Thí sinh dự thi Tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: TTXVN).
Chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm, từ xa, không sót việc và không để khoảng trống trong công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025 là vấn đề được Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt chú trọng tại hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra kỳ thi diễn ra sáng nay, 27/5.
Kỳ thi đặc biệt
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi đây là lần đầu tiên một kỳ thi có hai đề thi cho hai chương trình khác nhau và diễn ra trong thời điểm cả nước đang thực hiện sắp xếp bộ máy.
Việc tổ chức hai đề thi theo hai chương trình khác nhau trong một kỳ thi đặt ra yêu cầu đặc biệt đối với công tác coi thi, sắp xếp phòng thi, ra đề, in sao đề thi và tổ chức Kỳ thi một cách đồng bộ, hiệu quả. Trong khi đó, số lượng thí sinh tăng gần 100.000 em so với năm trước, tương đương quy mô thí sinh của Hà Nội – địa phương có số lượng thí sinh dự thi lớn nhất cả nước.
Thông tin cụ thể hơn, Giáo sư Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết năm nay cả nước có trên 1,16 triệu thí sinh đăng ký dự thi. Dù chỉ có khoảng 25.000 em dự thi theo chương trình 2006 nhưng khảo sát cho thấy số thí sinh này có ở cả 63 tỉnh thành nên tất cả các địa phương đều phải tổ chức điểm thi riêng cho các thí sinh này.
Theo đó, ông Chương đề nghị các hội đồng thi phải đặc biệt lưu ý để không nhầm lẫn khi quy trình thi giữa hai nhóm đối tượng theo hai chương trình chỉ giống nhau khoảng 70% do sẽ áp dụng theo hai quy chế thi khác nhau.
Ví dụ, thí sinh thi theo chương trình 2006 chỉ dự thi môn thi thứ 2 trong bài thi tự chọn/tổ hợp phải có mặt trước thời gian thi môn thi 10 phút; thí sinh thi theo chương trình 2018 phải có mặt từ đầu buổi thi và chờ tại phòng chờ.
Thời gian giữa 2 môn thi trong bài thi tự chọn/tổ hợp với thí sinh dự thi theo chương trình 2006 là 10 phút trong khi thời gian giữa hai môn thi với thí sinh dự thi theo chương trình 2018 là 15 phút.
Với môn Địa lý, thí sinh thi theo chương trình 2006 được mang Atlat vào phòng thi trong khi thí sinh thi theo chương trình 2018 không được mang Atlat vào phòng thi.
Hội nghị có sự tham gia của các sở giáo dục và đào tạo khu vực từ Thành phố Huế trở ra. (Ảnh: PV/Vietnam+)
“4 đúng, 3 không” và “2 tăng cường”
Khâu tổ chức thi phức tạp hơn trong khi cả nước đang thực hiện tinh gọn, sắp xếp bộ máy. Lực lượng thanh, kiểm tra cũng có sự thay đổi khi từ ngày 1/6 tới đây, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức chuyển về thanh tra Chính phủ. Ở các địa phương, thanh tra của sở giáo dục và đào tạo cũng chuyển về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thanh tra cấp huyện kết thúc hoạt động.
Bởi vậy, việc phối hợp giữa các lực lượng thanh tra, kiểm tra như thế nào là vấn đề được một số địa phương như Ninh Bình, Quảng Trị, Hải Phòng đặt ra tại hội nghị.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, không để khoảng trống, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện số 58/CĐ-TTg về việc tổ chức kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh đầu cấp giáo dục phổ thông năm 2025; công điện số 61/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Tốt nghiệp Trung học phổ thông, bảo đảm biên chế giáo viên mầm non, phổ thông và nghỉ hè cho trẻ em, học sinh năm 2025.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)
“Từ khóa” ở cả hai công điện đều là không vì việc sắp xếp bộ máy mà ảnh hưởng đến công tác tổ chức Kỳ thi. Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo cấp tỉnh tổ chức lực lượng thanh tra các cấp. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị các sở giáo dục và đào tạo chủ động tham mưu để sớm xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra; tổ chức tập huấn các tài liệu đã được Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị kỹ lưỡng.
Các địa phương chủ động nghiên cứu đặc điểm thí sinh, giáo viên địa phương để lưu ý các nội dung dễ xảy ra rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ AI ngày càng phát triển. Không căng thẳng nhưng không chủ quan và phải lường kỹ các phương án, các khả năng để chủ động ứng phó nếu xảy ra là yêu cầu được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra.
Cũng theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, với tính chất đặc biệt của kỳ thi năm nay, ngoài chỉ đạo “4 đúng, 3 không” [gồm đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng và đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường; không lơ là, chủ quan; không căng thẳng, áp lực thái quá; không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường] như mọi năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung thêm 2 tăng cường, gồm: Tăng cường tinh thần trách nhiệm, ý thức và nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ tham gia tổ chức thi; tăng cường ý thức thực hiện đúng quy chế thi của thí sinh.
“Tập huấn kỹ lưỡng và tập huấn sớm cho tất cả các cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi với yêu cầu bắt buộc tất cả các chủ thể tham gia kỳ thi đều phải nắm chắc quy chế, cán bộ thanh tra, kiểm tra phải nắm kỹ và giải quyết được các vấn đề bất thường, đặc biệt là các vấn đề có khoảng mờ về quy chế chưa bao quát hết được,” Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhấn mạnh phương châm là thanh tra đi trước, kiểm tra đi trước hết sức kỹ lưỡng để đạt được mục tiêu phòng ngừa. Thanh tra, kiểm tra phải đi vào thực chất và cụ thể, không hình thức, không qua loa, đại khái.
Tại hội nghị, ông Phạm Long Âu, Phó Cục trưởng Cục A06, Bộ Công an cũng thông tin về các thiết bị gian lận công nghệ cao mới và hướng dẫn cách để cán bộ coi thi có thể phòng ngừa, nhận diện được các thiết bị này./.
Theo TTXVN
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/khong-de-khoang-trong-trong-thanh-tra-kiem-tra-thi-tot-nghiep-thpt-250083.htm
Bình luận (0)