Hội nghị năm nay có hơn 1.600 đại biểu đến từ 194 quốc gia thành viên cùng các tổ chức quan sát viên tham dự và được ghi nhận là hội nghị có số lượng đại biểu tham dự lớn nhất từ trước đến nay.
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị do ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ làm Trưởng đoàn. Tham gia đoàn Việt Nam còn có ông Mai Phan Dũng, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn và ông Phạm Quang Huy, Tham tán công sứ, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva, cùng đại diện các đơn vị liên quan của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Cục trưởng Lưu Hoàng Long phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp Đại hội đồng WIPO. Ảnh: Cục SHTT
Tập trung xây dựng hệ sinh thái sở hữu trí tuệ minh bạch, công bằng, toàn diện
Phát biểu khai mạc Kỳ họp Đại hội đồng WIPO, ông Daren Tang, Tổng Giám đốc WIPO nhấn mạnh ba xu hướng lớn đang định hình bối cảnh đổi mới sáng tạo toàn cầu. Thứ nhất, sự phát triển vượt bậc của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản cách thức sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ. Thứ hai, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành động lực trung tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thứ ba, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ ngày càng được mở rộng, tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức về chính sách và quản lý.
Tổng Giám đốc WIPO kêu gọi các quốc gia, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế cùng chung tay thúc đẩy đổi mới sáng tạo bền vững, lấy con người làm trung tâm. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng hệ sinh thái sở hữu trí tuệ minh bạch, công bằng và toàn diện, nhằm đảm bảo mọi thành phần trong xã hội đều có cơ hội tiếp cận, đóng góp và hưởng lợi từ thành quả đổi mới sáng tạo.
Đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp lần thứ 66 Đại hội đồng WIPO. Ảnh: Cục SHTT
Việt Nam khẳng định vai trò chiến lược của sở hữu trí tuệ trong phát triển đất nước
Phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội đồng WIPO, Cục trưởng Lưu Hoàng Long nhấn mạnh quan điểm nhất quán của Việt Nam coi khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là những yếu tố then chốt, mang tính quyết định trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Ông Lưu Hoàng Long cũng khẳng định vai trò chiến lược của sở hữu trí tuệ trong tiến trình chuyển mình của Việt Nam, từ cải thiện môi trường đầu tư, gia tăng giá trị doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế số toàn cầu.
Ông Lưu Hoàng Long cho biết, Việt Nam đánh giá cao vai trò dẫn dắt của WIPO trong điều phối, thúc đẩy và phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ toàn cầu. Nhờ vai trò trung tâm của WIPO, các quốc gia có thể kết nối chặt chẽ hơn trong việc bảo hộ, quản lý, khai thác và thương mại hóa tài sản trí tuệ, yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở cả cấp quốc gia và toàn cầu.
Việt Nam cam kết tiếp tục là một thành viên tích cực, xây dựng và có trách nhiệm của WIPO, đồng thời mong muốn tăng cường hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với các quốc gia thành viên và với WIPO nhằm xây dựng một hệ sinh thái sở hữu trí tuệ toàn cầu cân bằng, hiệu quả, thích ứng linh hoạt và phù hợp với những thách thức ngày càng phức tạp của thế giới hiện nay.
Toàn cảnh kỳ họp Đại hội đồng WIPO lần thứ 66. Ảnh: Cục SHTT
Kỳ họp lần thứ 66 của Đại hội đồng WIPO sẽ kéo dài đến hết ngày 17/7, với một số nội dung quan trọng, bao gồm: Kế hoạch tổ chức bầu cử Tổng Giám đốc WIPO vào năm 2026, quyết định liên quan đến thành phần của Uỷ ban điều phối, Uỷ ban Chương trình và ngân sách, xem xét dự thảo kế hoạch hoạt động và phân bổ ngân sách cho giai đoạn 2026-2027, cùng với đó là thảo luận và thông qua các báo cáo của các Ủy ban chuyên môn và các Hệ thống đăng ký quốc tế do WIPO quản lý./.
Nguồn: https://mst.gov.vn/khai-mac-ky-hop-lan-thu-66-dai-hoi-dong-to-chuc-so-huu-tri-tue-the-gioi-197250709180111191.htm
Bình luận (0)