Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, năm 2024, toàn huyện có 34 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 32 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Đến nay, 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có sản phẩm OCOP, trong đó, xã Tứ Xã và Vĩnh Lại, mỗi xã đều có 8 sản phẩm, xã Phùng Nguyên có 4 sản phẩm, Sơn Vi có 3 sản phẩm...
Các sản phẩm OCOP tập trung chủ yếu vào nhóm sản phẩm đặc thù, thế mạnh của địa phương như: Nước cốt tương Holusa, Tương cổ Đất Tổ của Công ty TNHH một thành viên Hoa Lúa (xã Cao Xá); mì bí đỏ, mì nghệ, mì hoa thiên lý, ổi lê, hạt mắc ca (xã Vĩnh Lại); ủ ấm, nấm hương tươi shitake, bún khô (xã Sơn Vi); nho Hạ đen, rượu nho, rượu nếp Phùng Nguyên (xã Phùng Nguyên)...
Các sản phẩm OCOP của huyện Lâm Thao được trưng bày tại Hội trại văn hóa dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa, Du lịch Đất Tổ năm 2025
Thành công từ việc trồng giống nho Hạ Đen - một trong những sản phẩm đạt OCOP 3 sao với hương vị đặc trưng và chất lượng vượt trội, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Lâm Thao đã tiếp tục khơi nguồn sáng tạo khi phát triển thêm các sản phẩm chế biến từ nho, ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường nhờ chất lượng và quy trình sản xuất an toàn mang đến hương vị mới lạ, đậm đà từ chính đồng đất quê hương.
Ông Nguyễn Văn Hà - Giám đốc HTX Nông nghiệp Lâm Thao cho biết: Cùng với sản phẩm nho Hạ Đen, năm 2024, sản phẩm rượu nho Lâm Thao đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của HTX chủ yếu tại các cửa hàng tiện ích, nhà hàng trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận.
Bên cạnh đó, HTX đã xây dựng kênh bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như: Zalo, Facebook... Đây là mô hình sản xuất giúp xây dựng giá trị, thương hiệu nông sản địa phương, đồng thời nâng cao thu nhập cải thiện đời sống cho các thành viên HTX và bà con nơi đây.
Cùng với liên kết, tiêu thụ sản phẩm, chương trình OCOP đã giúp các chủ thể tự nhìn nhận, đánh giá lại chất lượng các sản phẩm của mình, từ đó tìm các giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, quan tâm hơn đến việc cải tiến mẫu mã, an toàn thực phẩm, kiểm soát mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc... tạo hành lang pháp lý khi tham gia vào các chuỗi, siêu thị và mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng doanh thu, bảo đảm phát triển bền vững.
Sản phẩm OCOP: Nho Hạ Đen và rượu nho của HTX Nông nghiệp Lâm Thao được nhiều khách hàng lựa chọn
Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huyện Lâm Thao tiếp tục phối hợp thực hiện lồng ghép, huy động các nguồn lực ưu tiên hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng tham gia chương trình; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý chương trình và sản phẩm OCOP; kiến thức quản lý sản xuất, kinh doanh cho các chủ thể; tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thường niên; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm của các chủ thể, sản phẩm OCOP sau khi được công nhận; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP...
Đồng thời, huyện đã lồng ghép kinh phí từ nhiều chương trình, dự án và ngân sách địa phương để hỗ trợ các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên. Nhờ đó, các sản phẩm đã phát huy hiệu quả, có sức tiêu thụ trên thị trường, trở thành động lực để phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Điển hình như năm 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện, UBND xã Tiên Kiên, HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng Tiên Kiên triển khai thực hiện mô hình: Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mật ong chất lượng cao gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP cho các hộ nuôi ong thuộc Tổ hợp tác nuôi ong xã Tiên Kiên tham gia với quy mô 350 đàn ong, sản lượng thu hoạch mật ong trên 3.000 lít.
Mô hình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí mua 1 máy tách thủy phần mật ong, các nguyên liệu đường, phấn hoa làm thức ăn bổ sung cho đàn ong. Sau 8 tháng triển khai, mật ong được tách thủy phần có chất lượng đậm đặc hơn từ 20-30%, thời gian bảo quản lâu hơn, giá bán tăng khoảng 30% so với mật ong thông thường.
Tính chung cho cả chu kỳ thực hiện mô hình, các hộ thu được trên 400 triệu đồng từ tiền bán mật ong. Năm 2024, mật ong của Tổ hợp tác nuôi ong xã Tiên Kiên là 1 trong 12 sản phẩm được tham gia đánh giá sản phẩm OCOP 3 sao của huyện.
Ông Lê Xuân Dương - một trong những thành viên của Tổ hợp tác chia sẻ: “Tham gia vào tổ hợp tác, chúng tôi được quan tâm hỗ trợ về mặt kỹ thuật, nuôi, chăm sóc để có chất lượng mật tốt nhất, đảm bảo cả về số lượng và chất lượng các đàn nuôi. Đồng thời, sản phẩm được xếp hạng OCOP giúp sản phẩm có chỗ đứng trong thị trường, dễ dàng tiêu thụ, được khách hàng tin tưởng, ủng hộ”.
Sản phẩm ủ ấm xã Sơn Vi.
Năm 2025, huyện Lâm Thao phấn đấu phát triển, tiêu chuẩn hóa thêm ít nhất 6 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên; phát triển mới ít nhất 1 chủ thể là HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, hộ gia đình tham gia tiêu chuẩn hóa sản phẩm OCOP; phát triển thêm 1-2 chuỗi giá trị sản phẩm OCOP có sản lượng cung ứng thường xuyên, ổn định, hiệu quả kinh tế.
Có thể nói, chương trình OCOP được triển khai đã tạo điều kiện cho các địa phương sản xuất ra nhiều hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của vùng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
Tuy nhiên, để một sản phẩm được chứng nhận OCOP, không chỉ cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước mà còn là sự nỗ lực, linh hoạt, sáng tạo của các chủ thể sản xuất, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ bằng nhiều hình thức, để việc phát triển sản phẩm OCOP không chỉ hoàn thành về số lượng mà còn đảm bảo mục tiêu, hiệu quả và ý nghĩa của chương trình.
Vy An
Nguồn: https://baophutho.vn/lam-thao-phat-trien-san-pham-ocop-231021.htm
Bình luận (0)