Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khi tri thức pháp luật lan tỏa từ những trang sách

(Baothanhhoa.vn) - Sự hiểu biết pháp luật không chỉ là chìa khóa để người dân tự bảo vệ mình trước những rủi ro pháp lý, mà còn là nền tảng để xã hội phát triển bền vững. Ở tỉnh ta, hành trình lan tỏa tri thức pháp luật từ những trang sách đã và đang từng bước thấm sâu vào đời sống cộng đồng, nhất là tại những vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn. Đó là kết quả của sự chỉ đạo bài bản, kiên trì và sáng tạo từ cấp tỉnh, cùng với tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa08/07/2025

Khi tri thức pháp luật lan tỏa từ những trang sách

Một buổi tuyên truyền pháp luật đến người dân vùng cao.

Triển khai Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật (TSPL), tỉnh Thanh Hóa đã sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, lồng ghép nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong kế hoạch công tác hằng năm của Sở Tư pháp và các cấp cơ sở. Việc tổ chức, quản lý và khai thác tủ sách không chỉ dừng ở hình thức, mà được xác định là một trong những công cụ thiết thực nhất để nâng cao năng lực pháp lý cho người dân.

Tại Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh, việc xây dựng TSPL được gắn chặt với đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng và các thiết chế văn hóa cơ sở. Đặc biệt, tỉnh ta chú trọng triển khai TSPL tại các xã miền núi, vùng đặc biệt khó khăn và coi đây là điểm nhấn để thu hẹp khoảng cách tiếp cận pháp luật giữa các vùng miền.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện duy trì hơn 500 TSPL cấp xã, trong đó có gần 200 tủ sách đặt tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh việc duy trì đầu sách pháp luật cơ bản, nhiều địa phương còn bổ sung các tờ gấp, cẩm nang hỏi – đáp, sổ tay pháp lý về các lĩnh vực đất đai, hôn nhân, hộ tịch, hình sự, hành chính... nhằm đáp ứng đúng nhu cầu thực tế.

Thanh Hóa cũng là một trong những địa phương đi đầu trong việc số hóa tài liệu pháp luật. Trang thông tin PBGDPL tỉnh thường xuyên cập nhật sách điện tử, văn bản pháp luật mới, hỗ trợ địa phương tạo mã QR tại trụ sở xã, nhà văn hóa, trạm y tế để người dân thuận tiện tra cứu. Đặc biệt, Sở Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an tỉnh, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng... xây dựng các mô hình tủ sách tại đơn vị vũ trang, trường học, điểm sinh hoạt cộng đồng. Điển hình như mô hình “Tủ sách pháp luật lưu động” của Công an tỉnh đã triển khai tặng hàng nghìn đầu sách đến các xã khó khăn của các huyện Thường Xuân, Quan Sơn, Mường Lát (cũ). Tủ sách tại trụ sở công an xã không chỉ phục vụ cán bộ, chiến sĩ mà còn hỗ trợ giải quyết các vụ việc dân sự, hình sự tại địa phương.

Không chỉ ở nông thôn, mô hình TSPL trong trường học cũng đem lại hiệu quả rõ rệt. Trường THCS Cẩm Giang xây dựng “Ngăn sách pháp luật học đường” trong thư viện, giúp học sinh tìm hiểu Luật An toàn giao thông, phòng chống bạo lực học đường, Luật Trẻ em... Các cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật qua sách”, vẽ tranh, sân khấu hóa đang dần khiến pháp luật trở nên gần gũi, sinh động trong đời sống học đường.

Dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, song quá trình xây dựng và khai thác TSPL tại Thanh Hóa vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn. Tại một số xã miền núi, lượng sách pháp luật chưa được cập nhật thường xuyên; thiếu cán bộ chuyên trách quản lý TSPL; kinh phí dành cho bổ sung sách còn hạn chế. Cụ thể, mức chi tối thiểu theo quy định là 3 triệu đồng/tủ/năm, nhưng tại nhiều xã, đặc biệt là xã miền núi, ngân sách eo hẹp khiến việc bổ sung sách, tài liệu pháp luật thường xuyên gặp trở ngại. Không ít TSPL phải “sống nhờ” vào nguồn cấp phát từ tỉnh hoặc sự hỗ trợ từ các tổ chức xã hội.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý TSPL cấp xã chủ yếu là công chức tư pháp - hộ tịch kiêm nhiệm nhiều công việc. Họ vừa lo chứng thực, hộ khẩu, hộ tịch, vừa phải phụ trách PBGDPL và quản lý sách, dẫn đến việc cập nhật, giới thiệu sách, tổ chức các hoạt động khai thác còn hạn chế. Tại một số địa phương, TSPL vẫn chưa thật sự được “mở cửa” đúng nghĩa, thời gian phục vụ trùng với giờ hành chính, khiến người dân khó tiếp cận, đặc biệt là nông dân, người lao động tự do. Mặt khác, không ít người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, còn e ngại hoặc chưa có thói quen tìm hiểu pháp luật qua sách. Thay vào đó, họ chọn hỏi người quen hoặc “tra mạng”, dù thông tin trên mạng đôi khi không chính thống hoặc dễ gây hiểu lầm.

Trước thực trạng trên, việc làm mới tư duy và phương thức triển khai TSPL là hết sức cần thiết. Giải pháp không nằm ở việc “mở thêm tủ” mà ở cách “kết nối sách với người dân”. Trước hết, cần tăng cường số hóa, phát triển TSPL điện tử ở cấp xã, kết nối với cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia, trang bị thêm thiết bị đọc tại các nhà văn hóa, thư viện công cộng. Bên cạnh đó, nên đa dạng hóa hình thức khai thác như: lồng ghép hoạt động đọc sách pháp luật vào các buổi sinh hoạt chi bộ, họp dân, hội nghị thôn bản; tổ chức hội thi, sân khấu hóa, kể chuyện pháp luật theo sách để tăng sự hứng thú. Đặc biệt, cần tiếp tục nhân rộng mô hình cán bộ tư pháp, hòa giải viên mang sách xuống thôn như “túi sách lưu động”, “góc đọc pháp luật”, “cẩm nang cho tổ hòa giải”... để tri thức đến gần dân hơn nữa.

Tri thức pháp luật không thể lan tỏa nếu chỉ nằm yên trong tủ. Nó cần được đánh thức bằng sự tận tâm, sự gần dân và cả sự sáng tạo trong cách truyền tải. Khi mỗi người dân được tiếp cận đúng lúc, đúng cách với thông tin pháp luật, thì cũng là lúc xã hội tiến thêm một bước trên con đường công bằng, văn minh, thượng tôn pháp luật.

Bài và ảnh: Trần Hằng

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/khi-tri-thuc-phap-luat-lan-toa-tu-nhung-trang-sach-254340.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm