Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, Luật được xây dựng với cách tiếp cận mới, trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp nhà nước; tăng tính chủ động quyết định đầu tư của doanh nghiệp.
Tách bạch, phân định chức năng quản lý nhà nước với chức năng của chủ sở hữu vốn và doanh nghiệp; giảm bớt sự can thiệp trực tiếp của cơ quan đại diện chủ sở hữu; tăng cường phân công, phân cấp gắn với kiểm tra giám sát nhằm nâng cao tính tự chủ tự, tự chịu trách nhiệm.

Đặc biệt, Nhà nước với vai trò là một nhà đầu tư, thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp bình đẳng với các nhà đầu tư khác.
Việc quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thực hiện thông qua người đại diện chủ sở hữu trực tiếp hoặc người đại diện phần vốn nhà nước.
Bộ Tài chính đã báo cáo lãnh đạo Chính phủ danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành Luật gồm 5 nghị định của Chính phủ, trong đó có 3 nghị định do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo.
Chính phủ đã cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong việc xây dựng, ban hành các nghị định quy định chi tiết Luật.
Theo đại diện Bộ Tài chính, dự thảo nghị định quy định một số nội dung về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, gồm các nội dung đáng chú ý, như: Chiến lược phát triển, kế hoạch kinh doanh hằng năm, việc xác định lại vốn điều lệ, huy động vốn, cho vay vốn, đầu tư, bán tài sản cố định của doanh nghiệp, bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp, chuyển nhượng vốn đầu tư của doanh nghiệp, chuyển nhượng dự án đầu tư; phân phối lợi nhuận sau thuế, việc cơ cấu lại vốn của doanh nghiệp.
Trong khi đó, dự thảo nghị định quy định về giám sát, kiểm tra, đánh giá, xếp loại, báo cáo và công khai thông tin, có nhiều quy định mới, khắc phục những hạn chế thời gian qua.
Chẳng hạn, việc giám sát, kiểm tra được thực hiện theo 3 cấp: Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu và giám sát nội bộ của doanh nghiệp; hướng dẫn cụ thể việc triển khai, trách nhiệm giám sát, kiểm tra đối với từng chủ thể giám sát.
Việc giao chỉ tiêu, đánh giá, xếp loại đối với doanh nghiệp theo hướng có thể định lượng; bảo đảm khả thi trong việc giao kế hoạch và đánh giá; nâng cao trách nhiệm của hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, người đại diện phần vốn nhà nước trong việc bám sát tình hình sản xuất, kinh doanh, dự báo xu hướng phát triển và biến động thị trường.
.jpg)
Người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, người đại diện phần vốn nhà nước, kiểm soát viên được đánh giá theo 4 mức: Hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành và không hoàn thành.
Còn dự thảo nghị định về cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương về đổi mới, cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước; khắc phục những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn thời gian vừa qua.
Đáng chú ý, dự thảo nghị định đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung về phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa, việc yêu cầu các doanh nghiệp cổ phần hóa phải đăng ký giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán để phù hợp với quy định về quản lý, sử dụng tài sản công, quy định của Luật chứng khoán…
Những nội dung mới góp phần khơi thông các nguồn lực hiện có trong doanh nghiệp có vốn nhà nước, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
Theo dự kiến ban đầu, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2026. Tuy nhiên, với tinh thần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông tối đa các nguồn lực, Chính phủ đã thống nhất trình Quốc hội đẩy sớm hiệu lực thi hành của Luật từ ngày 1-8-2025.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/khoi-thong-nguon-luc-doanh-nghiep-nha-nuoc-708542.html
Bình luận (0)