Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kinh tế tư nhân: Động lực quan trọng của nền kinh tế

- Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định rõ: phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài, nhằm giải phóng toàn bộ sức sản xuất, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực trong Nhân dân. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ rào cản, tiếp sức cho doanh nghiệp vững bước trong hành trình phục hồi và phát triển.

Báo Tuyên QuangBáo Tuyên Quang09/05/2025

Nhiều doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Năm 2024 được đánh giá là năm đặc biệt khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm, tổng số doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn là 3.443 đơn vị. Tuy nhiên, có đến 1.206 doanh nghiệp đã giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động, chỉ còn 2.237 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó chỉ 1.084 đơn vị thực sự phát sinh nộp thuế sản xuất kinh doanh. Như vậy, chưa đến 50% doanh nghiệp đang hoạt động thực sự có đóng góp ngân sách, điều này phần nào thể hiện sự báo động trong “sức khỏe” doanh nghiệp.

Trung bình, cứ 1.000 người dân Tuyên Quang mới có gần 3 doanh nghiệp, thấp hơn nhiều so với mức bình quân cả nước là 8,3. Thậm chí trong số đó, chỉ khoảng 1/2 doanh nghiệp có nộp thuế thực chất. Cơ cấu thu ngân sách từ khu vực doanh nghiệp cũng sụt giảm mạnh, trong đó khối doanh nghiệp tư nhân nộp 896/1.270 tỷ đồng (70% kế hoạch).

Năm 2024, toàn tỉnh có 267 doanh nghiệp mới được thành lập, đạt trên 70% kế hoạch với số vốn đăng ký bình quân chỉ 5,4 tỷ đồng/doanh nghiệp, đứng thứ 57/63 tỉnh, thành. Trong khi đó, số doanh nghiệp giải thể là 41, tăng 105% so với cùng kỳ; tạm ngừng hoạt động 240 doanh nghiệp, tăng 36,4%.

Bước sang năm 2025, tình hình hoạt động của doanh nghiệp cũng chưa có dấu hiệu cải thiện. Quý I-2025, toàn tỉnh 82 doanh nghiệp đăng ký mới (giảm 5% so với cùng kỳ) với số vốn đăng ký trên 223 tỷ đồng (giảm 67% so với cùng kỳ); 41 doanh nghiệp hoạt động trở lại (giảm 9% so với cùng kỳ). Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động lên đến 151 doanh nghiệp (tăng 14% so với cùng kỳ), 10 doanh nghiệp giải thể (tăng 43% so với cùng kỳ).

Sản xuất tại Nhà máy may MSA YB Tuyên Quang.

Đáng chú ý, TP Tuyên Quang, Sơn Dương, Yên Sơn là những địa bàn có số lượng doanh nghiệp tạm dừng và giải thể cao nhất, cũng chính là các “đầu tàu” về phát triển doanh nghiệp những năm qua. Đằng sau những con số ấy là câu chuyện nhiều doanh nghiệp phải “ngủ đông” để chờ thời, thậm chí buộc rời khỏi thị trường vì không thể trụ vững trong bối cảnh vốn cạn, đầu ra yếu, chi phí sản xuất tăng cao.

Thiếu lực bên trong, vướng mắc bên ngoài

Theo ông Nguyễn Vũ Linh, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh, nguyên nhân có thể chia thành hai nhóm lớn: từ nội tại doanh nghiệp và từ môi trường kinh doanh. Về phía doanh nghiệp, nhiều đơn vị còn yếu trong công tác quản trị tài chính, chiến lược phát triển và nhân sự, tư duy kinh doanh ngắn hạn, thiếu đổi mới công nghệ. Đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, phần lớn gặp khó trong việc tiếp cận tín dụng ngân hàng do thiếu tài sản đảm bảo, năng lực quản trị còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp chưa chuyển đổi số, chưa kịp thích ứng với yêu cầu mới của thị trường.

Về phía khách quan, Tuyên Quang là tỉnh miền núi, cơ sở hạ tầng giao thông, logistics... còn nhiều hạn chế. Nguồn nhân lực dồi dào nhưng tay nghề và kỹ thuật còn thấp. Thêm vào đó, thị trường tiêu dùng trong tỉnh nhỏ, sức mua yếu. Doanh nghiệp địa phương còn phải cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp lớn hoặc chuỗi cửa hàng từ các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên. Cùng với đó, chi phí sản xuất tăng mạnh, đặc biệt là giá nguyên vật liệu, vận tải, nhân công... đã khiến không ít doanh nghiệp rơi vào thế khó.

Một nguyên nhân sâu xa khác được các doanh nghiệp phản ánh chính là rào cản trong TTHC, thiếu thông tin quy hoạch, đất đai, thiếu mặt bằng sạch, quy trình xin cấp phép đầu tư còn phức tạp, nhiều tầng nấc.

Công ty TNHH Thành Long (huyện Sơn Dương) là một điển hình. Doanh nghiệp này cho biết đang gặp vướng mắc trong việc hoàn tất thủ tục thuê đất mỏ đá vôi An Đinh và chưa được thanh toán khoản tạm ứng hơn 2,5 tỷ đồng mà công ty đã bỏ ra để giải phóng mặt bằng chợ trung tâm thị trấn Sơn Dương. “Chúng tôi vay ngân hàng để ứng vốn cho Nhà nước, giờ không được thanh toán, lãi mẹ đẻ lãi con, công nhân mất việc, nhà máy dừng hoạt động”, đại diện lãnh đạo công ty chia sẻ.

Ông Đỗ Đức Thắng, Giám đốc một doanh nghiệp vận tải tại TP Tuyên Quang cho biết: Giá nhiên liệu, lương lái xe, chi phí bảo dưỡng tăng cao, trong khi giá cước không tăng được. Hơn một năm nay, chúng tôi chỉ hoạt động cầm chừng, nhiều xe phải “đắp chiếu” vì càng chạy càng lỗ.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác bày tỏ lo ngại về chính sách giá đất và tiền thuê đất của tỉnh đang cao hơn mặt bằng chung các tỉnh lân cận. 

Chủ động thích ứng

Mặc dù bức tranh chung còn nhiều gam màu trầm, song vẫn có không ít doanh nghiệp đã thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo và linh hoạt trong điều hành, từ đó vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh hiệu quả và tạo được dấu ấn trên thị trường. Công ty CP Woodsland Tuyên Quang là ví dụ tiêu biểu. Năm 2024, doanh nghiệp này vẫn duy trì xuất khẩu sản phẩm gỗ công nghiệp sang Mỹ, đạt danh hiệu Thương hiệu quốc gia. Giải pháp của họ là ứng dụng công nghệ cao, tối ưu chuỗi cung ứng, kiểm soát chặt chi phí và tiếp cận thị trường ngách.

Sản xuất chế biến gỗ tại Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang.  

Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang được doanh nhân Bùi Thị Thúy dẫn dắt, chèo lái phát triển bền vững. Hiện Sao Việt đã xây dựng và vận hành ba nhà máy chế biến gỗ rừng trồng cùng 34 cơ sở thu mua và chế biến nằm trong vùng nguyên liệu tại các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh, mỗi năm đóng góp vào ngân sách tỉnh hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 300 lao động và đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ dân chăn nuôi và trồng rừng tại địa phương thông qua các hợp đồng đầu tư, tài trợ và hợp tác, cộng tác, liên doanh.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều bất ổn, việc giữ chân doanh nghiệp đang hoạt động và khơi dậy sức bật cho doanh nghiệp mới là nhiệm vụ sống còn. Những con số về doanh nghiệp tạm ngừng, giải thể tại tỉnh không chỉ là tín hiệu cảnh báo, mà còn là lời nhắc nhở về nhu cầu cải cách mạnh mẽ hơn nữa từ thể chế đến thực thi. 

Hướng đến môi trường đầu tư thông thoáng, bền vững

Việc Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết 68 được các chuyên gia kinh tế đánh giá là một dấu mốc đột phá, mang đến định hướng chính sách rõ ràng, cụ thể và khác biệt cho khu vực kinh tế tư nhân. Lần đầu tiên kinh tế tư nhân được khẳng định là “động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế, thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong việc đặt khu vực này làm trụ cột phát triển. Nghị quyết không chỉ thay đổi tư duy, mà còn đặt ra mục tiêu lượng hóa cụ thể, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tạo nền tảng vững chắc để kinh tế tư nhân bứt phá, đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng và hội nhập quốc tế.

Theo Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 phấn đấu đạt số lượng trên 3.000 doanh nghiệp; đạt mục tiêu 30 doanh nghiệp/1 vạn dân, sử dụng khoảng 15% - 18% lao động trong độ tuổi lao động, đưa tỷ lệ tham gia thu ngân sách nhà nước trên 55% và đóng góp khoảng 25% vào GRDP của tỉnh.

Hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đã ban hành nhiều Quyết định, đề án quan trọng để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Ngay đầu năm nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng đảng và hệ thống chính trị xã hội năm 2025.

Chỉ thị đã đề ra các nhiệm vụ tập trung thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh CCHC, giảm thiểu các thủ tục gây cản trở doanh nghiệp. Đồng thời, việc phát triển hạ tầng giao thông, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm cũng được xác định là nhiệm vụ then chốt.

Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hội doanh nghiệp tỉnh cho biết: Để thực sự tạo niềm tin cho doanh nghiệp tỉnh cần những hành động quyết liệt hơn. Tỉnh sớm ban hành các chính sách tài chính đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi như: giãn nợ, khoanh nợ, giảm tiền thuê đất, miễn lãi chậm nộp thuế, hỗ trợ chi phí chuyển đổi số, tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại tại địa phương...

Đồng thời, cải cách TTHC phải được thực hiện thực chất, không gây khó dễ cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, đảm bảo môi trường đầu tư minh bạch và thuận lợi. Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chỉ rõ: Một số dự án dù đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ lâu nhưng vẫn bị ‘treo” vì chưa hoàn tất các bước liên quan đến đất đai, môi trường, đấu thầu…

Tại hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh tháng 3-2025, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hà Thị Nga đề nghị UBND tỉnh định  kỳ mỗi tháng sắp xếp gặp gỡ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp một lần để kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh, tháo gỡ những “nút thắt”, điểm nghẽn. Các sở, ngành thực hiện nghiêm túc cắt giảm 30% TTHC. Đồng chí cũng đề nghị, các sở, ngành của tỉnh phải phối hợp chặt chẽ giải quyết những thủ tục cần thiết cho doanh nghiệp nhanh nhất; các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục gắn bó với Tuyên Quang để phát triển các dự án đầu tư lâu dài trên địa bàn.

UBND tỉnh cũng đã có nhiều văn bản yêu cầu, các cấp, các ngành phải tăng cường tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải quyết các vướng mắc về TTHC, đất đai, khoáng sản, giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh… coi đây là nhiệm vụ hàng đầu, trọng tâm để đạt mục tiêu tăng trưởng; giải quyết dứt điểm tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm hiện nay trong cán bộ, công chức, viên chức.

Theo kết quả vừa công bố của VCCI cho thấy, năm 2024, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Tuyên Quang đạt 65,99 điểm, tăng nhẹ so với mức 65,45 điểm của năm 2023. Kết quả này phản ánh những nỗ lực không ngừng của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao hiệu quả điều hành. Điều này góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư, thúc đẩy thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và xu hướng sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh đang được triển khai.


Ông Trương Quốc Khánh 
Phó Giám đốc Sở Tài chính

Tháo gỡ vướng mắc, tiếp sức doanh nghiệp

Thời gian qua, Sở Tài chính đã chủ động phối hợp với các địa phương trong tỉnh để nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp nhằm đánh giá sát thực trạng và phân loại khó khăn theo từng nhóm đối tượng. Qua rà soát, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, sức mua giảm, khó tiếp cận tín dụng và thị trường tiêu thụ bị thu hẹp. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chịu tác động nặng nề, nhiều đơn vị phải tạm ngừng hoặc thu hẹp hoạt động.  

