Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khơi nguồn sáng tạo khi hội họa kết duyên cùng lịch sử

Ngày 11-5, tọa đàm “Truyện tranh: Khi văn hóa, lịch sử kết duyên cùng hội họa” do Nhà Xuất bản Kim Đồng và Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức, là dịp hội ngộ của những người yêu truyện tranh, đồng thời khẳng định sức sống mới của thể loại graphic novel trong dòng chảy văn hóa đương đại.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng11/05/2025

Từ "chuyện trẻ con" đến công cụ cất tiếng nói ký ức

Truyền thống lâu đời khiến nhiều người vẫn giữ định kiến truyện tranh chỉ là sản phẩm giải trí đơn giản dành cho thiếu nhi. Nhưng graphic novel, hay còn gọi là tiểu thuyết hình họa đã chứng minh sức nặng của mình khi vượt khỏi khuôn khổ “vui mắt, dễ đọc” để trở thành một loại hình nghệ thuật độc lập, có khả năng chuyển tải những vấn đề lớn lao như lịch sử, di dân, chiến tranh, ký ức tập thể hay những thân phận bị lãng quên...

Clément Baloup, họa sĩ mang hai dòng máu Pháp - Việt, không chỉ chia sẻ hành trình sáng tác cá nhân mà còn mang đến một minh chứng sống động cho việc truyện tranh hoàn toàn có thể chạm đến những vấn đề gai góc, phức tạp như thân phận di dân, ký ức chiến tranh hay khoảng cách thế hệ. Với bộ tác phẩm Ký ức kiều bào, anh đi tìm lời đáp cho chính câu hỏi tuổi đôi mươi của mình: “Tại sao tôi là con lai?” Và rồi, những mảnh ghép ký ức dần hiện lên qua các trang truyện, vừa riêng tư, vừa có tính đại diện cao cho một cộng đồng bị lãng quên trong lịch sử.

Sự giao thoa giữa văn học và hội họa trong graphic novel đã giúp Clément không chỉ kể một câu chuyện, mà dựng lại không gian lịch sử đan xen Pháp - Việt, một bối cảnh xã hội đầy bất định, và những thân phận người nhập cư vừa nhỏ bé vừa kiên cường. Như anh chia sẻ, hình ảnh là cách anh “cất tiếng” khi lời nói không đủ; truyện tranh là phương tiện để những ký ức mong manh khỏi bị cuốn trôi theo thời gian.

Nhà nghiên cứu Lê Nguyên Long, chia sẻ, graphic novel không đơn thuần là “truyện tranh có chiều sâu”, mà là sự kết hợp tinh tế giữa chữ và tranh, nơi cả hai cùng cộng hưởng để tạo ra hiệu ứng truyền tải mạnh mẽ hơn. Nhờ hình thức tự sự giàu hình ảnh này, những đề tài nặng nề như di dân, phân biệt chủng tộc hay chiến tranh có thể trở nên dễ tiếp cận, dễ cảm hơn nhất là với độc giả trẻ.

img-585820250511102616.jpg

Tiềm năng chưa đánh thức tại Việt Nam

Thị trường graphic novel ở Pháp đã có những bước phát triển ngoạn mục từ đầu những năm 2000, được giới học thuật công nhận như một loại hình nghệ thuật kể chuyện mới, bên cạnh tiểu thuyết, phim ảnh hay sách nói.

Tại Việt Nam, thể loại này vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, song qua tọa đàm, có thể thấy, graphic novel hoàn toàn có tiềm năng tạo nên làn gió mới trong sáng tác phi hư cấu. Những tác phẩm như Ký ức kiều bào là minh chứng cho thấy khả năng kể chuyện bằng hình ảnh không những không làm “loãng” thông điệp, mà còn tăng cường sự lan tỏa và đồng cảm nơi người đọc.

Với nền văn hóa, lịch sử phong phú, những chất liệu từ chiến tranh, di dân, đô thị hóa đến biến đổi xã hội... đang chờ được tái hiện qua những hình thức mới mẻ hơn. Graphic novel chính là lời mời dành cho các họa sĩ, nhà văn, nhà nghiên cứu và cả người trẻ bước vào hành trình sáng tạo giàu cảm hứng, nơi mà câu chuyện dân tộc có thể được kể lại bằng cả hình ảnh và trái tim.

Khi văn hóa và lịch sử "kết duyên" cùng hội họa, graphic novel không còn là thứ bị xem nhẹ trong thế giới xuất bản. Nó trở thành một không gian sáng tạo mở, một “tiểu thuyết bằng tranh” có khả năng khơi dậy ký ức, khắc họa số phận và chạm đến chiều sâu nhân văn.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/khoi-nguon-sang-tao-khi-hoi-hoa-ket-duyen-cung-lich-su-post794759.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Nhiều bãi biển ở Phan Thiết rợp cánh diều gây ấn tượng cho du khách
Lễ duyệt binh Nga: Những góc quay 'tuyệt đối điện ảnh' khiến người xem sửng sốt
Xem lại tiêm kích Nga trình diễn ngoạn mục trong Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng
Cúc Phương vào mùa bướm – khi rừng già hóa thành chốn cổ tích

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm