Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lắt léo chữ nghĩa: Thi ca

Ngày nay, thi ca (hay thơ ca) được hiểu khái quát là "sáng tác văn học bằng văn vần" (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, 1988). Tuy nhiên, nếu chiết tự, thi ca (诗 歌) có nghĩa rộng hơn nhiều.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên29/03/2025

Ký tự thi (诗) lần đầu xuất hiện trong các tác phẩm của thời Chiến Quốc. Nghĩa gốc của thi là "những từ vần điệu thể hiện suy nghĩ và cảm xúc" (Quốc ngữ. Lỗ ngữ). Về sau, ký tự này nói về người sáng tác thơ (thi sĩ) - Nguyên thi. Ngoại thiên thượng của Diệp Tiếp thời nhà Thanh.

Thi còn được xem là phép ẩn dụ về những gì đẹp đẽ, thú vị hoặc gợi lên cảm xúc mạnh mẽ ở con người (Ngư phục giang trung của Lưu Vũ Tích thời nhà Đường).

Xét về động từ, thi nghĩa là "sáng tác thơ" (Lạc Dương già lam kí của Dương Huyễn Chi thời nhà Ngụy); hoặc là "ghi chép" (Lưu thống quân bi của Hàn Dũ đời Đường); là "duy trì" (Nghi Lễ. Đặc sinh quỹ thực lễ) hay "tiếp tục, kế thừa" (Khốn học kỉ văn. Bình thi của Vương Ứng Lân thời Nam Tống).

Ngoài ra, thi còn có nghĩa là Kinh Thi (Mạnh Tử. Lương Huệ Vương, thượng) hoặc họ Thi (Vạn tính thống phả của Lăng Địch Trí thời nhà Minh).

Ca (歌) là ký tự lần đầu xuất hiện trong văn bia bằng đồng thời Xuân Thu, về sau thường được tìm thấy trong các tài liệu thời Tây Chu.

Ca có nghĩa là "hát" (Chu Dịch. Trung Phu); là "tấu nhạc" (Lễ kí. Đàn cung, hạ); hay "sáng tác bài hát" (Thi kinh. Trần phong. Mộ môn), như trong câu thơ của Nguyễn Du: "Tiều mục ca ngâm quá tịch dương" (Tiếng hát của kẻ đốn củi kẻ chăn trâu lướt qua bóng chiều).

Ca còn là thuật ngữ chỉ những tác phẩm nhạc phổ thơ (Thuận thư. Thuấn điển), hay một thể loại thơ cổ, có vần, ngâm xướng được (Văn thể minh tự biện thuyết. Nhạc phủ), chẳng hạn như bài thơ cổ Trường hận ca của Bạch Cư Dị, kể về mối tình giữa Đường Huyền Tông và Dương Quý phi.

Trong Thành công thất niên (Tả truyện), ca có nghĩa là "ca ngợi, tôn vinh", ví dụ: "Chín đức tính đều có thể ngợi ca được" (Cửu công chi đức giai khả ca dã).

Trong văn chương cổ, ca được dùng tương tự như ca (哥), nghĩa là "anh trai" (Thuấn tử biến) hoặc là "phụ thân" (Đôn Hoàng biến văn tập. Câu đạo hưng bản).

Có nhiều cách định nghĩa về "thi ca", chẳng hạn như: "Thi ngôn chí, ca vĩnh ngôn" (Thơ thể hiện ý chí, ca thể hiện lời nói vĩnh hằng); hoặc "Thi sở dĩ hiệp ý, ca sở dĩ vịnh thi dã" (Thơ được dùng để diễn tả cảm xúc, còn ca dùng để diễn tả thơ) - Quốc ngữ. Lỗ ngữ.

Về từ ghép, cần chú ý nghĩa những từ sau: thi thoại (sách bình thơ, tiểu thuyết xen thơ); vận thi (thơ có vần); thi phú (thi ca và từ phú); thi cách (quy tắc làm thơ); thi nan (túi thơ); vãn thi (thơ cảm động, thơ tưởng nhớ, thường đọc trong tang lễ); còn thi thiên thì chẳng liên quan gì tới Trời hay Ngọc hoàng thượng đế cả, đơn giản nghĩa chỉ là "bài thơ" hoặc "áng thơ"; thi tiên lại là từ ca ngợi nhà thơ xuất sắc, chẳng hạn như Lý Bạch.

Trong trường hợp đảo từ, thuật ngữ ca thi có nghĩa là "ngâm thơ"; song đôi có thi mà chẳng có thơ. Ví dụ: phẩm thi (nhìn răng của súc vật, đánh giá màu lông, giò cẳng của chúng).

Về chữ Nôm, người xưa mượn chữ thi (詩) phồn thể trong Hán ngữ để nói về "thơ ca": "Thông minh vốn sẵn tính trời. Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm" (Truyện Kiều) hoặc nói về thi cử: "Xảy nghe mở hội khoa thi. Vân Tiên vào tạ tôn sư xin về" (Lục Vân Tiên ca diễn).

Nguồn: https://thanhnien.vn/lat-leo-chu-nghia-thi-ca-185250328222757341.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng
Hình ảnh Việt Nam "Bling Bling" sau 50 năm thống nhất đất nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm