Mẹ Phong và chị Hoa trong bữa cơm trưa với món thịt gà bị “cháy sém cả”.
Bữa cơm hôm nay có thịt gà - gà nuôi sẵn trong chuồng và bát canh rau mồng tơi hái trong vườn. Câu chuyện kéo dài đến quá trưa, nên mẹ một mực níu tay chúng tôi ở lại.
- Đãng trí có tí thôi mà cháy sém cả - chị Phạm Thị Hoa vừa cười giấu đi chút ngại ngùng vừa xé nhỏ thịt gà cho mẹ - Mẹ VNAH Lang Thị Phong.
Mẹ Phong vui vẻ rót cho chúng tôi chén rượu, bảo: “Hôm nay có thịt gà, bà uống chén rượu, các cháu cùng uống một chén đi, rượu thuốc tốt cho sức khỏe” - Lời nói, cử chỉ thân tình, ấm áp, hệt như với con cháu trong gia đình, mà về sau chúng tôi mới biết, người thân thích với mẹ, chỉ duy nhất còn chị Hoa.
Rồi ngay đến bữa cơm cũng bị gián đoạn bởi những chuyện không đầu, không cuối, khiến chúng tôi lúc vui theo tiếng cười của hai mẹ con, lúc đằm lại theo ánh nhìn xa xăm và cả những giọt nước mắt.
Mẹ Phong năm nay đã 103 tuổi (SN 1922), thời gian có thể lấy đi của mẹ trí nhớ nhưng vẫn để lại nét thanh thoát, nết na của bông hoa rừng một thuở - từ dáng người đến mái tóc dài vấn khăn thổ cẩm. Năm 19 tuổi, mẹ rời làng Trung Thành bằng lòng theo ông Lang Văn Tranh ở làng Ngọc Sơn cùng xã Lương Sơn, về chung một tổ ấm. Thời gian mặn nồng của của đôi vợ chồng trẻ chưa được bao lâu thì chồng mẹ - ông Lang Văn Tranh lên đường ra trận, hết kháng Nhật rồi chống Pháp. 12 năm trường bặt tin chồng, người vợ trẻ gánh vác việc nhà và thấp thỏm cầu mong ông trở về.
Mẹ VNAH Lang Thị Phong.
Niềm mong mỏi được đền đáp khi chồng mẹ may mắn trở về đoàn tụ với gia đình sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ kết thúc thắng lợi. Hạnh phúc nhân lên khi chỉ ít lâu sau - năm 1958, mẹ sinh con trai - cũng là con duy nhất, đặt tên là Lang Thanh Quỳnh. “Ngày bé, Quỳnh nó thích súng lắm, thường chơi trận giả cùng nhóm bạn” - Mẹ Phong hồi tưởng.
Hạnh phúc của gia đình nhỏ kéo dài được 17 năm thì ông Tranh qua đời do ốm bệnh. 2 năm sau - năm 1977, "nghe tin địa phương tuyển quân, Quỳnh giấu tôi đi khám nghĩa vụ và lên đường. Được cầm súng là thỏa ước mơ. Nó từ trường học đi luôn, chẳng kịp về chào mẹ" - quá khứ vời vợi nơi người quả phụ năm xưa trở lại trong ngấn nước ở đôi mắt đã mờ đục của mẹ Phong.
Bố mẹ chồng chỉ có một mình ông nhà tôi. Đến vợ chồng tôi cũng chỉ có một đứa con trai. Con mất, tôi còn một mình...
Bặt tin con từ đó, để rồi 4 năm sau, tin con về trong tấm giấy báo tử. Anh Quỳnh hy sinh ngày 9/7/1981, khi tham gia chiến dịch truy quét tàn quân Pôn Pốt ở Campuchia. “Bố mẹ chồng chỉ có một mình ông nhà tôi. Đến vợ chồng tôi cũng chỉ có một đứa con trai. Con mất, tôi còn một mình” - Mẹ nói với chúng tôi mà như nói với khoảng trống xa xăm nào.
Tấm Bằng Tổ quốc ghi công...
Năm 1994, mẹ Lang Thị Phong được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ VNAH. Con trai của mẹ nằm lại cùng đồng đội ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Tây Ninh, kỷ vật để lại cho mẹ là tấm bằng Tổ quốc ghi công và mảnh giấy báo tử.
Người Mẹ VNAH sống neo đơn, tủi cực và lặng lẽ dưới mái nhà tranh ở làng Ngọc Sơn. Có đêm mưa bão, gió lồng vào nhà, cuốn cả hai kỷ vật của con trai lên ngọn cây, mẹ quáng quàng chạy với theo, tìm lấy được xuống thì rách tơi hết cả.
... và mảnh giấy báo tử đã “rách tơi hết cả”.
Gần 1 thập kỷ sống với cái bóng của chính mình, mẹ Phong cuối cùng cũng có gia đình thứ hai, một mái ấm nơi mẹ được nương tựa, tuy đơn sơ mà ấm áp. Cũng từ đấy, hai người phụ nữ không cũng huyết thống nhưng chung cảnh ngộ đã nương tựa vào nhau, gọi nhau hai tiếng mẹ - con thiêng liêng.
'Hoa là con liệt sĩ, cháu nội của Mẹ VNAH đấy' - Câu nói bất chợt của mẹ Phong trong mạch ký ức xáo trộn, đã khiến chúng tôi ngẩn người, còn chị Hoa đỏ hoe mắt...
“Hoa là con liệt sĩ, cháu nội của Mẹ VNAH đấy” - Câu nói bất chợt của mẹ Phong trong mạch ký ức xáo trộn, đã khiến chúng tôi ngẩn người, còn chị Hoa đỏ hoe mắt.
Chị thay lời mẹ kể: “Tôi có hai người mẹ. Mẹ Phong đây và mẹ ruột tôi đang sống cùng gia đình chị gái ở làng bên. Chị gái sinh năm 1966, hơn tôi 2 tuổi. Mẹ tôi kể, khi mẹ mang bầu tôi 5 tháng, thì bố tôi - ông tên Phạm Hoàng Quý, vào chiến trường. Bố cũng đi mà không từ biệt gia đình. Đến năm 1971 thì bố hy sinh ở mặt trận Quảng Trị... Tôi có biết mặt bố đâu. Mãi sau này, tôi được 2 lần vào Nghĩa trang Trường Sơn thăm bố. Bố tôi cũng là con độc nhất. Năm 1995, bà nội tôi Phạm Thị Ả được phong tặng danh hiệu Mẹ VNAH. Tôi sống với bà nội từ bé... bà cũng chẳng có họ hàng thân thích gì... hay khóc thương con lắm.” - chị Hoa kể ngắt quãng trong nước mắt.
Năm 1987, chị Hoa lập gia đình với người cháu họ ngoại của mẹ Phong. Hai năm sau - năm 1989, đôi vợ chồng trẻ ngỏ lời đón mẹ Phong về phụng dưỡng. Lúc này, sức khỏe mẹ Phong đã yếu nhiều, chỉ làm được những việc nhẹ như nấu nướng, quét dọn. Từ năm 2001, mắt mẹ gần như mù, người cháu dâu là chị, lo cho mẹ từng miếng ăn, đi gánh nước ở giếng làng về tắm cho mẹ... “cả làng có một cái giếng, phải đi sớm mới có nước trong”.
Năm 2003, gia đình bán con trâu, chị đưa mẹ Phong xuống thành phố mổ mắt. “Mấy hôm đi mổ mắt, mẹ ruột tôi sang trông cháu, gạo ở nhà bị trộm hết cả, thành ra mấy mẹ con bà cháu phải nhịn đói” - chị Hoa gạt nước mắt cười, nhắc lại chuyện chẳng mấy vui đã thành những ký ức không thể quên của hai mẹ con.
Chị trách cái số mình khổ. Lấy chồng tận 8 năm mới có con. Từ năm 2013, hai con gái lần lượt lấy chồng xa. Đến năm 2017 thì chồng chị mất, từ đấy căn nhà nhỏ ở thôn Trung Thành chỉ còn hai mẹ con, trừ những ngày giỗ chạp, lễ tết.
Sống cùng và được chăm sóc mẹ Phong, với chị Hoa là một niềm hạnh phúc. Bởi “ở với mẹ, tôi như được sống lại quãng thời gian ở cùng bà nội, bà nội cũng một đời vất vả...”. Và cũng bởi sự đồng cảnh, đồng cảm trong tâm hồn người phụ nữ mà chị nguyện chăm sóc mẹ Phong trọn cuộc đời bằng tình cảm, nghĩa vụ và trách nhiệm của người con.
Mẹ Phong thì cứ nhắc đi nhắc lại với chúng tôi: "Hoa tốt bụng,... chăm sóc bà chu đáo lắm".
...
Giá như có một pho sử liệu về cuộc đời các Mẹ VNAH với sâu thẳm trong những trái tim kiên cường và tấm lòng đôn hậu ấy, là tình yêu, nỗi nhớ, niềm đau. Nhưng chắc không kịp nữa rồi, vì các mẹ gần như chỉ còn nhớ tên chồng, tên con; có mẹ đã chìm sâu mãi trong miền ký ức. Chúng tôi kết thúc mạch bài ở đây - những câu chuyện nhỏ được kể bởi sự giới hạn của ngôn từ so với sự trường tồn của đức hy sinh, lòng vị tha, sự khiêm nhường... của những người phụ nữ Việt Nam, của những người Mẹ Việt Nam Anh hùng của xứ Thanh! |
Nguyên Phong
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/ky-uc-cua-me-bai-cuoi-hai-nguoi-phu-nu-mot-mien-ky-uc-hai-tieng-me-con-thieng-lieng-255158.htm
Bình luận (0)