Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, ước cả nước giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đến hết tháng 3 là 78.712 tỷ đồng, đạt 8,98% kế hoạch; đạt 9,53% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia là 3.638,8 tỷ đồng (đạt 16,57% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Theo nhận xét từ Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân ước 3 tháng đầu năm đang thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 đạt 11,64% kế hoạch và đạt 12,27% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Có 13 bộ, ngành và 36 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt (trên 20%) như: Đài Tiếng nói Việt Nam (73,82%), Ngân hàng Chính sách xã hội (41,16%), Bộ Công an (23,73%), Hội Liên hiệp Phụ nữ (20,37%); Phú Thọ (35,04), Bắc Kạn (28,85%), Tuyên Quang (28,14%), Hà Nam (25,58%), Lào Cai (22,89%), Hà Giang (21,75%), Bình Định (20,25%).
Tuy nhiên, còn nhiều bộ, ngành, địa phương chưa giải ngân, hoặc giải ngân rất thấp (gồm 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân; 16 bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương giải ngân dưới 5%).
Đã có rất nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Báo cáo của Bộ Tài chính đã chỉ ra 5 khó khăn, vướng mắc lớn liên quan đến cơ chế, chính sách; đến phân bổ vốn; vướng mắc trong triển khai thực hiện; các vướng mắc và nguồn thu ngân sách địa phương và các khó khăn, vướng mắc liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đơn cử như Luật Đầu tư công năm 2024 quy định việc lập dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư phải căn cứ vào nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư được cấp có thẩm quyền quyết định. Tuy nhiên, Luật và các Nghị định hướng dẫn chưa có quy định cụ thể về nội dung nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư; thẩm quyền, trình tự lập, thẩm định, quyết định nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Hơn nữa, việc lập, xác định chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn của dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng gặp nhiều khó khăn do nhiều lĩnh vực không có quy định về cụ thể về định mức chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn như lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, tài nguyên và môi trường,...
Quy định thời gian điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hàng năm trước ngày 15/11 năm kế hoạch là chưa phù hợp, chưa tạo sự linh hoạt cho các địa phương trong việc tổ chức triển khai, khó bảo đảm việc giải ngân đạt 100% kế hoạch.
Có 5 nguyên nhân dẫn đến chậm phân bổ vốn đầu tư công |
Về vướng mắc liên quan đến chậm phân bổ vốn, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, hiện tổng số vốn chưa được phân bổ chi tiết còn trên 62.015 tỷ đồng, chiếm 7,51% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó chủ yếu số vốn chưa phân bổ dự kiến bố trí cho các dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư. Việc chưa phân bổ một lượng vốn tương đối lớn này đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025.
Bên cạnh những vướng mắc nêu trên, trên thực tế vẫn có một số bộ, ngành đã phân bổ chi tiết cho các dự án không đủ điều kiện phân bổ và giải ngân như: Chưa được phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư, chưa có quyết định đầu tư, bố trí vượt tổng mức đầu tư đã duyệt, vượt kế hoạch đầu tư công trung hạn, vượt thời gian bố trí vốn… Với thực tế này, Bộ Tài chính đã có văn bản kiểm tra, nhận xét chi tiết đến từng bộ, ngành, địa phương đề nghị điều chỉnh, hoàn thiện.
Một khó khăn nữa được Bộ Tài chính nêu ra đó là khó khăn liên quan đến nguồn thu sử dụng đất tại địa phương. Cụ thể, do chưa đảm bảo so với dự toán được cấp thẩm quyền giao, một số địa phương có số thu từ đất lớn nhưng từ đầu năm chưa thu được dẫn đến chậm phân bổ nguồn thu sử dụng đất, ảnh hưởng việc triển khai thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn này.
Bên cạnh đó, vẫn có tình trạng do các địa phương còn tâm lý sợ sai, chưa quyết liệt trong thực hiện và giải ngân nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư nên ảnh hưởng đến việc phân bổ kế hoạch vốn; quỹ đất của một số địa phương để giải quyết đất ở, đất sản xuất cho người dân còn hạn chế; định mức hỗ trợ theo quy định để thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất rất thấp so với chi phí thực tế.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/kho-khan-can-buoc-giai-ngan-von-dau-tu-cong-161968.html
Bình luận (0)