Hạng mục hầm đường bộ Đèo Bụt thuộc dự án thành phần cao tốc Vũng Áng - Bùng là một trong ba dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đang được triển khai thi công qua địa bàn Hà Tĩnh. Đây là hầm đường bộ xuyên núi có chiều dài gần 1.000m, ống hầm phía Bắc thuộc xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh và ống hầm phía Nam nằm ở xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh. Dự án gồm 2 ống hầm đơn được thiết kế vỏ bê tông cốt thép với 3 làn xe cơ giới, nguồn vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Sử dụng robot để thi công công trình trọng điểm
Tháng 7/2023, Tập đoàn Sơn Hải bắt đầu khoan mũi đầu tiên thi công hầm Đèo Bụt. Sau hơn 10 tháng thi công, nhánh bên phải có chiều dài 840m chính thức thông tuyến đúng vào dịp cả nước kỷ niệm 134 năm sinh nhật Bác Hồ 19/5/2024. Đến nay, nhánh bên trái cũng đã thông hầm, nối tuyến với dự án Bùng - Vạn Ninh để sẵn sàng làm nhiệm vụ "chia lửa" vận tải cho tuyến quốc lộ 1A.
Theo kế hoạch, công trình này dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2025, cùng thời gian với đoạn cao tốc Vũng Áng - Bùng, song do yêu cầu đẩy nhanh tiến độ để về đích dịp 30/4, nhà thầu đã tăng cường nhân lực, máy móc thi công "ba ca, bốn kíp" xuyên ngày đêm, xuyên lễ. Tập đoàn Sơn Hải cam kết, sẽ về đích và cơ bản hoàn thiện các hạng mục thiết yếu để thông xe vào dịp 30/4 như đã hứa với Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng).
Chia sẻ về quá trình hơn 20 tháng chinh phục hầm chui Đèo Bụt, đại diện quản lý dự án của Tập đoàn Sơn Hải cho biết, việc thi công hầm Đèo Bụt gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nền địa chất khá yếu, có đất đá xen kẹt rời rạc, lưu lượng mưa lớn, nước ngầm nhiều.
Để đảm bảo tiến độ, quá trình thi công đơn vị vừa phải thực hiện hàng loạt biện pháp xử lý như tăng cường kết cấu chống đỡ, thi công vòm ngược vừa sử dụng robot làm việc không ngừng nghỉ để thi công gia cố vòm hầm, thi công bê tông vỏ, tạo kết cấu chống đỡ cho hầm. Cùng với việc huy động các máy móc, thiết bị hiện đại, nhà thầu đã cắt cử những kỹ sư, cán bộ, công nhân có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thi công hầm đường bộ để quá trình thi công được thuận lợi, an toàn.
Cùng với hầm chui xuyên núi, do điều kiện địa hình phức tạp nên trên các tuyến cao tốc cũng có nhiều đoạn tuyến phải thi công cầu cạn băng qua nhiều sông, suối, hồ, đập, trong đó có những hợp phần cao đến hơn 50m cũng là những thử thách không hề nhỏ đối với các nhà thầu. Trong số này, cầu cạn số 1 nối hai quả đồi cao, bắc qua thung lũng lòng chảo dài gần 1.000m nằm trên địa bàn xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) là một trong những hạng mục thi công trên địa hình khó của dự án cao tốc đoạn Vũng Áng - Bùng. Cầu cạn số 1 được thiết kế 2 mố với 22 trụ, trong đó, trụ cao nhất lên đến 50m so với mặt đất tiếp giáp móng trụ, tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng.
Công ty CP 479 Hòa Bình - đơn vị đảm nhận thi công cho biết, khu vực qua xã Kỳ Hoa là thung lũng, địa hình thấp, với 2 bên là núi, phía dưới là vực sâu nên chỉ có phương án khả thi là xây cầu cạn vượt núi. Riêng cao tốc Vũng Áng - Bùng có đến 28 cây cầu các loại, trong đó 5 cây cầu được đánh số từ số 1 đến số 5 qua địa bàn xã Kỳ Hoa có vị trí thi công khó khăn, vượt núi, băng hồ.
Trong số này, điểm nhấn của các dự án khó nhất là cầu số 2 và cầu số 3 với chiều dài 1.000m chạy dọc ven hồ chứa nước Kim Sơn, được thi công bố trí gối kề liên tiếp nhau vượt núi, băng hồ trước khi tiếp giáp với cầu cạn số 5 để dẫn vào hầm Đèo Bụt.

Tăng tốc để hòa niềm vui ngày hội thống nhất non sông
Ông Nguyễn Khắc Trung, Giám đốc Ban điều hành dự án cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng (Ban QLDA Thăng Long - Bộ Xây dựng) cho biết, để về đích vượt thời hạn được giao trước 8 tháng, đơn vị thi công các gói thầu cao tốc thành phần qua địa bàn Hà Tĩnh đã "vượt nắng, thắng mưa", khắc phục những khó khăn về điều kiện khách quan lẫn chủ quan, thi công gần như xuyên ngày đêm, lễ tết.
Tại các gói thầu khó là hầm chui, cầu cạn, cầu vượt sông, vượt hồ chủ đầu tư đã khuyến khích đơn vị thi công, tranh thủ ngày nắng trên công trường, ngày mưa chuyển sang thi công trong ống hầm, dưới gầm cầu để đẩy nhanh tiến độ. Nhờ vậy, sau 20 tháng nỗ lực thi công, tuyến cao tốc có chiều dài gần 110km qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thiện, nối với cao tốc thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt và cao tốc Bùng - Vạn Ninh, góp phần đưa dự án cao tốc Bắc - Nam đến gần hơn trong việc hợp nhất thành một dải non sông từ Bắc chí Nam.
Để hoàn thiện kịp tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng, các nhà thầu, chủ đầu tư cùng địa phương đã nỗ lực thi công, khắc phục mọi khó khăn về thời tiết, địa hình, tăng cường nhân lực, máy móc, trong đó có cả sự hỗ trợ của robot để thi công đảm bảo chất lượng, thẩm mỹ và tiến độ. Đến nay, các hạng mục này đã cơ bản hoàn thiện, góp phần vào mục tiêu quốc gia đến năm 2025 cả nước có trên 3.000km cao tốc.
Để đạt được mục tiêu nói trên, thời gian qua tại 28 dự án cao tốc thành phần trong cả nước có kế hoạch hoàn thành năm 2025 với tổng chiều dài khoảng 1.188km, các chủ đầu tư, nhà thầu và địa phương đang nỗ lực chạy đua cùng thời gian để đưa dự án về đích đúng hẹn.
Dịp lễ 30/4 này, cả nước thông xe tuyến chính 4 dự án cao tốc với chiều dài 158km, bao gồm các dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Bùng - Vạn Ninh và Biên Hòa - Vũng Tàu. Cũng dịp này, dự án Bến Lức - Long Thành đoạn từ quốc lộ 1A đến nút giao Nguyễn Văn Tạo dài 20km và đoạn cuối dự án Vân Phong - Nha Trang 70km cũng hoàn thành đưa vào khai thác.
Nguồn: https://cand.com.vn/Phong-su-tu-lieu/khoet-nui-ngu-ham-tren-cong-truong-trong-diem-quoc-gia-i767140/
Bình luận (0)