Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đột phá quan trọng hàng đầu, động lực chính để tỉnh Hà Tĩnh phát triển trong kỷ nguyên mới

TCCS - Với quyết tâm triển khai mạnh mẽ các nhiệm vụ đột phá trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tỉnh Hà Tĩnh đã và đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực đời sống, nhằm tạo động lực, đột phá quan trọng để tỉnh phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.

Tạp chí Cộng SảnTạp chí Cộng Sản17/07/2025

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Nguyễn Duy Lâm kiểm tra một số dự án tại Khu kinh tế Vũng Áng_Nguồn: baohatinh.vn

Những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã có bước phát triển vượt bậc, khẳng định vị thế là một trong các tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng khu vực Bắc Trung Bộ. Từ một địa phương với xuất phát điểm thấp, Hà Tĩnh đã vươn lên trở thành tỉnh khá trong khu vực nhờ các quyết sách đúng đắn của Trung ương, sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, nỗ lực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp địa phương.

Tỉnh Hà Tĩnh có diện tích tự nhiên 5.990,70km2,, dân số 1.622.901 người, có hai khu kinh tế trọng điểm quốc gia là Khu kinh tế Vũng Áng và Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Trong đó, Khu kinh tế Vũng Áng đang từng bước trở thành trung tâm động lực tăng trưởng với Cảng nước sâu Vũng Áng là cửa ngõ ra biển của nước Lào và khu vực Đông Bắc Thái Lan.

Nhờ kết cấu hạ tầng được đầu tư bài bản và lợi thế về vị trí địa lý, trong những năm gần đây, tỉnh Hà Tĩnh đã thu hút nhiều dự án công nghiệp lớn, trong đó có nhà máy luyện thép, chế biến gỗ xuất khẩu, điện, bia, đặc biệt là nhà máy sản xuất ô tô điện của Tập đoàn Vingroup. Yếu tố này không chỉ giúp công nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mà còn tạo tiền đề để tỉnh Hà Tĩnh phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Hà Tĩnh đã giành được kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Năm 2024, quy mô nền kinh tế của tỉnh đạt 113.000 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: công nghiệp chiếm 41,9%, dịch vụ 44,7%, nông nghiệp giảm còn 13,4%.

Nông nghiệp có nhiều chuyển biến đáng kể khi tập trung phát triển mô hình sản xuất hữu cơ, tuần hoàn. Tỷ trọng nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh tăng từ 46% lên 55%, đồng thời, nhiều sản phẩm OCOP được nâng cao giá trị và khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Một trong những yếu tố giúp tỉnh Hà Tĩnh bứt phá là sự đầu tư đồng bộ vào hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục đi vào chiều sâu, là tỉnh được Trung ương chọn thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Song song với phát triển kinh tế, tỉnh Hà Tĩnh luôn chú trọng phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được đẩy mạnh, an sinh xã hội luôn được quan tâm, bảo đảm cuộc sống ổn định cho người dân. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư không ngừng mở rộng.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ giúp tỉnh Hà Tĩnh nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế, mà còn mở ra cơ hội phát triển vượt bậc để giúp tỉnh Hà Tĩnh vươn lên, bắt kịp với xu thế phát triển chung.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 khẳng định: Nhất quán thực hiện quan điểm phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm, khoa học, công nghệ là nền tảng, động lực, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, dựa trên khoa học, công nghệ, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số và kinh tế xanh.

Sau gần 5 năm triển khai Nghị quyết, hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiềm lực khoa học, công nghệ được tăng cường với sự hiện diện của 18 tổ chức khoa học, công nghệ, 7 doanh nghiệp khoa học, công nghệ, cùng 19 tổ chức trung gian thị trường khoa học, công nghệ.

Tỉnh Hà Tĩnh luôn quan tâm phát triển tài sản trí tuệ với 3.267 đối tượng sở hữu công nghiệp đăng ký bảo hộ, tăng gần 8 lần so với năm 2015. Có hơn 120 tổ chức tham gia nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ với tổng kinh phí đầu tư hơn 175.500 triệu đồng.

Chuyển đổi số được đẩy mạnh với các hoạt động đáng chú ý, như triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”, vận hành nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh và thực hiện quyết liệt nhiệm vụ quy định tại Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 6-1-2022, của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia. Là một trong 15 tỉnh có mô hình triển khai Đề án 06 hiệu quả nhất. Bộ Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của tỉnh năm 2024 xếp thứ 25 cả nước, Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) đạt vị trí 34/63 tỉnh, tăng 8 bậc so với năm 2023; đứng thứ 6 toàn quốc về tỷ lệ người dân tích hợp sổ khám sức khỏe điện tử. Cùng với đó, hạ tầng số được đầu tư mạnh mẽ với 3.250 trạm BTS (3G, 4G), phủ sóng 99% khu vực dân cư,... 300 cơ quan áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, hệ thống một cửa điện tử và cổng dịch vụ công trực tuyến liên thông 4 cấp.

Tuy đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, nhưng quá trình triển khai nhiệm vụ đột phá trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vẫn chưa đồng bộ, thiếu tính chủ động. Một số cơ chế, chính sách, đặc biệt là cơ chế tài chính vẫn chưa đủ mạnh. Nguồn nhân lực và hạ tầng khoa học, công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu, đội ngũ chuyên gia giỏi còn hạn chế. Việc chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa đạt kỳ vọng. Số lượng doanh nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa nhiều.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, dám nhìn thẳng vào những mặt khó khăn, hạn chế, cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để bảo đảm triển khai đồng bộ, toàn diện và hiệu quả. Trong đó, ưu tiên nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ cấp tỉnh đến cơ sở. Các mục tiêu phát triển được triển khai, thực hiện theo lộ trình cụ thể, rõ ràng và đánh giá kết quả theo từng giai đoạn. 

Theo Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Hà Tĩnh tập trung vào 5 định hướng lớn để tạo bước đột phá trong phát triển, đó là: 1- Bốn ngành trọng điểm: nông nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; logistics; du lịch. 2- Ba trung tâm đô thị: Trung tâm đô thị xung quanh thành phố Hà Tĩnh, trung tâm đô thị phía bắc là thị xã Hồng Lĩnh, trung tâm đô thị phía nam với hạt nhân là thị xã Kỳ Anh gắn với Khu kinh tế Vũng Áng;  3- Ba hành lang kinh tế: Hành lang đồng bằng ven biển gắn với quốc lộ 1, cao tốc bắc nam và đường ven biển, hành lang dọc quốc lộ 8, hành lang trung du và miền núi phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh; 4- Một trung tâm động lực tăng trưởng: Khu kinh tế Vũng Áng với hạt nhân là Khu liên hợp gang thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương; 5- Bốn nền tảng chính: nguồn lực và văn hóa con người Hà Tĩnh; chuyển đổi số; hạ tầng đồng bộ; đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh hiện đại và minh bạch. Theo quy hoạch này, khi địa giới hành chính cấp huyện có thay đổi, nhìn chung các định hướng vẫn có sự tác động lớn tới sự phát triển của địa phương.

Hà Tĩnh xác định phát triển bền vững và chuyển đổi xanh là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đặt mục tiêu xây dựng một nền công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện và bền vững, góp phần tạo thành cực tăng trưởng quan trọng của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước.

Mục tiêu của Hà Tĩnh trong giai đoạn tiếp theo là chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, khai thác tài nguyên thiên nhiên tiết kiệm và hiệu quả. Sự phát triển này sẽ dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số. Chiến lược này nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Hướng đến việc xây dựng lối sống xanh, kết hợp với giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên đời sống chất lượng cao và hòa hợp với thiên nhiên. Trong quá trình đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hà Tĩnh cam kết bảo đảm mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững. Tỉnh luôn chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, bảo đảm bình đẳng trong cơ hội phát triển.

Về mặt khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tỉnh Hà Tĩnh đã có những bước tiến đáng kể. Tiềm lực khoa học, công nghệ của tỉnh đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, với tỷ lệ đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế phấn đấu đạt từ 40% - 50%. Mục tiêu của địa phương đặt ra, tăng dần tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao và mở rộng quy mô kinh tế số, phấn đấu đạt 15% - 20% GDP.

Tỉnh Hà Tĩnh đặt mục tiêu nâng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp lên trên 80%, đồng thời đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt lên trên 80%; phấn đấu trên 40% doanh nghiệp áp dụng hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ đóng góp vào phát triển kinh tế, mà còn giúp xây dựng và phát triển toàn diện văn hóa, con người, duy trì chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh trên mức 0,7.

Từ năm 2026, tỉnh đặt mục tiêu dành 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển hạ tầng công nghệ số tiên tiến với việc phủ sóng mạng 5G toàn tỉnh, từng bước ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại, như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) và điện toán đám mây.

Đến năm 2045, tỉnh Hà Tĩnh hướng tới tỉnh có nền kinh tế mạnh với cơ cấu chủ yếu là công nghiệp và dịch vụ của khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, thu hút tổ chức, doanh nghiệp công nghệ đầu tư nghiên cứu và sản xuất tại địa phương.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, tỉnh cam kết tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào sản xuất và đời sống, đồng thời bảo đảm an toàn, an ninh không gian mạng và bảo vệ dữ liệu. Chính quyền tỉnh tập trung cao việc phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và công dân số, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo môi trường phát triển bền vững cho thế hệ tương lai.

Với quan điểm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, động lực chính để địa phương phát triển trong kỷ nguyên mới; bám sát nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 57-NQ/TW, tỉnh xác định thời gian tới tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, nâng cao nhận thức và đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo để tạo xung lực mới cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đẩy mạnh công tác truyền thông sâu rộng qua các kênh báo chí, truyền hình, mạng xã hội và nền tảng số về các nghị quyết, chương trình hành động của Trung ương và địa phương, như Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 03/NQ-CP, ngày 9-1-2025, của Chính phủ “Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” và Chương trình hành động số 40-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh; Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 22-10-2021, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Cụ thể hóa nội dung cần tuyên truyền cho từng đối tượng, như người dân, doanh nghiệp và chính quyền các cấp. Xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tích hợp vào chương trình công tác hằng năm của mỗi cơ quan, đơn vị. Phát động phong trào “Học tập số” để nâng cao kiến thức về khoa học, công nghệ và kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Khuyến khích phong trào sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả công tác tại cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.

Hai là, tập trung rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách, xóa bỏ rào cản sự phát triển, đưa cơ chế, chính sách thành lợi thế cạnh tranh của tỉnh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ khoa học, kỹ thuật và chuyển giao công nghệ để thu hút đầu tư vào dự án phù hợp với Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Xây dựng cơ chế tài chính cải cách trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đơn giản hóa thủ tục quản lý, sử dụng và thanh, quyết toán đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ. Bảo đảm chính sách bảo vệ sở hữu trí tuệ và chia sẻ lợi ích từ nghiên cứu, ứng dụng. Ban hành chính sách đột phá khuyến khích đổi mới công nghệ, sáng tạo, chuyển giao kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ, sản phẩm số, tạo điều kiện thử nghiệm công nghệ mới và mô hình kinh doanh mới cho doanh nghiệp. 

Dây chuyền sản xuất pin ô tô ở Nhà máy Sản xuất Pin VinES tại Khu kinh tế Vũng Áng_Nguồn: baohatinh.vn

Ba là, tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Xây dựng chương trình thu hút đầu tư hằng năm, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng Trung tâm dữ liệu tại tỉnh. Thực hiện hiệu quả chương trình của Trung ương về phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược trong các lĩnh vực: môi trường, công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch, trí tuệ nhân tạo, vật liệu tiên tiến, tự động hóa, quốc phòng. Xây dựng các chương trình: 1- Phát triển công nghệ sinh học; 2- Chuyển đổi số trong doanh nghiệp; 3- Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và ứng dụng công nghệ tiên tiến cho doanh nghiệp; 4- Phát triển y học cổ truyền gắn với sản xuất dược liệu; 5- Chuyển đổi số khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo hướng ứng dụng internet vạn vật (IoT) để trở thành khu công nghiệp thông minh. Hoàn thiện Trung tâm kiểm soát an toàn thông tin mạng tỉnh (SOC) và Dữ liệu lớn (Big Data).

Bốn là, phát triển và trọng dụng nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Tăng cường đầu tư, đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo để bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành khoa học, công nghệ và chuyển đổi số. Triển khai chương trình tìm kiếm, đào tạo học sinh, sinh viên tài năng trong ngành khoa học cơ bản và công nghệ chiến lược; đào tạo lại đội ngũ kỹ thuật viên và đào tạo nghề chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghệ mới. Xây dựng dữ liệu chuyên gia, kết nối doanh nghiệp với cơ sở đào tạo để tăng cường liên kết nghiên cứu, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Khuyến khích cơ sở đào tạo gắn kết nghiên cứu khoa học với giảng dạy, động viên đội ngũ nhà giáo, sinh viên tham gia nhiệm vụ khoa học, công nghệ. Đẩy mạnh phong trào thi đua sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, cải tiến kỹ thuật trong doanh nghiệp, tổ chức. Tổ chức cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tôn vinh tác giả sáng chế, giải pháp hữu ích và tri thức tiêu biểu. Phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao là con em Hà Tĩnh đang học tập, công tác trên mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài.

Năm là, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, nâng cao hiệu quả quản trị và quản lý nhà nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tỉnh tập trung triển khai Chương trình phát triển Chính phủ số với mục tiêu rõ ràng, giao trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá và công khai kết quả thực hiện. Ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ trong xây dựng cơ sở dữ liệu tạo thuận lợi cho việc ra quyết định của cơ quan nhà nước. Phát triển văn hóa số, bảo vệ bản sắc dân tộc và triển khai bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Khuyến khích cộng đồng sáng tạo sản phẩm văn hóa số chất lượng cao và tích cực. Xây dựng cơ sở dữ liệu về văn hóa và di sản văn hóa số. Triển khai nền tảng số thu thập dữ liệu nông nghiệp, tài nguyên, môi trường, bảo đảm an toàn, an ninh mạng và dữ liệu. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong cảnh báo nguy cơ quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

Sáu là, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Xây dựng chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã và hộ kinh doanh đầu tư vào chuyển đổi số, nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, quản trị doanh nghiệp. Phát triển thị trường khoa học, công nghệ, tăng tỷ lệ nguồn cung công nghệ và thiết bị trong nước, đẩy mạnh hoạt động trung gian của thị trường này. Khuyến khích phát triển doanh nghiệp khoa học, công nghệ, doanh nghiệp số, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và vườn ươm sáng tạo. Phát triển sản phẩm đã xây dựng thương hiệu, sản phẩm mới, sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm chủ lực đáp ứng yêu cầu thị trường. Bảo đảm phát triển tài sản trí tuệ, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa là công cụ hiệu quả thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới. Đẩy mạnh tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ trên môi trường số và sản xuất thông minh trong các ngành, như nông nghiệp, thương mại, tài chính, giáo dục, y tế, giao thông...

Bảy là, tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Tăng cường phối hợp với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước để thực hiện chương trình khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ chuyên gia. Tranh thủ sự hỗ trợ của ban, bộ, ngành Trung ương, tổ chức trong và ngoài nước để đầu tư phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ và chuyển đổi số. Tham gia hoạt động hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin, kinh nghiệm và thu hút nguồn lực cho nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc, kết hợp cả khoa học, công nghệ và hợp tác kinh tế trong hợp tác quốc tế.

Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, với tinh thần đổi mới sáng tạo, tỉnh quyết tâm triển khai mạnh mẽ các nhiệm vụ đột phá trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây là chìa khóa để tỉnh Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên số. Tiếp tục huy động sức mạnh toàn dân, phát huy truyền thống đoàn kết, bản lĩnh và sáng tạo, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng, sẵn sàng đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước trong thời kỳ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư./.

Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/thuc-tien-kinh-nghiem1/-/2018/1107503/khoa-hoc%2C-cong-nghe%2C-doi-moi-sang-tao-va-chuyen-doi-so%2C-dot-pha-quan-trong-hang-dau%2C-dong-luc-chinh-de-tinh-ha-tinh-phat-trien-trong-ky-nguyen-moi.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm