
Chúng tôi gặp chị Đinh Thị Thái, tổ 2, phường Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Bắc Kạn), khi chị đang chăm sóc vườn hoa hồng Pháp hơn 2 năm tuổi của gia đình. Để có được vườn hoa to, đẹp không kém gì hoa hồng Đà Lạt, chị Thái đã mạnh dạn dám nghĩ, dám làm.
Chị Thái chia sẻ: Gia đình tôi hơn 20 năm trồng, bán các loại hoa như: Hoa hồng, cúc, đồng tiền... Đối với hoa hồng trồng tại Bắc Kạn thường không được to, đẹp. Trước đây, để có hoa hồng to, đẹp bán phần lớn phải nhập từ nơi khác về, chủ yếu nhập từ Đà Lạt. Những năm gần đây, thấy nhiều nhà vườn ở Hà Nội trồng được hoa hồng Pháp rất đẹp nên tôi đã về Mê Linh (Hà Nội) tìm hiểu về cách trồng và đã có kết quả ban đầu là vườn hoa hồng Pháp bông to, đẹp, không kém gì hoa hồng trồng ở Đà Lạt”.

Những loại hoa khác gia đình chị trồng ở khu vườn bên xã Dương Quang, còn vườn hoa hồng Pháp có diện tích hơn 1.000 mét vuông thuộc đất phường Huyền Tụng. Vườn hồng Pháp cho thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm, cao hơn rất nhiều lần so với trồng 2 vụ lúa. Hiện nay, gia đình chị Thái là một trong những đầu mối cung cấp nhiều loại hoa, trong đó có hoa hồng Pháp tại thị trường Bắc Kạn.

Nói về kinh nghiệm, chị Thái cho biết: Trồng hoa hồng Pháp phải dựa theo thời tiết để căn chỉnh phân bón, lượng nước phù hợp. Không phải cứ áp theo sách mà phải lựa theo khí hậu thời tiết của mỗi thời điểm. Thường xuyên theo dõi sâu bệnh hại, nắm rõ thời điểm cắt tỉa, thời điểm bón phân và loại phân phù hợp...

Cùng ở TP. Bắc Kạn, anh Nông Thanh Nhã, thôn Nà Ỏi, hiện là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dương Quang cũng là người thành công đưa công nghệ vào sản xuất.

Nhớ lại quá trình khi HTX còn đang “chập chững”, anh Nhã chia sẻ: “Là người “cầm lái”, tôi không cho phép đầu óc mình nhàn rỗi. Không chỉ là việc trồng cây gì mà cốt lõi là làm sao cho bền vững? Vì thế, cứ nghe được ở đâu có mô hình, cách làm hay, hiệu quả là tôi lần tìm đến nơi học bằng được. Vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm, tích cực đi tham quan, học tập áp dụng vào thực tế. Năm 2020, thấy trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều mô hình trồng dưa trong nhà lưới, tôi dành nhiều thời gian đi tìm hiểu để khởi nghiệp, rồi chuyển từ nhà lưới sang nhà kính".

Trồng trong hệ thống nhà lưới, nhà kính giúp cây sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế được tình trạng sâu bệnh gây hại, chỉ cần sử dụng thuốc sinh học để tạo dinh dưỡng cho cây phát triển, hiệu quả kinh tế cao hơn, sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. "Đến nay sản phẩm dưa lưới của HTX đã đạt chuẩn VietGap như tôi mong muốn”- anh Nhã cho hay.
Chưa dừng lại ở đó, nắm được ở tỉnh Hưng Yên trồng hoa cúc chi có hiệu quả, anh Nhã lại tìm về đó để học. Năm 2024, sau khi thu hoạch xong 2 vụ dưa lưới, anh thuê thêm đất ruộng của bà con xung quanh để thực hiện mô hình trồng hoa cúc chi. Trồng hoa cúc chi vừa xuất bán hoa tươi về Hưng Yên, vừa sấy khô làm trà mà còn thu hút đông đảo du khách trong, ngoài tỉnh đến tham quan check-in, tạo cơ hội quảng bá mô hình và sản phẩm. Năm 2024, HTX Dương Quang thu 8 tấn dưa lưới trồng theo tiêu chuẩn VietGAP; 22 tấn thành phẩm hoa cúc chi; hơn 09 tấn sản phẩm OCOP thịt lợn treo gác bếp, lạp sườn hun khói...
Từ thay đổi tư duy và làm chủ công nghệ trong sản xuất, anh Nhã không chỉ tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, mà còn hướng dẫn, chuyển giao công nghệ cho các thành viên HTX, còn giúp thôn giảm nhanh chóng hộ nghèo, cận nghèo. Nắm giữ “bí quyết” công nghệ, nhưng anh sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho những ai có nhu cầu, yêu thích nông nghiệp. Bởi anh nghĩ, có thêm một “địa chỉ” sạch đồng nghĩa với việc nhiều người được sử dụng nguồn thực phẩm sạch, giúp người cũng chính là cơ hội để mình vươn lên”.

Kết nối giữa sản xuất và người tiêu dùng
Anh Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc HTX Quế Thanh, thị trấn Yến Lạc (Na Rì) là người đưa công nghệ vào hệ thống kinh doanh buôn bán giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, với mục đích kết nối giữa người làm ra sản phẩm và khách hàng. Anh Thuận cho biết: “Tôi nghĩ, các tiện ích số giúp quảng bá đưa sản phẩm đi khắp mọi miền đất nước là khâu không kém phần quan trọng, như vậy, thị trường tiêu thụ, người tiêu dùng mới biết đến sản phẩm đó có ở đâu, do cơ sở nào sản xuất. Công nghệ chính là công cụ để khách hàng biết được những thông tin cần thiết”.
Hiện nay, cơ sở trưng bày, bán sản phẩm của HTX Quế Thanh hội tụ gần 100 sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bắc Kạn và một số tỉnh bạn. Các sản phẩm đều được truy xuất nguồn gốc và được giới thiệu, quảng bá thông qua các ứng dụng Zalo, Facebook, hệ thống thương mại điện tử, trang web của các cơ sở sản xuất. Từ việc áp dụng công nghệ vào kinh doanh, lượng khách mua hàng và cơ sở sản xuất có nhu cầu giới thiệu sản phẩm tăng. Giúp các sản phẩm đặc trưng của địa phương thâm nhập vào các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, thúc đẩy phát triển kinh tế và người tiêu dùng tiếp cận nhiều hơn nguồn thực phẩm sạch an toàn.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn còn rất nhiều gương nông dân mạnh dạn dám nghĩ, dám làm và làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Những câu chuyện là minh chứng sống động cho thấy, khi nông dân thực sự làm chủ được công nghệ, họ không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững nền nông nghiệp địa phương./.
Nguồn: https://baobackan.vn/ky-su-chan-dat-va-nhung-mo-hinh-nong-nghiep-thong-minh-post71039.html
Bình luận (0)