Đều đặn mỗi chiều Chủ nhật hằng tuần, tại trạm dừng nghỉ Hoa Hồi, khu vực quốc lộ 1A, xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng lại vang lên những tiếng hát then, đàn tính, hay những điệu hát sli đằm thắm từ thành viên các câu lạc bộ (CLB) dân ca trên địa bàn tỉnh, những tiết mục ấy đã tạo ấn tượng cho rất nhiều du khách khi tới đây.
Ông Nguyễn Văn Dũng, du khách đến từ Hà Nội bày tỏ: Lần đầu tiên tôi được chứng kiến, trải nghiệm các tiết mục dân ca đặc sắc của Xứ Lạng giữa một không gian rộng và rất đẹp. Các làn điệu rất hay, thêm nữa, tôi cũng được nếm nhiều đặc sản ngon và hợp khẩu vị. Nhất định, tôi sẽ trở lại và mời bạn bè tới đây trải nghiệm nhiều lần nữa.
Tại các làng du lịch cộng đồng, hoạt động hát dân ca được nhiều du khách ưa chuộng. Chị Hoàng Thị Luận, thành viên CLB Sinh hoạt văn hoá dân gian, dân tộc Tày, Dao xã Hữu Liên cho biết: CLB có hơn 30 thành viên. Hiện nay, chúng tôi chủ yếu biểu diễn phục vụ du khách các trích đoạn hát then, đàn tính (của người Tày) và hát páo dung (của người Dao). Trung bình chúng tôi phục vụ du khách khoảng 10 buổi/tháng. Tôi rất vui và tự hào khi có nhiều khách du lịch rất yêu thích các điệu dân ca này.
Còn bà Dương Thị Ngọc Ngà, Đội trưởng Đội Văn nghệ du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn, xã Bắc Quỳnh chia sẻ: Đội có gần 20 thành viên. Chúng tôi thường biểu diễn phục vụ du khách các làn điệu của người Tày như hát ví, then, lượn… Các thành viên của đội thường xuyên tập luyện và đổi mới tiết mục, gần đây chúng tôi biên đạo cả các tiết mục múa chầu đơn giản để du khách cùng tham gia, qua đó, nhận được sự phản hồi tích cực và yêu cầu biểu diễn rất nhiều từ cả khách du lịch trong và ngoài nước.
Cùng với các điểm du lịch trên, hoạt động đưa các làn điệu dân ca phục vụ khách du lịch còn được duy trì ở Phố đi bộ Kỳ Lừa (thành phố Lạng Sơn), điểm du lịch suối Mỏ Mắm (Bắc Sơn). Ở 6 làng du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh gồm: Hữu Liên, Yên Thịnh (Hữu Lũng); Mông Ân (Bình Gia); Vũ Lăng, Chiến Thắng, Bắc Quỳnh (Bắc Sơn) đều thành lập các đội dân ca phục vụ du khách. Riêng tại xã Hữu Liên và Yên Thịnh (Hữu Lũng) đã thành lập được 4 CLB, đội dân ca đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Đáng chú ý, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 300 lễ hội lớn nhỏ, trong đó, nhiều lễ hội đã đưa dân ca trở thành sản phẩm du lịch độc đáo như: Lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ, Háng Pỉnh (thành phố Lạng Sơn), Bủng Kham, Báo Slao (Tràng Định)…
Từ thực tế trên cho thấy, hoạt động phát huy các làn điệu dân ca gắn với phát triển du lịch đã hình thành nên những sản phẩm độc đáo, góp phần không nhỏ trong việc thu hút du khách đến với tỉnh. Trong 4 tháng đầu năm 2025, tổng lượt khách đến Lạng Sơn ước 2,5 triệu lượt (tăng 19,8% so với cùng kỳ 2024), trong đó khách quốc tế đạt 82.000 lượt, khách trong nước đạt trên 2,4 triệu lượt, doanh thu ước đạt trên 2,2 nghìn tỷ đồng.
Để có được những kết quả này, thời gian qua, với phương châm biến “Di sản thành tài sản” ngành du lịch đã triển khai các giải pháp nhằm khai thác hiệu quả giá trị làn điệu dân ca các dân tộc. Ông Lưu Bá Mạc, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết: Thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2030” của Bộ VHTT&DL, ngành đã xây dựng kế hoạch triển khai theo lộ trình cụ thể theo từng năm với các hoạt động như: sưu tầm, ghi hình các tư liệu dân ca, đẩy mạnh tuyên truyền, mở các lớp truyền dạy, hỗ trợ, khuyến khích xây dựng và nhân rộng các đội, CLB dân ca tại cơ sở; tạo không gian văn hóa phù hợp để đồng bào các dân tộc thường xuyên được giao lưu, biểu diễn…
Từ năm 2020 đến nay, ngành VHTT&DL đã phối hợp thành lập các đội, CLB dân ca tại các huyện, thành phố và mở được trên 200 lớp truyền dạy thu hút hàng nghìn học viên. Cùng đó, ngành cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tạo ra không gian văn hóa lành mạnh để trình diễn dân ca như: Lễ hội hoa đào, giao lưu hát Sli, lượn dân tộc Nùng, Tày Lạng Sơn năm 2025…
Ông Hoàng Việt Bình, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca tỉnh cho biết: Hiện nay, hội có gần 1.000 hội viên và trên 50 CLB dân ca. Nhằm phục vụ du khách thưởng thức dân ca Xứ Lạng, hằng năm hội đều đề ra kế hoạch tham gia trình diễn, giao lưu dân ca tại các sự kiện văn hoá, du lịch của tỉnh. Riêng năm 2025, chúng đã có kế hoạch tổ chức giao lưu dân ca chợ phiên tại một số huyện trong tỉnh và tham mưu UBND tỉnh tổ chức liên hoan dân ca cấp tỉnh…
Để phát huy giá trị dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc, thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục xây dựng các tour, tuyến gắn với hoạt động của đội văn nghệ tại các điểm du lịch, thu hút du khách đến với Lạng Sơn.
Nguồn: https://baolangson.vn/dua-dan-ca-tro-thanh-san-pham-du-lich-hap-dan-5046271.html
Bình luận (0)