
Thương giới kiến nghị
Ngày 22/5/2025, Hiệp hội doanh nghiệp (HHDN) Quảng Nam đã gửi đến Ngân hàng Nhà nước - khu vực 9 kiến nghị 4 nội dung gây trở ngại khiến doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng, gồm: Hồ sơ tài chính; tài sản đảm bảo; cơ cấu lại khoản vay; lịch sử nợ.
Theo HHDN Quảng Nam, các ngân hàng yêu cầu báo cáo tài chính của doanh nghiệp phải có lợi nhuận, chú trọng vào các tài sản hữu hình hiện có, chưa mạnh dạn cho vay đối với các tài sản hình thành trong tương lai hoặc tài sản hình thành từ vốn vay, quyền tài sản và không (hoặc rất ít) cho vay tín chấp.
Doanh nghiệp không thể đáp ứng các quy định này khi tài sản hiện có hầu như đã được thế chấp cho tổ chức tín dụng để bảo đảm các khoản vay khác, nên đã bị hạn chế, không thể tiếp cận được nguồn vốn mới.
Các tổ chức tín dụng bắt đầu đẩy mạnh gói vay mua nợ, nhưng lại chỉ áp dụng nguyên thời hạn cho vay theo phương án cũ. Chưa có cơ chế thay đổi, cơ cấu lại khoản vay theo tình hình kinh tế trong giai đoạn mới. Chính điều này dẫn tới doanh nghiệp không được cơ cấu khoản vay, giãn bớt áp lực trả nợ để tập trung nguồn vốn phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Kinh tế suy giảm, một số doanh nghiệp đã bị nợ quá hạn, nợ xấu. Các khoản nợ này tuy đã được chuyển về nhóm nợ đủ tiêu chuẩn, nhưng lịch sử phát sinh nợ vẫn lưu trên thông tin của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC).
Các tổ chức tín dụng lại có quy định hạn chế hoặc không cho vay đối với những doanh nghiệp đã từng phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu dẫn tới những doanh nghiệp này gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trên lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp đề nghị ngân hàng có cơ chế chính sách đặc thù cho nhóm doanh nghiệp khó khăn về thủ tục pháp lý kéo dài do thanh tra, kiểm tra nay đã được tháo gỡ. Các tổ chức tín dụng chấp nhận phần bảo lãnh tạm ứng hợp đồng có tỷ lệ tài sản bảo đảm dưới 30% tỷ lệ tạm ứng.
Ngoài ra, doanh nghiệp yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay dài hạn hợp lý hơn (khoảng 10%/năm trở lại), cấp các chương trình tín dụng ưu đãi khoảng 4%/năm cho các dự án nhà ở phục vụ nhu cầu thiết yếu và nhà ở xã hội. Cho phép các doanh nghiệp (công, nông nghiệp…) sử dụng hàng hóa hoặc sản phẩm đã hoàn thành quá trình sản xuất làm tài sản thế chấp khi doanh nghiệp không có đủ tài sản thế chấp.
Ông Trần Quốc Bảo - Chủ tịch HHDN Quảng Nam nói, nếu các kiến nghị này được tháo gỡ sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản tiếp cận vốn vay với chi phí hợp lý, giải quyết các vấn đề về vốn khi triển khai đồng thời nhiều dự án cùng lúc, giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp đầu tư, giúp các doanh nghiệp khác nhau chủ động trong việc mua sắm nguyên vật liệu, trả lương cho công nhân và hoàn thành đơn hàng. Vốn ngân hàng sẽ được khai thông vào nền kinh tế, kích thích tăng trưởng cho địa phương.
Cộng đồng trách nhiệm
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước khu vực 9, trong hai năm 2023 - 2024 ngành ngân hàng địa bàn Quảng Nam có mức tăng trưởng tín dụng thấp (dưới 2 con số). Tính đến ngày 30/4/2025, tổng dư nợ ngân hàng Quảng Nam đạt 119.576 tỷ đồng. Chỉ riêng bất động sản khoảng 15.591 tỷ đồng, chiếm 13,25%/tổng dư nợ, xây dựng khoảng 5.725 tỷ đồng, chiếm 4,86%/tổng dư nợ.

Theo ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực 9, ngân hàng sẽ đưa vào nền kinh tế địa phương mỗi năm khoảng 130-140 nghìn tỷ đồng qua kênh cấp vốn tín dụng.
Hệ thống ngân hàng Quảng Nam sẵn sàng cung ứng đủ vốn cho các dự án đầu tư hiệu quả để nền kinh tế phát triển. Nhu cầu vốn sẽ không hạn chế. Tín dụng tăng nhiều hay ít phụ thuộc vào năng lực hấp thu vốn của nền kinh tế và doanh nghiệp.
Các dữ liệu thống kê cho thấy vốn bơm vào nền kinh tế địa phương tăng trưởng, các ngân hàng thừa tiền, nhưng dường như luôn tồn tại một nghịch lý nhiều năm không thể tháo gỡ khi thương giới luôn kêu thiếu vốn, không thể tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản không thanh khoản được đất, không vay được tiền ngân hàng đã khiến nhiều dự án “đứng bánh”, phải lâm vào cảnh nợ nần, chưa thể tìm được lối ra.
Một giám đốc ngân hàng thương mại cho rằng, hệ thống ngân hàng không thể phát triển, không thể tồn tại, thậm chí “phá sản”nếu huy động nhiều mà không cho vay được. Họ sẵn sàng mở rộng tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, không thể hạ chuẩn cho vay vì đồng vốn cho vay phải đi đôi với sự an toàn và hiệu quả. Khi đầu tư vốn, các ngân hàng sẽ phải thẩm định kỹ càng về hiệu quả dự án.
Vốn có được khơi thông hay không, không hoàn toàn do giới ngân hàng quyết định mà phụ thuộc rất lớn vào các định hướng vĩ mô, chiến lược cạnh tranh của nền kinh tế và sự phối hợp các chính sách tài khóa, hỗ trợ doanh nghiệp.
Tại cuộc gặp gỡ giữa Ngân hàng Nhà nước khu vực 9 và HHDN Quảng Nam ngày 22/5/2025 tại Đà Nẵng, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh khu vực 9 khẳng định sẽ đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp về điều kiện cấp tín dụng, quy mô gói vay và lãi suất cho vay.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực 9 Lê Xuân Anh đã đề nghị HHDN Quảng Nam có danh sách doanh nghiệp đang khó khăn, cần hỗ trợ tín dụng. Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện cơ chế kết nối 3 bên giữa doanh nghiệp - ngân hàng - chính quyền.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/khoi-thong-dong-von-ngan-hang-vao-nen-kinh-te-quang-nam-3155545.html
Bình luận (0)