Liệu đây có phải là "chìa khóa vàng" giúp tháo gỡ những rào cản, giải phóng tiềm năng và tạo đà cho một làn sóng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn?
Phóng viên báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Lục, Phó Chủ tịch CLB Đầu tư và Khởi nghiệp Doanh nhân trẻ Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Doanh nhân Trẻ TPHCM, Chủ tịch Công ty Công nghệ WATATECH để làm rõ hơn về những tác động và ý nghĩa của nghị quyết này.
"Giải phóng năng lượng" - Tư duy đột phá thu hút kỳ vọng lớn
Ông đánh giá như thế nào về Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị vừa được ban hành, đặc biệt là quan điểm coi kinh tế tư nhân là "động lực quan trọng nhất" của nền kinh tế? Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với cộng đồng startup, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp công nghệ?
- Theo tôi, Nghị quyết 68 là một bước ngoặt lớn trong việc khẳng định vai trò trung tâm của kinh tế tư nhân, và đặc biệt là khi xác định khu vực này chính là động lực quan trọng nhất.
Đối với cộng đồng khởi nghiệp công nghệ, tôi cho rằng đây không chỉ là sự công nhận mà còn là lời cam kết từ cấp lãnh đạo cao nhất về việc hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo. Đây cũng là yếu tố then chốt nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia trong kỷ nguyên số.
Theo ông, những điểm mới, đột phá nào trong Nghị quyết 68 mà giới startup công nghệ đặc biệt kỳ vọng và quan tâm nhất, đặc biệt là câu chuyện "giải phóng năng lượng" cho các startup công nghệ?
- Điểm đột phá rõ nét nhất chính là tư duy về việc giải phóng năng lượng cho khu vực tư nhân. Chúng ta đều biết khu vực tư nhân đóng góp một tầm quan trọng như thế nào. Đó là lý do Đảng và Nhà nước lần này có sự quan tâm và đặt ra mục tiêu cao như vậy, không chỉ cho năm 2030 mà còn cho cả giai đoạn 2040-2045.

Nghị quyết đề cập nhiều đến những đổi mới toàn diện về thể chế, môi trường kinh doanh, cũng như nâng cao năng lực quản trị quốc gia. Đây là những điều mà các startup đã mong chờ và kỳ vọng từ rất lâu.
Đối với các công ty startup công nghệ, vốn cũng thuộc khu vực tư nhân, Nghị quyết đề cập nhiều đến những đổi mới toàn diện về thể chế, môi trường kinh doanh, cũng như nâng cao năng lực quản trị quốc gia.
Đây là những điều mà các startup đã mong chờ và kỳ vọng từ rất lâu. Nếu việc này được hiện thực hóa, tôi tin đây sẽ là cú hích mạnh mẽ cho làn sóng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói chung.
Nghị quyết 68 nhấn mạnh việc tháo gỡ các điểm nghẽn về pháp lý và hành chính. Công ty ông đã từng gặp những khó khăn cụ thể nào về vấn đề này và kỳ vọng Nghị quyết sẽ mang lại những thay đổi tích cực ra sao?
- Thông thường, các công ty sẽ gặp những rào cản như thời gian xin giấy phép bị kéo dài. Chúng ta biết ở một số quốc gia, việc xin giấy phép rất nhanh, có thể chỉ khoảng 1-2 ngày nếu hồ sơ hợp lệ, chứ không phải chờ 5-7 ngày hay thậm chí lâu hơn như ở nước ta.
Bên cạnh đó, những quy định cho các mô hình kinh doanh mới như Fintech (công nghệ tài chính), Blockchain, công nghệ trong giáo dục (EdTech), AI, hay tiền mã hóa và cả trong lĩnh vực y tế còn chưa được rõ ràng. Ngoài ra, còn có những khó khăn liên quan đến đăng ký sở hữu trí tuệ hoặc công tác bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Nghị quyết nhấn mạnh khá nhiều đến việc tháo gỡ những rào cản thể chế này. Tôi nghĩ đây là một tín hiệu rất tích cực và là sự kỳ vọng thực sự về việc tạo ra một khung pháp lý linh hoạt hơn, cập nhật hơn, tháo gỡ được những điểm nghẽn hiện tại cho phù hợp với thực tế của thị trường.

Nghị quyết 68 sẽ tháo gỡ cho các mô hình kinh doanh mới như Fintech (Ảnh: DT).
Nghị quyết đề cập đến các chính sách hỗ trợ tiếp cận nguồn lực như vốn, đất đai, mặt bằng sản xuất. Đây có phải là những vấn đề startup công nghệ đang đối mặt không? Ông kỳ vọng gì về việc triển khai Nghị quyết sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc này?
- Riêng cá nhân tôi, một người từng khởi nghiệp, trước đây cũng phải thế chấp sổ đỏ nhà ở, tài sản thì mới vay vốn được, chứ chưa thể vay vốn bằng tín chấp. Tôi nghĩ đây là một vướng mắc rất lớn, nhất là đối với các startup công nghệ ở giai đoạn đầu, khi họ gần như không có vốn, chỉ có hai bàn tay và khối óc.
Rất nhiều startup không đủ điều kiện để tiếp cận mặt bằng ưu đãi hay các nguồn vốn dễ dàng. Nếu Nghị quyết được triển khai một cách hiệu quả, và các trung tâm đổi mới sáng tạo tại địa phương cũng như TW, hoặc các quỹ đầu tư công tư kết hợp với nhau, sẽ giúp startup bớt phụ thuộc vào vốn ngoại và có được sự phát triển bền vững hơn.
Thay vì phải qua Singapore, Dubai, Mỹ hay các quốc gia năng động khác để huy động vốn, nếu trong nước chúng ta có được những điều kiện tương tự, đó thực sự sẽ là một sân chơi và nền tảng tạo sự đột phá cho các công ty khởi nghiệp tiềm năng và những nhà khởi nghiệp tài năng của Việt Nam.
Và để có được niềm tin trong việc thu hút vốn, tôi nghĩ chính những tổ chức, những người đang thực hiện công tác hỗ trợ khởi nghiệp cần có quy trình, có các bước khảo sát, đánh giá (evaluation) để kiểm tra hồ sơ cũng như năng lực của sản phẩm startup hoặc của người làm startup, xem họ có đủ phẩm chất và năng lực hay không.

Nếu Nghị quyết được triển khai một cách hiệu quả, và các trung tâm đổi mới sáng tạo tại địa phương cũng như TW, hoặc các quỹ đầu tư công tư kết hợp với nhau, sẽ giúp startup bớt phụ thuộc vào vốn ngoại và có được sự phát triển bền vững hơn.
Nếu họ (các startup) đảm bảo được các yếu tố đó trong một bộ tiêu chí (checklist) mà ban tổ chức hoặc đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp nhìn nhận là đạt, thì các startup đó sẽ có cơ hội thể hiện mình, và những người làm công tác hỗ trợ cũng sẽ yên tâm hơn.
Điều này tương tự như một doanh nghiệp khi tuyển dụng nhân sự, cũng sẽ có các bước phỏng vấn, có câu hỏi và checklist.
Hãy xem các startup team hay công ty startup như những ứng viên (candidate); khi chúng ta làm rõ ràng, bài bản, minh bạch, có quy trình cụ thể, có cách làm việc chuyên nghiệp, thì mọi thứ sẽ đâu vào đó và hai bên sẽ có được tiếng nói chung.
Ưu đãi thuế: "Liều doping" cho startup non trẻ
Liên quan đến câu chuyện miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Điều này sẽ tác động như thế nào đến kế hoạch tài chính và khả năng tái đầu tư của các công ty khởi nghiệp công nghệ, thưa ông?
- Nếu Chính phủ hoặc cơ quan thuế ban hành chính sách miễn hoặc giảm thuế cho các công ty khởi nghiệp hoặc các doanh nghiệp thuộc diện được miễn giảm, đó sẽ như một "liều doping" giúp các doanh nghiệp này tạo được tiền đề, có sự thuận lợi để bước tới những cột mốc cao hơn.
Chúng ta đều biết thuế và các vấn đề tài chính cực kỳ quan trọng đối với những doanh nghiệp còn non trẻ. Đặc biệt với những mô hình cần tái đầu tư liên tục như startup công nghệ, ưu đãi thuế chắc chắn sẽ giúp họ có thêm nguồn lực và động lực để mở rộng sản phẩm, tập trung nhiều hơn vào vận hành như tuyển dụng, nghiên cứu và phát triển (R&D), thử nghiệm sản phẩm ra thị trường, thay vì bị bó hẹp trong bài toán chi phí.
Một số ý kiến cho rằng việc tiếp cận vốn vẫn là một rào cản lớn cho startup, kể cả khi đã có chủ trương hỗ trợ. Ông có nhận thấy những khó khăn cụ thể nào trong việc tiếp cận các quỹ đầu tư trong nước hay các nguồn vốn ưu đãi không?
- Thực sự, trong suốt mười mấy năm khởi nghiệp của mình, có thể nói tôi chưa tiếp cận được một nguồn vốn khởi nghiệp nào. Có thể là do từ lúc khởi nghiệp đến giờ, tôi chưa có nhiều thông tin, hoặc thông tin lúc đó chưa được thực sự rộng rãi.
Cũng có thể do tôi quá tập trung vào công tác khởi nghiệp, vào bài toán sống còn, vực dậy và phát triển bền vững cho doanh nghiệp, dẫn đến việc không nắm bắt kịp thời hoặc không phù hợp với nhiều gói hỗ trợ. Đã có những thời điểm bên tôi đi tìm hiểu, nhưng một số bộ tiêu chí lại không phù hợp.
Tuy nhiên, doanh nghiệp của chúng tôi vẫn phát triển, có những năm tăng trưởng 30-50%, có những lúc ở thời điểm khởi nghiệp là x2, x3, x5 lần.

Vậy thì, nếu có những nguồn vốn giúp các công ty khởi nghiệp như chúng tôi đỡ phải trăn trở, suy tư bó hẹp trong bài toán chi phí, tiền bạc, thì có khả năng doanh nghiệp Việt, trong đó có doanh nghiệp của chúng tôi, sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, có những bệ phóng tốt hơn nữa.
Điều này cũng cho thấy nếu các doanh nghiệp ở Việt Nam đều có sự phát triển cao, chắc chắn sẽ là một động lực rất tốt cho nền kinh tế tư nhân và gia tăng số lượng doanh nghiệp phát triển tốt cho Việt Nam.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, bản thân các startup cần phải chủ động thay đổi và nâng cao năng lực như thế nào (ví dụ: quản trị, chất lượng nhân lực, khả năng cạnh tranh) để nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức trong bối cảnh mới?
- Có những thuật ngữ liên quan đến VUCA (biến động, không chắc chắn, phức tạp, mơ hồ), có những thứ chúng ta không thể lường trước được, những rủi ro, vấn đề xảy ra bất thường.
Theo quan điểm cá nhân của tôi, dù là doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ hay bất kỳ lĩnh vực nào khác, dù là doanh nghiệp SME hay tập đoàn lớn đã phát triển bền vững, thì việc thích ứng, linh hoạt, khả năng học tập và sáng tạo không ngừng, cùng việc giữ cho mình một "tinh thần khởi nghiệp" - ngay cả khi đã là một tập đoàn lớn, già cỗi - là những phương thức, động lực giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là startup, có khả năng luồn lách qua những khe cửa hẹp hoặc bứt tốc trong những giai đoạn khó lường.

Đặc biệt, theo nhìn nhận và một số nghiên cứu sơ bộ, tôi thấy rằng trong những thời điểm "nguy" thường có "cơ". Nếu doanh nghiệp nào, dù lớn hay khởi nghiệp, biết nắm bắt được thì đó cũng là những cơ hội rất lớn để có được sự đột phá trong hiện tại hoặc tương lai gần.
Nghị quyết đề cao việc thanh tra, kiểm tra minh bạch, tránh chồng chéo. Tuy nhiên, làm thế nào để đảm bảo điều này thực sự diễn ra trên thực tế và không gây thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, thưa ông?
- Để tránh tình trạng "trên nóng dưới lạnh" hay "trên đe dưới búa", tôi nghĩ cần phải áp dụng công nghệ số vào quy trình thanh tra kiểm tra, cũng như xây dựng hệ thống định danh doanh nghiệp rủi ro cao để tập trung kiểm soát, rà soát một cách ổn định, tốt nhất và kịp thời nhất.
Đồng thời, chúng ta cũng nên công khai hóa kết quả thanh tra để đảm bảo tính công bằng, minh bạch và tránh trùng lặp giữa các cơ quan chức năng với nhau.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, kể cả trên "sân nhà", theo ông, startup công nghệ Việt Nam cần làm gì để không chỉ tồn tại mà còn có thể bứt phá, nhất là khi các chính sách hỗ trợ được áp dụng rộng rãi hơn?
- Thời gian vừa rồi, chúng ta nghe nói nhiều về công nghệ lõi, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, sản xuất, máy bay không người lái (drone, UAV), máy móc... Đặc biệt là AI tạo sinh (AI Generative). Theo tôi, startup công nghệ Việt cần tập trung nhiều vào việc phát triển những công nghệ lõi, đồng thời nên tận dụng thị trường nội địa lớn để thử nghiệm nhanh, điều chỉnh nhanh, điều chỉnh liên tục và cải tiến liên tục.
Việc điều chỉnh, cải tiến liên tục và thử nghiệm nhanh thực sự cực kỳ cấp thiết và tối quan trọng, mang tầm chiến lược hiện nay. Mọi thứ thay đổi liên tục; ngày hôm nay có thể chưa có AI, ngày mai đã có AI, robot, tự động hóa thay thế sức lao động chân tay hoặc các công cụ khác.
Vậy nên, chúng ta đặc biệt nên chọn chiến lược đi nhanh, đi ngách để tránh đối đầu trực diện với các tập đoàn lớn. Đồng thời, nên có những kết nối với hệ sinh thái hỗ trợ từ Nhà nước, các cơ quan chức năng hoặc các tổ chức có những quỹ liên quan.
Ngay tại công ty ông đã thay đổi như thế nào trong việc tiến tới tiếp cận những công nghệ lõi?
- Công ty tôi trong thời gian vừa qua cũng đã mở rộng thêm các mảng làm về AI, khoa học dữ liệu (data science).
Chúng tôi cũng mở thêm một công ty con về Smart IoT, chuyên thiết kế bo mạch, chip và tham gia đào tạo kỹ sư có năng lực theo công nghệ bán dẫn của châu Âu.
Ngày xưa, chúng tôi dùng công nghệ của Microsoft, Oracle, nhưng sau này không chỉ sử dụng công nghệ đó để xây dựng sản phẩm mà còn tự viết, tự tạo ra một số công nghệ lõi, kiến trúc và nền tảng của riêng mình.
Điển hình như một số hệ thống ERP chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp tích hợp AI, một số hệ thống quản trị kho, hệ thống Smart Manufacturing (sản xuất thông minh)... Đây là những công nghệ liên quan đến phần mềm cũng như phần cứng mà chúng tôi làm chủ, thay vì phải dựa dẫm vào những ông lớn nào đó hoặc một số nền tảng nào đó để "ký sinh".
Ông đánh giá như thế nào về việc các công ty khởi nghiệp công nghệ có thể hợp tác với các trường đại học, đặt ra những "đầu bài" để giúp sinh viên bắt kịp thực tế thị trường.
- Theo tôi điều này là rất quan trọng và mang yếu tố chiến lược. Nhìn ra thế giới, ở Mỹ, chúng ta thấy có sự hợp tác trong đào tạo giữa các trường, tổ chức đào tạo với doanh nghiệp, tập đoàn, kể cả với các đội ngũ startup.
Gần hơn, ở Đông Nam Á, nhiều quốc gia, trong đó có Singapore, cũng đã hợp tác mạnh mẽ giữa doanh nghiệp và trường đại học. Doanh nghiệp không chỉ hỗ trợ môi trường thực tập mà còn có kinh nghiệm thực chiến, có bộ phận R&D, cung cấp giải pháp cho thị trường toàn cầu.
Công nghệ, quy trình làm việc, tư duy và yêu cầu của họ trong từng dự án, sản phẩm rất chặt chẽ, đòi hỏi cao (high demand, high expectation). Tôi nghĩ khi các trường đại học có được tư duy đó, việc đào tạo sẽ theo hướng thị trường (market-oriented) nhiều hơn là hàn lâm.
Hơn nữa, trong thực tiễn, doanh nghiệp luôn có những bài toán cần giải quyết. Nếu các trường đại học có trung tâm, viện nghiên cứu hoặc chương trình hợp tác với doanh nghiệp để giải quyết những bài toán thực tiễn đó, theo yêu cầu về công nghệ và các yếu tố xung quanh, thì đó là một điều cực kỳ hiệu quả, giúp các trường đại học nâng cao trình độ thực tiễn, thoát khỏi sự đào tạo hàn lâm.
Ông có đề xuất hay kiến nghị gì để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo mạnh mẽ và minh bạch hơn nữa tại Việt Nam, theo tinh thần của Nghị quyết 68?
- Khi xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, có thể Chính phủ, Nhà nước sẽ thành lập những Hội đồng điều phối khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Hội đồng này nên có sự liên kết liên ngành, kết nối giữa trung ương với địa phương, và kết nối với các tổ chức trong nước hoặc tổ chức về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của nước ngoài tại Việt Nam.
Ví dụ như ở Bình Dương, họ có kết nối với Đại học Quốc gia Singapore về vấn đề Block71 - nơi sản sinh ra rất nhiều startup công nghệ thành công, thậm chí cả kỳ lân trong khu vực.

Nếu Hội đồng điều phối này liên minh, liên kết được như một "mạng nhện", sẽ tạo ra rất nhiều sự đột phá, không chỉ trong cách thức vận hành mà còn về hiệu quả trực tiếp tới các bạn trẻ, các công ty khởi nghiệp. Cùng với đó là phát triển các cụm sáng tạo địa phương, lấy doanh nghiệp làm trung tâm.
Các cơ quan nên bớt làm theo phong trào, mà cần thực tế hơn, theo tinh thần quyết liệt như người đứng đầu Đảng và Chính phủ hiện nay đang chỉ đạo. Nếu các cụm sáng tạo và hội đồng điều phối hoạt động liên ngành, hiệu quả, tạo thành một trung tâm liên kết thực sự, tôi nghĩ tác động sẽ rất lớn. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về startup và nhà đầu tư, như một nền tảng kết nối tương tự Grab hay Uber trong lĩnh vực này.
Lúc đó mọi thứ sẽ rất minh bạch, nhanh chóng, tiện lợi và công nghệ hóa, hiệu quả, không cần nhiều thủ tục giấy tờ. Cuối cùng là những cải cách mạnh mẽ về quy định "sandbox" (khung pháp lý thử nghiệm) cho công nghệ mới như AI, Blockchain, Fintech... và có những cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp nhiều hơn.
Ví dụ như việc miễn giảm thuế cho doanh nghiệp dưới 3 năm tuổi là điều kiện rất tốt. Hoặc như chủ trương từ Tổng Bí thư và Thủ tướng về việc chấp nhận một tỷ lệ thất bại nhất định trong số hàng ngàn doanh nghiệp khởi nghiệp để có được vài phần trăm thành công, tạo ra những kỳ lân, những doanh nghiệp lớn.
Nếu chúng ta có được những bước tiến như vậy, thực sự quốc gia mình sẽ đi lên một trang sử mới.
Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho buổi trò chuyện!
Nguồn: https://dantri.com.vn/cong-nghe/lan-gio-moi-mat-lanh-thoi-vao-cong-dong-startup-cong-nghe-20250525105524424.htm
Bình luận (0)