Với hơn 500 năm tồn tại, đây là một trong những làng nghề thủ công lâu đời nhất miền Trung vẫn ngày ngày "giữ lửa", góp phần làm phong phú bản đồ du lịch Hội An.
Du khách trải nghiệm làm gốm tại làng gốm Thanh Hà
Nằm ven sông Thu Bồn, làng gốm Thanh Hà (thuộc TP Hội An, tỉnh Quảng Nam cũ) nổi bật với không gian mộc mạc và kỹ thuật làm gốm thủ công truyền thống được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Gốm nơi đây được biết đến với sắc nâu đỏ đặc trưng, độ bền cao và nét tinh xảo trong từng chi tiết. Từng có thời kỳ hưng thịnh vào thế kỷ XVI–XVII, sản phẩm của làng từng được chọn để tiến vua.
Tỉ mỉ tạo hình sản phẩm gốm – hình ảnh quen thuộc tại các xưởng gốm truyền thống ở Thanh Hà
Ngày nay, dù không còn ánh hào quang xưa, Thanh Hà vẫn rực lửa qua bàn tay bền bỉ của các nghệ nhân. Những người như ông Long (nghệ nhân 70 tuổi, có 50 năm gắn bó với nghề) vẫn miệt mài ngày đêm bên bàn xoay, lò nung.
"Gia đình tôi làm gốm hơn trăm năm. Nghề này từng nuôi sống cả nhà. Dù vất vả nhưng vẫn không nỡ buông" - ông Long chia sẻ khi đang tỉ mỉ vuốt men cho chiếc bình đất nung.
Nhờ nỗ lực giữ gìn giá trị truyền thống của người dân cùng sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, làng gốm Thanh Hà đã được "hồi sinh" mạnh mẽ, trở thành điểm đến không thể bỏ qua với du khách khi đến Hội An.
Nơi đây không chỉ mở cửa tham quan hằng ngày mà còn tổ chức trải nghiệm làm gốm miễn phí cho khách. Du khách có thể trực tiếp nắn đất, tạo hình và mang sản phẩm về làm kỷ niệm.
Không gian làng nghề được quy hoạch gọn gàng với các xưởng sản xuất, lối đi tham quan, khu trưng bày và bán sản phẩm. Ngoài các mặt hàng truyền thống như chum, vại, bình, ấm..., làng còn sản xuất nhiều loại gốm mỹ nghệ, quà lưu niệm nhỏ gọn phù hợp thị hiếu du khách hiện đại.
Cảm giác "thổi hồn vào đất sét" là điểm hấp dẫn đặc biệt của trải nghiệm này.
Khánh Linh (20 tuổi, đến từ Gia Lai) lần đầu đến Hội An, đã có trải nghiệm đáng nhớ tại làng gốm Thanh Hà. "Ban đầu em lóng ngóng vì chưa quen, nhưng được các cô chú hướng dẫn rất tận tình. Khi đất xoay tròn trên bàn xoay, cảm giác như đang thổi hồn vào một vật sống động" - Linh hào hứng chia sẻ.
Với Linh, buổi sáng ở Thanh Hà không chỉ đơn thuần là một hoạt động du lịch mà còn là dịp để hiểu hơn về sự kiên trì, tâm huyết của những nghệ nhân gốm. "Em rất khâm phục họ. Một nghề đòi hỏi sự nhẫn nại, tinh tế như vậy mà vẫn được gìn giữ qua bao thế hệ. Có lẽ, chỉ có tình yêu thực sự mới khiến người ta gắn bó được đến thế" - Linh nói.
Sản phẩm gốm Thanh Hà nổi bật với kỹ thuật thủ công tinh xảo và thiết kế mang đậm dấu ấn văn hóa Việt.
Sự kết hợp giữa làng nghề và du lịch đã mở ra hướng đi mới cho cộng đồng địa phương, tạo sinh kế ổn định và đồng thời góp phần bảo tồn một phần di sản văn hóa phi vật thể quý giá của xứ Quảng.
Làng gốm Thanh Hà không chỉ là nơi lưu giữ tinh hoa của nghề truyền thống, mà còn là điểm đến giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, nơi du khách có thể sống chậm lại, lắng nghe câu chuyện của đất, của người và của một tình yêu bền bỉ dành cho gốm.
Nguồn: https://nld.com.vn/kham-pha-lang-gom-thanh-ha-hut-khach-o-da-nang-196250709094909872.htm
Bình luận (0)