Sự hy sinh thầm lặng của thế hệ cha anh đã trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc để tuổi trẻ hôm nay vững bước tương lai. Khắc ghi công ơn ấy, bằng những hành động cụ thể và thiết thực, các cấp bộ Đoàn đã và đang gìn giữ, lan tỏa truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” đầy ý nghĩa.
Hành động thiết thực
Những năm qua, tổ chức Đoàn, Hội trong tỉnh đã triển khai nhiều mô hình, hoạt động chăm lo gia đình chính sách, mẹ Việt Nam anh hùng, CCB, thân nhân liệt sĩ…
Anh Nguyễn Thành Trung, Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: Tỉnh đoàn luôn xem việc tri ân thế hệ đi trước là trách nhiệm của tổ chức Đoàn - Hội. Những chuyến hành trình về nguồn, hoạt động chăm lo cho người có công hay xây nhà cho gia đình chính sách… đều nhằm nhắc nhở ĐVTN hôm nay về quá khứ hào hùng, từ đó hun đúc tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nước trong lòng mỗi ĐVTN.
Tỉnh đoàn tặng quà cho CCB, thanh niên xung phong tại Tọa đàm “Tiếp lửa truyền thống - 50 năm đất võ anh hùng”. Ảnh: D.L |
Theo đó, hưởng ứng phong trào “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”, từ tháng 3.2025 đến nay, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã hỗ trợ xây mới 242 căn nhà, sửa chữa 137 căn cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách. Huy động hơn 4.590 ngày công lao động với tổng kinh phí gần 704 triệu đồng. Mỗi căn nhà được hoàn thiện không chỉ là mái ấm vật chất, mà còn là biểu tượng cho nghĩa tình, sự sẻ chia.
Tháng 4.2025, Ban Thanh niên CA tỉnh đã phối hợp cùng chính quyền địa phương trao kinh phí hỗ trợ 3 gia đình chính sách tại huyện Vĩnh Thạnh và TX Hoài Nhơn với tổng số tiền 120 triệu đồng. Không dừng lại ở sự hỗ trợ một lần, đơn vị còn gắn bó lâu dài với các đối tượng chính sách.
Thiếu tá Phạm Hồng Vũ, Trưởng Ban Thanh niên CA tỉnh, chia sẻ: “Ngoài vận động kinh phí xây, sửa nhà cho thương binh, gia đình liệt sĩ, chúng tôi còn phối hợp cùng nhà hảo tâm phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng; thường xuyên đến thăm và theo dõi tình hình sức khỏe, đời sống của mẹ”.
Bên cạnh các phần việc chăm lo đời sống, những hoạt động thăm hỏi, tặng quà… cũng được tổ chức thường xuyên. Mỗi tháng 7 về, những “Bữa cơm tri ân”, hay nghĩa trang liệt sĩ rực sáng ánh nến tri ân do ĐVTN thắp lên khắp mọi huyện, thị, thành phố như lời cảm ơn lặng lẽ nhưng thiêng liêng với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Tổ chức Đoàn các cấp còn không ngừng làm mới cách thể hiện lòng tri ân bằng việc ứng dụng công nghệ hiện đại. Từ đầu tháng 3.2025, Huyện đoàn Hoài Ân phối hợp với Chi đoàn Agribank Hoài Ân - An Lão thực hiện công trình thanh niên “Số hóa Nghĩa trang liệt sĩ”.
Các đoàn viên khảo sát thực địa, sử dụng công nghệ Camera 360 VR để định vị, ghi hình, thuyết minh và đưa dữ liệu lên nền tảng số để người dân và thân nhân liệt sĩ có thể tra cứu thông tin qua mã QR ở bất cứ đâu.
Cùng với đó, các địa chỉ đỏ như Lăng Mai Xuân Thưởng (huyện Tây Sơn), Khu di tích Chi bộ Hồng Lĩnh (TX An Nhơn), nghĩa trang liệt sĩ… cũng là nơi ưu tiên để các đơn vị sinh hoạt truyền thống, hành trình về nguồn. Những địa chỉ ấy không chỉ được chăm sóc, gìn giữ thường xuyên mà còn trở thành điểm đến giáo dục lịch sử sống động, giúp người trẻ hiểu và trân trọng giá trị của hòa bình.
Kết nối lịch sử với thế hệ trẻ
Ngoài chăm lo, các tổ chức Đoàn, Hội trong tỉnh còn chủ động tạo nên những cầu nối để thế hệ trẻ được lắng nghe, hiểu hơn về thế hệ đi trước.
Tại Tọa đàm “Tiếp lửa truyền thống - 50 năm đất võ anh hùng” do Tỉnh đoàn tổ chức cuối tháng 3 vừa qua, đông đảo ĐVTN xúc động khi lắng nghe những câu chuyện chiến đấu, ký ức chiến trường từ chính những nhân chứng sống.
Hồi tưởng lại thời trẻ hào hùng, sống cùng “mưa bom, bão đạn”, CCB Ngô Hồng Khánh (TP Quy Nhơn) - người từng tham gia chiến dịch giải phóng tỉnh Bình Định chia sẻ: “Tôi từng chứng kiến đồng đội ngã xuống trước mặt, có anh sẵn sàng hy sinh để đồng đội được sống và chiến đấu, mang hòa bình về cho quê hương. Nhờ chương trình tọa đàm lần này, tôi mới có cơ hội kể lại sự dũng cảm ấy của thế hệ mình. Tôi mong thế hệ trẻ luôn giữ gìn phẩm chất tốt đẹp, sống có trách nhiệm để xứng đáng với sự hy sinh ấy”.
Tại cơ sở, tổ chức đoàn cũng thường xuyên triển khai “Hành trình về địa chỉ đỏ” để ĐVTN biết rõ hơn về những câu chuyện, nhân vật làm nên lịch sử. Cách làm trực quan này giúp giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên dễ tiếp cận lịch sử hơn so với tuyên truyền bằng lý thuyết hay qua sách vở.
Là một trong những đơn vị thường xuyên tổ chức các chuyến đi về địa chỉ đỏ, chị Đặng Thị Tuyết Lê, Bí thư Đoàn phường Quang Trung (TP Quy Nhơn), cho biết: “Cuối tháng 3 vừa rồi, chúng tôi đưa đoàn viên đến viếng Lăng Mai Xuân Thưởng (huyện Tây Sơn). Khi được nghe kể về cuộc đời cụ Mai Xuân Thưởng nhiều bạn lần đầu tham gia đã ấn tượng và bày tỏ mong muốn được tham gia nhiều hơn. Những chuyến đi như thế giúp các bạn hiểu thêm về truyền thống quê hương và tự hào hơn về lịch sử”.
Đoàn phường Đập Đá (TX An Nhơn) thường xuyên thăm, tặng quà, khám sức khỏe cho Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cải. Ảnh: D.L |
Không chỉ tổ chức hoạt động quy mô lớn, nhiều đơn vị còn duy trì sự quan tâm hằng ngày đến các đối tượng chính sách. Chị Nguyễn Thị Gia Nguyên, Phó Bí thư Đoàn phường, Chủ tịch Hội LHTN phường Đập Đá (TX An Nhơn) - thường xuyên đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cải (SN 1930, ở khu vực Bằng Châu, phường Đập Đá) cùng các đoàn viên.
“Chúng tôi đến thăm mẹ, khám sức khỏe, tặng thuốc và trò chuyện cùng mẹ. Đây là phần việc đoàn viên xem như trách nhiệm, không chờ đến lễ, Tết”, chị Nguyên bày tỏ.
***
Tri ân không chỉ là hành động trong một ngày, mà được lan tỏa mỗi ngày bằng sự sẻ chia và nghĩa tình của tuổi trẻ Bình Định. Từ những chuyến hành trình về nguồn, những ngọn nến tri ân, đến phần việc giản dị nhưng bền bỉ, tất cả đều đang dệt nên sợi dây gắn kết bền chặt giữa hai thế hệ - một thế hệ đi qua chiến tranh với tinh thần bất khuất và một thế hệ hôm nay tiếp bước trong hòa bình, mang theo tình yêu quê hương và khát vọng cống hiến…
DƯƠNG LINH
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=1&macmp=4&mabb=355240
Bình luận (0)