Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khánh Hòa với tầm nhìn hướng biển

Những năm qua, cả 2 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận đều kiên định mục tiêu phát triển kinh tế biển là động lực, trụ cột quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Sau hợp nhất, với không gian biển, đảo được mở rộng, tiềm năng, lợi thế to lớn hơn, tỉnh Khánh Hòa mới sẽ phát triển thành trung tâm kinh tế biển và năng lượng tái tạo trọng điểm quốc gia.

Báo Khánh HòaBáo Khánh Hòa01/07/2025

Mở rộng không gian biển, đảo

Những năm qua, 2 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận (trước sáp nhập) đều xác định kinh tế biển là trụ cột, động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mỗi tỉnh. Vai trò trọng yếu đó càng được khẳng định trong Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các quan điểm: Xây dựng và phát triển Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển, đảo của Tổ quốc, trung tâm kết nối vùng, cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ; xây dựng và phát triển Khánh Hòa phải trên cơ sở phát triển bền vững kinh tế biển và khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên biển. Đồng thời, khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế cho phát triển với kinh tế biển là nền tảng, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, dịch vụ logistics, công nghiệp năng lượng, kinh tế số là đột phá. Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng và phát triển huyện Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Đến nay, kinh tế biển và ven biển của Khánh Hòa đã đóng góp đến 80% GRDP của tỉnh, với các trụ cột: Dịch vụ du lịch biển, thủy sản, công nghiệp đóng tàu, dịch vụ cảng biển và logistics, công nghiệp năng lượng…

Một góc khu vực nuôi cá chẽm công nghệ cao của Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam tại vịnh Vân Phong.
Một góc khu vực nuôi cá chẽm công nghệ cao của Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam tại vịnh Vân Phong.

Đối với tỉnh Ninh Thuận, trọng tâm phát triển các lĩnh vực kinh tế biển như: Năng lượng và các ngành kinh tế biển mới; đô thị, du lịch và dịch vụ biển; công nghiệp ven biển; nuôi trồng và khai thác hải sản; kinh tế hàng hải; khai thác tài nguyên, khoáng sản biển khác; từng bước nghiên cứu, quy hoạch nuôi hải sản tầng biển sâu và phát triển điện gió ngoài khơi. Chủ trương, định hướng này đã được Tỉnh ủy Ninh Thuận cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 17/2022 về phát triển kinh tế biển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó xác định mục tiêu phát triển Ninh Thuận trở thành tỉnh mạnh về biển trong khu vực, tập trung huy động mọi nguồn lực để kinh tế biển trở thành động lực phát triển; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện nhanh việc chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa biển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng biển, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Đến nay, tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GRDP của tỉnh Ninh Thuận đã đạt 42,2%; các ngành kinh tế biển được tập trung phát triển đồng bộ. Đặc biệt, năng lượng tái tạo trở thành lĩnh vực đột phá trong phát triển công nghiệp biển và ven biển, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế biển, chiếm 74,2% tổng sản lượng điện sản xuất toàn tỉnh.

v
Vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao An Hải (nay thuộc xã Phước Dinh), ở phía nam tỉnh Khánh Hòa.

Sau khi sáp nhập, tỉnh Khánh Hòa mới được mở rộng không gian phát triển, có đường bờ biển dài nhất cả nước, với gần 500km bờ biển, khoảng 200 hòn đảo lớn nhỏ; có nhiều vịnh nổi tiếng như: Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh, Vĩnh Hy; có các cảng biển lớn như: Cam Ranh, Nha Trang, Cà Ná… Sau sáp nhập, thế mạnh của tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận trước đây sẽ được phát huy và bổ sung cho nhau để phát triển về du lịch biển, thủy sản, cảng biển, công nghiệp, đô thị ven biển và logistics, năng lượng tái tạo… Tỉnh Khánh Hòa mới sẽ trở thành vùng kinh tế động lực mới, phát triển cân bằng giữa công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa mới sẽ có lợi thế vượt trội về vị trí và hạ tầng liên vùng, với hệ thống giao thông quốc gia và quốc tế, có rất nhiều tiềm năng, lợi thế đặc biệt để phát triển thành trung tâm kinh tế biển và năng lượng tái tạo trọng điểm quốc gia, là cực tăng trưởng của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Biến tiềm năng thành động lực phát triển

