Sự đặc sắc, khác biệt của không gian bản làng vùng cao luôn mang đến sức hút kỳ lạ với du khách, từ đó thúc đẩy các hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch, tiêu thụ nông sản... cũng như nâng cao thu nhập cho người dân.
Chọn mua một nhánh lan rừng giữa không gian mênh mang núi rừng lúc về đêm; hòa mình vào âm nhạc với tiếng khèn, điệu múa đắm say lòng người; thức xuyên đêm xem người dân livestream bán nông sản..., tất cả những nét độc đáo, riêng biệt này chỉ chợ đêm Tủa Chùa (xã Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) mới có. Vì thế, đây được coi là một trong những phiên chợ đặc biệt nhất ở vùng cao Tây Bắc.
Chợ đêm Tủa Chùa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2022, phục vụ nhu cầu buôn bán, giao lưu văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, hướng tới mục tiêu trở thành điểm du lịch độc đáo, thu hút du khách. Để tránh rập khuôn như nhiều phiên chợ đêm khác, ban quản lý chợ Tủa Chùa đã chọn cách làm độc đáo và khác biệt. Vào tối thứ bảy hằng tuần, khi phiên chợ diễn ra, mỗi xã sẽ chuẩn bị một chương trình biểu diễn văn nghệ gắn với bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc mình để quảng bá, giới thiệu tới du khách.
Bên cạnh đó, nhiều trường trung học phổ thông trên địa bàn cũng tham gia biểu diễn cho nên các tiết mục rất đa dạng và ít bị trùng lặp. Với sự tham gia của nhiều câu lạc bộ văn nghệ trên địa bàn, mỗi phiên chợ đêm Tủa Chùa đều như ngày hội văn hóa đặc sắc. Đáng chú ý, tại đây du khách có thể hòa mình vào âm nhạc và những điệu múa của đồng bào các dân tộc nơi đây. Càng về khuya, chợ càng tấp nập, lúc này nhiều người từ những bản xa mới kịp đem hàng hóa tới bán.
Sự đặc sắc, khác biệt của không gian bản làng vùng cao luôn mang đến sức hút kỳ lạ với du khách, từ đó thúc đẩy các hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch, tiêu thụ nông sản... cũng như nâng cao thu nhập cho người dân.
Là phiên chợ vùng cao, nhưng cách bán hàng của đồng bào nơi đây lại bắt kịp xu thế hiện đại với hình thức trực tuyến. Chị Lê Huyền Trang, một người bán hàng trực tuyến lâu năm ở chợ đêm Tủa Chùa chia sẻ: Chúng tôi thường livestream bán hàng qua mạng xã hội như Zalo, Facebook, TikTok. Hàng hóa được bán rất phong phú, từ các loại thảo dược, mật ong, lan rừng, tới nông sản địa phương. Nhiều người nhà xa, khi tới chợ đã rất muộn, thế nên chúng tôi livestream bán hàng xuyên đêm.
Có khoảng 10 người thường xuyên bán hàng trực tuyến như chị Trang. Ai cũng sử dụng vài chiếc điện thoại thông minh kết nối internet để livestream bán hàng. Với cách làm này, chợ đêm Tủa Chùa còn được gọi là phiên chợ 4.0 nổi tiếng trên mạng xã hội và được nhiều du khách tìm tới khám phá.
Bên cạnh không khí bán hàng khẩn trương qua các phiên livestream, nhiều người dân vẫn lựa chọn bày bán nông sản theo cách truyền thống cho khách hàng đang có mặt tại chợ. Họ ngồi yên tĩnh, khi có người tới mua mới bẽn lẽn cất giọng bằng tiếng Kinh còn đôi chút ngọng nghịu. Dưới làn sương đêm se lạnh của núi rừng, nhiều em bé vẫn yên giấc ngủ trong vòng tay mẹ. Tất cả tạo nên một phiên chợ thật nhiều cung bậc cảm xúc, vừa hiện đại nhưng vẫn đậm chất mộc mạc của núi rừng.
Tủa Chùa đang dần trở thành điểm đến yêu thích. Nếu như năm 2022 có khoảng 6.720 lượt khách ghé thăm, thì đến năm 2024 đã có hơn 25.000 lượt khách đến với các xã vùng cao này. Có thể thấy, du lịch đêm là hướng đi hiệu quả giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch; thu hút du khách, kéo dài thời gian lưu trú và góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Miền cao nguyên trắng (huyện Bắc Hà cũ), tỉnh Lào Cai những năm gần đây cũng được coi là địa phương có nhiều đột phá về phát triển du lịch. Không chỉ nổi tiếng với giải đua ngựa truyền thống, mà cả bốn mùa trong năm đều tưng bừng các lễ hội. Và để tiếp tục thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các cấp chính quyền đã tập trung đầu tư, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới nhằm thu hút du khách, trong đó có du lịch đêm.
Ông Bùi Văn Vinh, nguyên Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Bắc Hà cũ cho biết: Để phát triển du lịch đêm, chúng tôi đã quy hoạch, tạo nên một quần thể không gian, gồm chợ đêm và phố đi bộ. Đến đây, du khách có thể xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, giao lưu văn nghệ; thưởng thức nhiều món ăn truyền thống; tham quan, mua bán các loại đặc sản địa phương, hoặc sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào, như thổ cẩm, váy, áo, quà lưu niệm... Từ ngày có phố đi bộ và chợ đêm, thời gian lưu trú của khách du lịch dài hơn, các sản phẩm truyền thống của người dân tiêu thụ cũng tốt hơn.
“Gắn du lịch với bảo tồn văn hóa”, “biến di sản thành tài sản”, đó là cách làm mà đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao đang hướng tới. Vậy nên, trong không gian phố đi bộ và chợ đêm, mỗi dân tộc với các điệu múa, câu hát truyền thống đã mang đến cho du khách ấn tượng khó phai về sự đa dạng sắc màu văn hóa.
Anh Giàng A Hải, Chủ tịch Câu lạc bộ Văn nghệ dân gian Hồng Mi chia sẻ: Âm nhạc là thứ gắn kết tâm hồn mọi người một cách nhanh nhất. Mỗi khi biểu diễn, du khách cũng hòa vào múa cùng. Từ ngày phát triển du lịch đêm, chúng tôi cũng có nhiều show diễn hơn, các thành viên trong câu lạc bộ cũng tăng lên, trong đó một số em đang là học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Các bạn trẻ này thường sẽ biểu diễn vào dịp cuối tuần, đây là hoạt động rất đáng khuyến khích, bởi các em không chỉ có thêm thu nhập phụ giúp gia đình, mà còn nuôi dưỡng, lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc mình.
Với sự góp sức của du lịch đêm, mảnh đất cao nguyên trắng đang dần khẳng định được vị thế của mình trên bản đồ du lịch miền núi phía bắc. Theo số liệu thống kê của Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Bắc Hà cũ, năm 2015, cả huyện chỉ có 45 nhà nghỉ, khách sạn, homestay, thì đến năm 2025 đã có 125 cơ sở lưu trú. Tính đến tháng 5/2025, địa phương đã đón tiếp hơn 480.000 lượt khách, ước cả năm sẽ đạt chỉ tiêu 1 triệu lượt khách, con số đáng mơ ước với mảnh đất còn nhiều khó khăn.
Phát triển du lịch đêm ở vùng cao không chỉ mở rộng không gian và thời gian trải nghiệm cho du khách, mà còn góp phần bảo tồn văn hóa bản địa. Vì vậy, muốn thành công, phải tạo dấu ấn, sự khác biệt, cùng với đó là hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy hoạch bài bản. Các địa phương cần chọn thế mạnh của từng vùng để tập trung khai thác, tạo ra sản phẩm đặc trưng, đậm đà bản sắc. Chỉ khi ấy du lịch đêm mới thật sự trở thành “mỏ vàng” để phát triển kinh tế-xã hội, mang lại việc làm với thu nhập ổn định cho người dân vùng cao.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/khai-thac-the-manh-du-lich-dem-o-vung-cao-3364967.html
Bình luận (0)