Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lắt léo chữ nghĩa: Con đường = đạo - lộ - nhai?

Hiện nay, trên mạng xã hội đang bàn về 3 từ "đạo, lộ, nhai", song chỉ dừng lại với nghĩa là "con đường". Đây là các từ đa nghĩa và việc tìm hiểu những nghĩa khác của chúng cũng là điều hữu ích khi đọc văn bản xưa.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên03/05/2025

Trong hệ thống chữ Nôm, đường (唐, 塘) có nghĩa là "lối đi lại" (Ăn bát cơm dẻo nhớ nẻo đường đi - tục ngữ). Song từ này còn những nghĩa khác, chẳng hạn như "hàng, dãy, luống" hoặc là "phương cách, lề lối". Đấy là chưa kể những nghĩa phái sinh như: đường đạn, đường kim mũi chỉ, đường cống, đường mương, bệnh đường ruột, đường hô hấp…

Bây giờ, xin bàn về từ đạo (道) gốc Hán ngữ. Đây là ký tự xuất hiện lần đầu trên các văn bia bằng đồng thời Tây Chu, nghĩa gốc là "con đường" (Thi kinh. Tiểu Nhã).

Về sau đạo mở rộng nghĩa thành "kiểu, loại" (Lễ Kí. Đàn cung thượng); "phương hướng, cách thức" (Thương quân thư. Canh pháp) hay "kỹ năng" (Chu Lễ. Xuân quan. Đại ti nhạc). Đạo còn là "nguyên tắc, quy luật" (Chu Dịch. Thuyết quái) hay "đạo đức, công lý" (Tả truyện. Hoàn Công lục niên).

Xét về tôn giáo, đạo chính là "Đạo giáo, một trường phái tư tưởng thời tiền Tần, thể hiện qua giáo lý của Lão Tử và Trang Tử"; hoặc là thuật ngữ chỉ "Phật giáo, phật tử" (Ngụy thư. Thích dịch lão chí). Ngoài ra, đạo còn là "ảo thuật, thuật giả kim"; là "đường lối, chức vụ" hay "phương vị"…

Xét về từ ghép, đạo hình thành nhiều nghĩa khác, ví dụ: đạo biệt là tạm biệt, cáo từ; đạo hỉ (chúc mừng); đạo lộ (đường đời, cuộc sống); đạo bạch (lời nói, lời thoại trong hí khúc); đạo tình (hình thức diễn xuất lấy hát làm chính, đệm bằng trống và phách)…

Kế tiếp là lộ (路), một ký tự xuất hiện lần đầu bằng kiểu chữ Kim văn thời Tây Chu, nghĩa gốc cũng là "con đường" (Mãn Giang Hồng. Nộ phát xung quan). Về sau lộ mở rộng nghĩa thành "hành trình" (Đào hoa nguyên kí của Đào Tiềm) hay "một cách suy nghĩ, hành động" (Xuất sư biểu của Gia Cát Lượng).

Cũng giống như lộ (辂), thuật ngữ này còn dùng để chỉ cỗ xe ngựa của hoàng đế, hoàng tử hay cỗ xe ngựa nói chung (Tả truyện. Tuyên Công thập nhị niên) hoặc là nơi vua sống, ví dụ như lộ môn (路门) là cổng vào sâu bên trong cung điện của hoàng đế thời xưa.

Lộ còn nhiều nghĩa khác, đó là "trật tự, quy tắc, lý do, khu vực, phương diện, tuyến đường" hay "kiểu, chủng loại, bộc lộ, yếu đuối, thất bại, hủy hoại". Lộ còn là từ ẩn dụ cho quyền lực và địa vị (Mạnh Tử. Công Tôn Sửu); "sự to lớn" (Mao truyện) hoặc giống như chữ lộ (露), có nghĩa là "khỏa thân".

Trong các văn bản cổ có thể gặp những từ ghép như: lộ tiệm (đường đào, đường xuyên qua núi đồi); lộ thần (tế lễ dọc đường); lộ điều (giấy đi đường); lộ si (mù đường) hay lộ khanh (ổ gà)…

Cuối cùng là từ nhai (街), một ký tự xuất hiện bằng chữ Giáp cốt thời nhà Thương, nghĩa gốc dùng để chỉ con đường chính; một con đường tương đối rộng, có những ngôi nhà dọc hai bên (Quản Tử. Hoàn công vấn). Nhai còn có nghĩa là đường sá nói chung, về sau nói về "chợ" (Lã thị Xuân Thu. Bất cẩu luận); sự "thông đạt, truy cập" (Quản Tử. Ngũ hành) hoặc là "đường đi của khí trong cơ thể con người" (Tố vấn. Thủy nhiệt huyệt luận).

Một số từ ghép liên quan tới chữ nhai như: nhai khu (quảng trường); du nhai (diễu hành, biểu tình); mạ nhai (chửi đổng) hay nhai phường (hàng xóm)… Bên cạnh đó, không hiếm những từ ghép ba, ví dụ như tiểu cật nhai (phố ăn vặt); nhai đầu kịch (kịch đường phố) hay đinh tự nhai (ngã ba đường)…

Nguồn: https://thanhnien.vn/lat-leo-chu-nghia-con-duong-dao-lo-nhai-185250502221901803.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Rừng Tà Kóu tôi đi
Phi công kể lại giây phút 'bay qua biển cờ đỏ ngày 30-4, tim rung lên vì Tổ quốc'
Tp. Hồ Chí Minh 50 năm sau ngày thống nhất
Trời đất giao hoà, vui cùng non sông

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm