Theo cơ quan khí tượng thủy văn, năm 2025, khu vực Đắk Nồng nắng nóng xuất hiện kéo dài hơn mọi năm. Nhiệt độ trung bình từ tháng 6 - 8 có khả năng ở mức xấp xỉ và cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,5 – 1 độ C.
Tuy nắng nóng song năm nay mùa mưa lại đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Tổng lượng mưa có khả năng đạt xấp xỉ và cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ. Thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện, môi trường thuận lợi cho các loại sâu bệnh gây hại cây trồng vụ hè thu.

Chính vì thế, ngành Nông nghiệp và Môi trường Đắk Nông chủ động các biện pháp nhằm phòng, chống dịch bệnh. Tại các địa phương, trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp các huyện, thành phố đã phân công cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn, điều tra, phát hiện và dự báo các đối tượng sinh vật gây hại trên các loại cây trồng để có biện pháp xử lý kịp thời ngay từ đầu vụ.
Theo kế hoạch, vụ hè thu này huyện Krông Nô sẽ xuống giống 2.776ha lúa. Bà Lê Thị Diệu Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp huyện Krông Nô cho biết, đối với cây lúa, ngay từ đầu vụ, đơn vị đã lưu ý người dân chú ý các đối tượng phá hại như chuột.
Cuối tháng 5 và đầu tháng 6, chuột hại giống lúa hè thu chính vụ và lúa giai đoạn đẻ nhánh. Cùng với đó, ốc bươu vàng cũng dễ lây lan gây hại mạnh theo nguồn nước.

Giữa vụ đến cuối vụ, nông dân cần chú ý rầy nâu và rầy lưng trắng hại nặng vào giai đoạn lúa đòng trổ bông - ngậm sữa. Tùy theo trà lúa cần điều tra, theo dõi các đợt cao điểm gây hại chính.
Đạo ôn lá là bệnh gây hại trên lúa mùa ở giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái vào cuối tháng 6 đầu tháng 7. Đạo ôn cổ lá, cổ bông gây hại vào cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 trên lúa hè thu ở giai đoạn trổ - ngậm sữa.
Ngoài ra, cuối vụ chú ý bệnh khô vằn phát sinh gây hại ở giai đoạn lúa đòng - chắc xanh và bệnh lem lép thối hạt hại nặng trên giống nhiễm ở giai đoạn lúa trổ - ngậm sữa trong điều kiện nắng nóng xen kẽ mưa giông.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp - Môi trường huyện Cư Jút, vụ hè thu 2025, người dân sản xuất trên 5.100ha bắp. Bắp là cây có diện tích lớn nhất trong các loại cây trồng của huyện ở vụ hè thu này.

Hiện nay, đội ngũ kỹ thuật của huyện đang tích cực bám cơ sở, lưu ý, hướng dẫn bà con chú ý đề phòng sâu keo mùa thu gây hại. Loài sâu hại này gây hại lớn nhất chủ yếu ở giai đoạn phát triển thân lá - xoáy nõn. Đợt 1 từ cuối tháng 5 - giữa tháng 7. Cùng với đó, người dân chú ý phòng bệnh sâu đục thân ở giai đoạn cây trổ cờ, ra trái non.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, cùng với thu hoạch cây trồng vụ đông xuân, đến giữa tháng 5, nông dân Đắk Nông đã sản xuất được trên 9.700ha/45.900ha cây trồng ngắn ngày vụ hè thu, nhanh hơn so với cùng kỳ năm trước gần 1.300ha.
Qua theo dõi, các loại sâu bệnh gây hại không đáng kể, mật độ, tỷ lệ thấp. Cơ quan chuyên ngành từ tỉnh, huyện đều tăng cường lực lượng bám cơ sở cùng theo dõi, điều tra mầm bệnh tại các cánh đồng, từ đó đưa ra các khuyến nghị sản xuất hiệu quả.

Bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chuyên môn, người sản xuất cần thường xuyên thăm đồng, quan sát sự sinh trưởng, phát triển của các loại cây trồng nhằm sớm phát hiện, xử lý nhanh chóng, hiệu quả các loại sâu, bệnh hại. Trong trường hợp phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bà con tuân thủ tốt nguyên tắc về đúng thuốc; đúng nồng độ, liều lượng; đúng thời điểm; đúng cách.
Nguồn: https://baodaknong.vn/khuyen-cao-ve-sau-benh-vu-he-thu-253703.html
Bình luận (0)