Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lập hồ sơ đề cử Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê là Di sản văn hóa thế giới

Di tích Óc Eo-Ba Thê là dấu tích quan trọng của nền văn minh Óc Eo, từng phát triển rực rỡ ở Nam Bộ từ thế kỷ I đến thế kỷ VII, là một trong những trung tâm giao thương lớn của vương quốc Phù Nam xưa.

VietnamPlusVietnamPlus21/04/2025

Chiều 21/4, tại thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo tổ chức hội nghị triển khai công tác xây dựng hồ sơ đề cử Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê tỉnh An Giang trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê nằm trên địa bàn thị trấn Óc Eo, thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, có tổng diện tích quy hoạch bảo tồn khoảng 433,1 ha, trong đó, diện tích khu vực sườn và chân núi Ba Thê (khu A) gần 144 ha, cánh đồng Óc Eo (khu B) trên 289 ha.

Di tích Óc Eo-Ba Thê là dấu tích quan trọng của nền văn minh Óc Eo, từng phát triển rực rỡ ở vùng Nam Bộ từ thế kỷ I đến thế kỷ VII. Đây là một trong những trung tâm giao thương lớn của vương quốc Phù Nam xưa, với hệ thống kênh rạch, kiến trúc, di vật khảo cổ phản ánh trình độ phát triển cao về kinh tế, văn hóa và tín ngưỡng.

Toàn tỉnh An Giang hiện có hơn 80 di tích văn hóa Óc Eo, trong đó, Di tích Óc Eo-Ba Thê được xác định có vị trí quan trọng, từng là một đô thị, cảng thị, một trung tâm kinh tế-văn hóa lớn của vương quốc Phù Nam xưa. Năm 2012, Di tích Óc Eo-Ba Thê được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.

Ngày 18/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất chủ trương gửi báo cáo tóm tắt hồ sơ Di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê đề nghị UNESCO đưa vào danh sách dự kiến lập hồ sơ Di sản thế giới.

Ông Nguyễn Khắc Nguyên, Phó Giám đốc Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo - Ba Thê cho biết được sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, báo cáo tóm tắt của hồ sơ đề cử di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê là Di sản Văn hóa thế giới giai đoạn 1 được hoàn thành vào ngày 1/4/2022.

Hiện UNESCO đã thống nhất đưa Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê vào Danh sách dự kiến, lập hồ sơ đề cử Di sản văn hóa thế giới.

Theo ông Nguyễn Khắc Nguyên, từ cuối năm 2022, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành kế hoạch xây dựng hồ sơ đề cử và mời Bảo tàng Lịch sử quốc gia lập đề cương nhiệm vụ và dự toán.

Tuy nhiên, do khó khăn về khâu thẩm định, nên đến cuối năm 2024 đề cương nhiệm vụ và dự toán mới được thẩm định, phê duyệt.

ttxvn-oc-eo-ba-the-2.jpg
Ban Quản lý di tích Óc Eo ký kết với các đơn vị thực hiện các gói thầu lập hồ sơ đề cử UNESCO công nhận di tích Óc Eo-Ba Thê là Di sản văn hoá thế giới. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo-Ba Thê đã khẩn trương xây dựng, hoàn thành toàn bộ nhiệm vụ lập kế hoạch mời thầu và tổ chức đấu thầu lựa chọn được các nhà thầu theo quy định của pháp luật.

Tại hội nghị, Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo-Ba Thê công bố liên danh Viện Bảo tồn di tích - Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng địa chất, di sản và môi trường - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh trúng gói thầu số 3 “Lập hồ sơ đề cử và kế hoạch quản lý Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê tỉnh An Giang trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.”

Bà Trần Thị Minh Huệ, Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho biết gói thầu số 3 sẽ được triển khai thực hiện từ tháng 4/2025 đến tháng 1/2026 tập trung điều tra, khảo sát, hệ thống hóa nguồn tư liệu, hiện vật để xác định tính chất và giá trị của di sản Khu Di tích văn hóa Óc Eo-Ba Thê; thăm dò, khai quật khảo cổ để bổ sung tư liệu; xây dựng bản đồ, sơ đồ phân bố di tích và phân tích mẫu vật liệu, thành phần kim loại của hệ thống di tích, di vật Óc Eo - Ba Thê.

“Trong việc lập hồ sơ đề cử Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê tỉnh An Giang trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Viện Bảo tồn di tích sẽ phối hợp với các đơn vị xây dựng các nội dung chuyên đề để biện giải cho tuyên bố về những giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và tính xác thực của di sản đề cử; xây dựng 'câu chuyện di sản' kết nối các tiêu chí để làm rõ giá trị nổi bật toàn cầu của di sản Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê…,” bà Huệ cho biết.

Cũng theo Giám đốc Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo-Ba Thê Nguyễn Hữu Giềng, tỉnh An Giang phấn đấu trong năm 2026 sẽ hoàn thành và bảo vệ hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê là Di sản văn hóa thế giới.

Đây là bước đi quan trọng trong việc nỗ lực bảo tồn và quảng bá giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của Di tích Óc Eo-Ba Thê ra thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/lap-ho-so-de-cu-khu-di-tich-khao-co-oc-eo-ba-the-la-di-san-van-hoa-the-gioi-post1034138.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm