ trợ hơn. Ví dụ, có thể chia ngành STEM thành 2 để có chính sách phù hợp. Nhóm các ngành khoa học cơ bản như Toán học, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Khoa học trái đất có rất ít trường đào tạo (ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (2 ĐH Quốc gia), Trường ĐH Mỏ địa chất, hệ thống trường ĐH sư phạm), tổng chỉ tiêu chỉ vài nghìn sinh viên, có thể cấp học bổng, hỗ trợ sinh hoạt phí như sinh viên sư phạm.
Nhóm ngành STEM định hướng thị trường như kĩ thuật, điện tử, công nghệ thông tin, có thể đầu tư theo các dự án nghiên cứu, hỗ trợ đào tạo sau đại học. TS Phạm Hiệp nhấn mạnh đến đào tạo STEM sau đại học. Vì những ngành này, trình độ đào tạo cử nhân chưa đủ. Hiện nay, những ngành STEM hiện có khoảng hẫng đào tạo sau ĐH trong nước vì những nghiên cứu sinh giỏi thường ra nước ngoài học tiến sĩ. Phải có chương trình giữ được một phần đội ngũ này làm nghiên cứu trong nước.
Ông Hiệp đánh giá chất lượng giáo dục ĐH của Việt Nam đã tốt lên, một số trường đã lọt top thế giới, nhiều ngành học đã được kiểm định quốc tế, nhiều giảng viên trẻ được đào tạo bài bản ở nước ngoài về nước làm việc. Trưởng các nhóm nghiên cứu ở trường ĐH Việt Nam không thua kém các trường ĐH của quốc tế nhưng họ cần có nguồn lực chính sách hỗ trợ.
GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, nhân lực ngành STEM sau ĐH rất quan trọng đối với việc phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội của đất nước. Bởi đây là lực lượng đảm bảo chất lượng đào tạo ĐH và có đủ năng lực, trình độ để thực hiện những yêu cầu ngày càng cao, chuyên sâu của thị trường lao động. Ông Trình chia sẻ, Trường ĐH Công nghệ đã triển khai đề án đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học. Theo đề án này, học viên cao học (học thạc sĩ) được cấp học bổng tương đương mức học phí và được hỗ trợ sinh hoạt phí 5 triệu đồng/tháng. Đối với nghiên cứu sinh (làm tiến sĩ) được cấp học bổng bằng mức học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí 7 triệu đồng/tháng.
Nguồn: https://tienphong.vn/it-hoc-sinh-chon-thi-cac-mon-stem-canh-bao-chat-luong-nguon-nhan-luc-post1741314.tpo
Bình luận (0)