Trên cơ sở đó, Sở Tài chính phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan tham mưu cho tỉnh triển khai các chính sách hỗ trợ, nhất là hỗ trợ về tài chính, mặt bằng, thủ tục hành chính và tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi. Đồng thời, Sở cũng tích cực phối hợp với các đơn vị như Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư để kết nối doanh nghiệp với thị trường, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.


Ông Hoàng Việt Hùng
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh

Đối thoại - tạo cơ hội cho doanh nghiệp

Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đóng vai trò  hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại địa phương. Tuy nhiên, đây cũng là nhóm doanh nghiệp chịu nhiều rào cản và dễ bị tổn thương nhất trước những biến động của thị trường. Vì vậy, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư xác định việc tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên.

Để tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, Trung tâm đã tổ chức các diễn đàn, hội nghị tại các huyện, thành phố nhằm lắng nghe ý kiến, phản ánh khó khăn của doanh nghiệp. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ các hoạt động: Tư vấn về pháp lý, vay vốn, đăng ký kinh doanh và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trực tiếp hoặc trực tuyến. Ngoài ra, các câu lạc bộ hoặc hiệp hội doanh nghiệp cũng đã phát huy được vai trò là cầu nối, chia sẻ những kinh nghiệm, phản ánh kiến nghị với chính quyền, góp phần xây dựng những chính sách phù hợp, linh hoạt.


Ông Nguyễn Duy Kiên
Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn và Đầu tư xây dựng Phúc Lợi (TP Tuyên Quang)

Vẫn còn những rào cản tiếp cận vốn

Thời gian gần đây, mặc dù có những tín hiệu tích cực tháo gỡ vướng mắc tiếp cận các nguồn vốn vay cho doanh nghiệp nhỏ như vướng mắc thủ tục pháp lý dần được tháo gỡ, ngân hàng mở rộng tín dụng… Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, phần lớn chưa tham gia được vào hoạt động xuất khẩu và chuỗi giá trị, chưa có công nghệ gốc và tiềm lực để số hóa hoạt động kinh doanh; quản trị doanh nghiệp chưa tiệm cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Do đó, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển nhanh và bền vững. Dù đạt được những kết quả kinh doanh tích cực, việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân vẫn gặp nhiều vướng mắc, nhất là trong tiếp cận nguồn vốn vay.


Ông Phạm Xuân Văn
Giám đốc công ty TNHH xây dựng và PCCC Tiên Phong (TP Tuyên Quang)

Thích ứng để phát triển

Những biến động thị trường đã tạo ra áp lực cạnh tranh lớn với đơn vị. Đặc biệt, thị trường thiết bị phòng cháy chữa cháy ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia, từ các công ty lớn đến các đơn vị nhỏ lẻ. Để chủ động thích ứng, doanh nghiệp phải liên tục đầu tư vào công nghệ, thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực. Đơn vị tập trung vào giải pháp tiên tiến như hệ thống báo cháy thông minh, chữa cháy tự động. Ngoài việc cung cấp thiết bị và lắp đặt hệ thống, doanh nghiệp đã mở rộng sang các dịch vụ tư vấn, đánh giá rủi ro, đào tạo, bảo trì, bảo dưỡng định kỳ, giám sát hệ thống từ xa. Việc đầu tư và tích hợp các công nghệ này cũng là một thách thức đối với doanh nghiệp bởi chi phí đầu tư phí lớn. Tuy nhiên, tôi tin rằng với sự chủ động và đổi mới sẽ là chìa khóa để doanh nghiệp vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội trong bối cảnh thị trường đang thay đổi nhanh chóng.

Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/kinh-te-tu-nhan-dong-luc-quan-trong-cua-nen-kinh-te-211442.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cúc Phương vào mùa bướm – khi rừng già hóa thành chốn cổ tích
Mai Châu chạm vào trái tim thế giới
Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm