Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lập nghiệp ở quê hương

Sau những năm tháng đèn sách nơi phố thị, đứng trước muôn vàn lựa chọn nghề nghiệp, không ít bạn trẻ đã quyết định chọn con đường trở về quê hương để lập nghiệp.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk27/05/2025

Đó có thể là hành trình đầy thử thách nhưng cũng chan chứa tình yêu với mảnh đất mình sinh ra, cùng khát vọng được cống hiến và trưởng thành ngay trên chính quê nhà.

Tốt nghiệp ngành Kỹ thuật viên xét nghiệm y học tại Trường Cao đẳng Y Dược Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng) năm 2023, thay vì ở lại thành phố với nhiều cơ hội, Võ Thị Thùy Anh (ở xã Ea Tih, huyện Ea Kar) quyết định trở về TP. Buôn Ma Thuột. Cô xác định rằng, về quê tìm việc, thu nhập có thể ít hơn, nhưng có gia đình, có sự gắn bó và Thùy Anh tin mình có thể tìm được việc làm với thu nhập ổn định.

Em Võ Thị Thùy Anh lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhi ở Bệnh viện Nhi Tâm Đức.

Hành trình tìm việc của Thùy Anh tại TP. Buôn Ma Thuột không hề dễ dàng. Sau 9 tháng học việc tại Bệnh viện Y Dược Buôn Ma Thuột, cô đã không may mắn trúng tuyển trong đợt phỏng vấn chính thức. Trong lúc chờ đợi cơ hội phù hợp, Thùy Anh làm nhiều công việc bán thời gian để trang trải sinh hoạt và tìm kiếm việc làm đúng chuyên ngành.

Tháng 9/2024, nỗ lực của Thùy Anh đã được “đền đáp” khi cô trúng tuyển vào Bệnh viện Nhi Tâm Đức. Thùy Anh chia sẻ: “Mức lương hiện tại khoảng 5,5 triệu đồng/tháng, khá ít so mong muốn cá nhân. Em cũng hơi nản, song suy nghĩ kỹ thấy khởi đầu với sinh viên mới ra trường như vậy khá ổn, mình cần thời gian để trau dồi kinh nghiệm. Để tăng thêm thu nhập, em làm thêm công việc bán hàng online ngoài giờ làm”.

Khác với Thùy Anh, em Lê Hoài Nam (ở xã Chứ Kbô, huyện Krông Búk), sinh viên năm cuối chuyên ngành Digital Marketing, Trường Cao đẳng FPT Polytechnic (TP. Hồ Chí Minh) lại có một cách tiếp cận chủ động hơn cho kế hoạch về quê lập nghiệp. Hoài Nam xác định rõ mục tiêu sau khi hoàn thành chương trình học sẽ quay về quê để tìm việc làm và lập nghiệp.

Để chuẩn bị tốt nhất cho “lối về” này, bên cạnh việc hoàn thành chương trình học, Nam tích cực trau dồi kinh nghiệm thực tế bằng cách làm thêm các công việc chạy quảng cáo trên các nền tảng số (Facebook ads, Google ads, TikTok ads) cho nhiều loại sản phẩm. Em thường xuyên dành thời gian tìm hiểu thị trường việc làm tại tỉnh Đắk Lắk.

Em Lê Hoài Nam tìm hiểu chạy quảng cáo trên các nền tảng số của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nam cho biết, mỗi khi về thăm nhà, em đều tham gia các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức ở các huyện Krông Búk, Ea H’leo, thị xã Buôn Hồ, TP. Buôn Ma Thuột… Mục đích là để có cái nhìn trực quan về nhu cầu tuyển dụng, mức lương, môi trường làm việc cũng như yêu cầu cụ thể từ nhà tuyển dụng. Em tin rằng, việc tìm hiểu sớm và tích lũy kinh nghiệm liên quan sẽ giúp em có lợi thế khi chính thức nộp hồ sơ tìm việc ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chủ động của Nam cho thấy tư duy khác biệt của người trẻ hiện đại. Họ không chỉ học xong rồi “phó mặc” cho số phận, mà có sự định hướng và chuẩn bị bài bản cho tương lai ngay khi rời ghế giảng đường.

Câu chuyện của Thùy Anh và Hoài Nam là hai lát cắt tiêu biểu cho xu hướng người trẻ trở về quê hương lập nghiệp. Một người đối diện trực tiếp với thực tế, kiên trì bám trụ và xoay sở; một người chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng từ xa. Cả hai đều thể hiện khát vọng được phát triển và cống hiến trên mảnh đất mình sinh ra.

Hoàng Ân

Nguồn: https://baodaklak.vn/kinh-te/202505/lap-nghiep-o-que-huong-66905f2/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm