Gần 87% giảng viên, sinh viên chưa được đào tạo kiến thức giới và hòa nhập
Tại hội nghị tổng kết Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" trong Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế xã hội (KTXH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS & MN) giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025", bà Lê Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã chia sẻ kết quả khảo sát sơ bộ do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện về công tác đào tạo bình đẳng giới.
Theo đó, khảo sát được thực hiện đối với các nhà quản lý giáo dục, giảng viên, đội ngũ hỗ trợ đào tạo và sinh viên ở Việt Nam đã phát hiện những khoảng trống trong kiến thức và đào tạo về bình đẳng giới.
Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ kết quả khảo sát sơ bộ do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện về công tác đào tạo bình đẳng giới
Chẳng hạn, 81,1% người tham gia chưa được giảng dạy về bình đẳng giới; 86,5% chưa được đào tạo về bình đẳng giới, hòa nhập và đa dạng; Chỉ có 2,95% giảng viên được đào tạo chính quy về bình đẳng giới ở cấp đại học trở lên; Phần lớn (86,52%) chưa được đào tạo, bồi dưỡng về các nội dung liên quan đến giới và hòa nhập.
Ngoài ra, một phát hiện quan trọng khác của khảo sát là tình trạng thiếu giáo trình giảng dạy, tài liệu tham khảo và thiết bị dành riêng cho đào tạo về bình đẳng giới và hòa nhập. Trong trường hợp có đào tạo thì việc đào tạo đó thường diễn ra dưới hình thức một học phần tự chọn thay vì một môn học/học phần bắt buộc.
"Cần phải chuyển chính sách thành thực tiễn và biến những số liệu thống kê này thành chất xúc tác cho sự thay đổi. Trước nhu cầu cấp thiết này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định đưa nội dung về bình đẳng giới vào chương trình giáo dục ở tất cả các cấp học" - bà Lê Thị Thanh Nhàn nhấn mạnh.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Chú trọng đẩy mạnh lồng ghép giới trong Chương trình giáo dục ở các bậc học
Trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chú trọng triển khai lồng ghép giới trong Chương trình giáo dục các bậc học (từ Mầm mon, Tiểu học, Trung học sơ sở, Trung học phổ thông).
Bà Lê Thị Thanh Nhàn cho hay, việc đào tạo lồng ghép nội dung giới vào chương trình đào tạo hiện nay của các trường đại học sư phạm là một bước tiến quan trọng qua việc đưa nội dung giới vào một số môn học (nghệ thuật/nhân văn hoặc tâm lý học...) và xây dựng năng lực. Cách tiếp cận này sẽ mang lại những đầu ra hiệu quả và bền vững hơn trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục và tạo ra tác động lâu dài đến bình đẳng giới trong các cơ sở giáo dục đại học.
"Năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục phối hợp Hội LHPN Việt Nam tổ chức tập huấn cho Giáo viên/Cán bộ quản lý các trường THPT vùng đồng bào DTTS & MN của các tỉnh thuộc địa bàn Dự án 8", bà Lê Thị Thanh Nhàn thông tin.
Với nội dung tập huấn thiết thực có ý nghĩa, Cán bộ quản lý/Giáo viên sẽ vận dụng triển khai các nội dung trong các nhà trường, cụ thể: tập huấn công tác tư vấn học đường (bao gồm về bạo lực học đường trên cơ sở giới) cho giáo viên và cán bộ quản lý các trường trung học cơ sở; hỗ trợ giáo viên các trường phổ thông thực hiện công tác tư vấn học đường cho học sinh; tổ chức các cuộc đối thoại và hội thảo cho phụ huynh học sinh, các thành viên khác trong gia đình và học sinh để nâng cao nhận thức và kiến thức về bạo lực học đường trên cơ sở giới.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tiếp tục phối hợp Hội LHPN Việt Nam tổ chức tập huấn cho Giáo viên/Cán bộ quản lý các trường THPT vùng đồng bào DTTS & MN của các tỉnh thuộc địa bàn Dự án 8
Dự án 8 là bước tiến quan trọng trong việc thực hiện bình đẳng giới và các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Bộ Giáo dục và Đào tạo cam kết phối hợp chặt chẽ để xây dựng một nền giáo dục công bằng, an toàn và thân thiện, đảm bảo mọi học sinh đều được hưởng lợi từ giáo dục chất lượng"
Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo
Trong thời gian tới, để khắc phục các thách thức nêu trên, bà Lê Thị Thanh Nhàn chia sẻ, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục phát triển và thử nghiệm Tài liệu hướng dẫn đào tạo chuẩn cho giáo viên; các hoạt động ngoại khóa, hoạt động hướng nghiệp tập trung vào các nội dung được đưa vào các môn học theo Hướng dẫn của Bộ về Giáo dục giới tính/Tình dục toàn diện trong chương trình giáo dục phổ thông; Xây dựng những tài liệu bổ sung hướng dẫn giảng viên và giáo viên về những gì cần dạy và cách giảng dạy theo môn học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng hướng tới mục tiêu tất cả cán bộ quản lý, giáo viên phải làm quen với Hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Giáo dục giới tính/Tình dục toàn diện trước khi triển khai tập huấn về giáo dục tính dục.
Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường tập huấn giảng viên cốt cán các trường mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên nâng cao năng lực về tích hợp lồng ghép nội dung giới, bình đẳng giới vào thực tế giảng dạy; tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh lồng ghép giới trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên; quan tâm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho đội ngũ sinh viên nói chung, sinh viên dân tộc thiểu số nói riêng; tổ chức nhiều hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới cho đội ngũ học sinh, sinh viên.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/khoang-trong-trong-kien-thuc-va-dao-tao-ve-binh-dang-gioi-20250520111320558.htm
Bình luận (0)