Sau sáp nhập, tỉnh Khánh Hòa mới có nhiều tiềm năng, lợi thế nổi trội, hội tụ đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để mở ra không gian, động lực phát triển mới.  Vì lẽ ấy mà đồng chí Nghiêm Xuân Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã nhiều lần chia sẻ rằng: "Trên cơ sở các tiềm năng, cơ hội nổi trội, tỉnh Khánh Hòa mới quyết tâm bước vào “thập niên vươn tầm phát triển”, cải thiện thứ hạng về kinh tế trong 34 tỉnh, thành mới của cả nước. Quyết tâm, khát vọng của tỉnh Khánh Hòa mới thể hiện ở mục tiêu tăng trưởng 2 con số liên tục trong 10 năm cả về tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách và tăng thu nhập bình quân đầu người. Với 10 năm tăng trưởng liên tục, vị thế, thứ hạng của tỉnh sẽ được nâng cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân sẽ được cải thiện. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, nằm trong 10 tỉnh, thành thu ngân sách nội địa cao nhất cả nước, nằm trong 10 tỉnh, thành có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cao nhất".

v
Nhà máy Đóng tàu HD Hyundai Việt Nam tại phía nam vịnh Vân Phong. Ảnh: Đ.L

Nhiều chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy phát triển kinh tế biển, trong thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa mới cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn lớn về sự thiếu đồng bộ trong hạ tầng chiến lược (trong đó có hạ tầng khoa học, hạ tầng công nghệ số, hạ tầng công nghiệp ven biển,…). Cùng với đó, tỉnh Khánh Hòa cần phải hướng tới tăng cường ứng dụng công nghệ cao, sớm hoàn thiện Đề án Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương; triển khai hiệu quả Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao…; tập trung phát triển kinh tế biển xanh để phục hồi, thúc đẩy kinh tế biển phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững...

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn - Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển tỉnh, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học, tỉnh cần phân vùng để sử dụng không gian biển hiệu quả theo quan điểm sử dụng đa mục đích, giảm thiểu mâu thuẫn và tối ưu hóa hoạt động hiệu quả của các ngành kinh tế biển. Nếu không phân vùng sử dụng, quản lý hiệu quả, vẫn phát triển tự phát thì sẽ rất khó cho phát triển kinh tế biển trong thời gian tới. Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn còn cho rằng, để thúc đẩy phát triển kinh tế biển, tỉnh cần khẩn trương giao mặt nước biển cho các chủ thể kinh tế. Vì nếu không giao mặt nước biển thì không ai dám đầu tư và cần có các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế biển hiệu quả…

v
Phát triển năng lượng tái tạo là lợi thế vượt trội của tỉnh Khánh Hòa.

Phát triển đặc khu Trường Sa

Sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Khánh Hòa tự hào khi có đặc khu Trường Sa (được sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây và xã Sinh Tồn), một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc; nơi có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược bảo vệ và phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Để xây dựng và phát triển Trường Sa, Chính phủ đã thành lập và giao cho UBND tỉnh Khánh Hòa quản lý Quỹ Hỗ trợ phát triển nghề cá tỉnh Khánh Hòa. Từ các nguồn lực huy động được, thời gian qua, Quỹ Hỗ trợ phát triển nghề cá tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành đầu tư một số hạng mục công trình phục vụ dân sinh tại Trường Sa; quỹ đang tiếp tục huy động thêm các nguồn lực để đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội tại Trường Sa.

Ông Nguyễn Tấn Tuân - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh: “Việc tập trung đầu tư, phát triển đặc khu Trường Sa là nhiệm vụ hết sức quan trọng của tỉnh Khánh Hòa mới nói riêng và cả nước nói chung nhằm hiện thực hóa định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 09. Muốn vậy, sau hợp nhất, tỉnh Khánh Hòa cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện Đề án xây dựng đặc khu Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước để sớm triển khai. Cùng với đó, chú trọng việc huy động tối đa các nguồn lực để bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ phát triển nghề cá tỉnh Khánh Hòa nhằm phục vụ phát triển nghề cá, đầu tư cho các hạng mục, công trình hạ tầng cảng cá, cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và các công trình thiết yếu khác phòng, chống thiên tai, phục vụ dân sinh tại đặc khu Trường Sa…”.

HẢI LĂNG - THANH XUÂN

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/kinh-te/202507/khanh-hoa-voi-tam-nhin-huong-bien-16a1e2f/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay
Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên
DIFF 2025 - Cú hích bùng nổ cho mùa du lịch hè Đà Nẵng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm