Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Làm sao để nhận diện thuốc giả?

(Dân trí) - Ngoài nỗ lực xử lý của cơ quan chức năng, người bệnh cần trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình trước tình trạng thuốc giả lẫn lộn trên thị trường.

Báo Dân tríBáo Dân trí09/05/2025

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/5, Bộ Công an đã thông tin về tiến độ, kết quả điều tra các vụ sản xuất, buôn bán sữa giả và thuốc giả gây xôn xao thời gian qua.

Trong đó, ở vụ sản xuất, mua bán hàng giả, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và nhiều tỉnh thành trên toàn quốc, Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 14 đối tượng về tội danh sản xuất, buôn bán hàng giả thuốc phòng bệnh, chữa bệnh.

Còn với vụ thực phẩm bảo vệ sức khỏe do Công ty TNHH Hirbitech sản xuất sử dụng kết quả thử nghiệm giả mạo để đưa ra thị trường, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với 4 đối tượng thuộc công ty nêu trên, với tội danh vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Chủ động trang bị kiến thức nhận diện thuốc giả

Dược sĩ chuyên khoa 1 Phạm Ngọc Thảo Uyên, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn nhận định, hiện nay tình trạng sản xuất và kinh doanh thuốc giả diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Do đó, ngoài nỗ lực xử lý của cơ quan chức năng, người bệnh cần trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình.

Làm sao để nhận diện thuốc giả? - 1

Người dân chờ khám bệnh, lấy thuốc tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn (Ảnh: Bệnh viện).

Theo dược sĩ Thảo Uyên, toàn bộ thông tin về các thuốc có cấp số đăng ký lưu hành đã được công khai minh bạch trên Cổng dịch vụ công của Cục Quản lý Dược (https://dichvucong.dav.gov.vn/congbothuoc).

Người dân có thể tra cứu và xác minh tính hợp pháp của thuốc ở cổng thông tin trên, bằng cách nhập tên thuốc hoặc số đăng ký vào hệ thống này, từ đó tránh tình trạng sử dụng thuốc giả.

Bên cạnh đó, theo dược sĩ Thảo Uyên, có một số cách giúp người dân chủ động nhận diện được thuốc giả.

Kiểm tra bao bì và nhãn mác

Thuốc giả thường có bao bì kém chất lượng với lỗi chính tả, màu sắc không đồng nhất hoặc mờ nhạt. Người bệnh nên quan sát kỹ logo nhà sản xuất, phông chữ và màu sắc so với thuốc đã dùng trước đây.

Những đặc điểm chi tiết bên ngoài bao bì có thể chỉ ra thuốc giả như: Tem chống giả bị cào xước hoặc dễ bong tróc; mã vạch, QR code không quét được; thông tin nhà sản xuất mơ hồ, thiếu chi tiết.

Băng keo niêm phong có bất thường, dấu hiệu đã bị tháo lột ra; màu in thường nhạt hơn, phông chữ khác thường; số lô thuốc thường bị làm mờ, khó đọc hoặc mập mờ không rõ; hạn sử dụng ngoài bao bì và trên vỉ thuốc không thống nhất...

Làm sao để nhận diện thuốc giả? - 2

Lô hàng thuốc tây nhập lậu số lượng lớn từng được cơ quan chức năng ở TPHCM phát hiện và tiêu hủy (Ảnh: QLTT TPHCM).

Đặc điểm vật lý của thuốc

Thuốc giả thường có đặc điểm vật lý bất thường như viên thuốc bở, dễ vỡ, bề mặt không đồng đều hoặc màu sắc khác biệt giữa các viên trong cùng một vỉ.

Một số dấu hiệu đáng ngờ cụ thể của thuốc: kích thước, hình dạng không đồng nhất; màu sắc không đều, xuất hiện vết lốm đốm hoặc vết biến màu lạ; hình dáng và kích thước không đồng nhất giữa các viên thuốc trong cùng một hộp.

Nguồn gốc và giá cả

Thuốc quá rẻ so với mặt bằng chung cũng là dấu hiệu đáng ngờ. Người bệnh nên mua thuốc tại các nhà thuốc uy tín, có giấy phép kinh doanh rõ ràng (như nhà thuốc bệnh viện). Không nên mua thuốc qua các kênh không chính thống như mạng xã hội.

Hiệu quả điều trị bất thường

Nếu đang dùng một loại thuốc quen thuộc lại bỗng nhiên không có tác dụng hoặc xuất hiện tác dụng phụ lạ, người bệnh nên nghi ngờ về chất lượng thuốc.

Thuốc giả không những không mang lại hiệu quả điều trị mà còn tiềm ẩn các nguy cơ gây ngộ độc, dị ứng, rối loạn chuyển hóa, tổn thương gan thận và đặc biệt làm trầm trọng bệnh lý nền ở người mắc bệnh mạn tính.

"Trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ để đảm bảo thuốc phù hợp với tình trạng sức khỏe và không gây tác dụng phụ", Trưởng khoa Dược của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn nhấn mạnh.

Cách tra cứu thông tin số đăng ký và mẫu nhãn thuốc đã được cấp phép:

Bước 1: Truy cập vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Cục Quản lý Dược: https://dichvucong.dav.gov.vn/congbothuoc

Bước 2: Chọn mục "Tên thuốc" trong ô tìm kiếm và điền tên thuốc cần tra cứu, sau đó nhấn nút "Tìm kiếm".

Bước 3: Đối chiếu với thông tin hiển thị. Hệ thống sẽ cung cấp các chi tiết như: tên thuốc, số đăng ký, hàm lượng, cơ sở sản xuất và cơ sở đăng ký. Bạn cũng có thể xem mẫu nhãn và hướng dẫn sử dụng được phê duyệt ở cột "HDSD/MẪU NHÃN".

Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/lam-sao-de-nhan-dien-thuoc-gia-20250508130119040.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm