Ông Nguyễn Văn Tư (bên phải) giới thiệu về giống sầu riêng Ri6 đang trồng với cán bộ Hội Nông dân xã Vĩnh Điều.
Với ý chí bền bỉ, tinh thần dám nghĩ dám làm và khả năng sáng tạo trong sản xuất, ông Tư trở thành tấm gương tiêu biểu trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh. Cách đây 5 năm, khi ông Tư bắt đầu lên liếp trồng sầu riêng trên mảnh đất 3ha, người ta chỉ biết lắc đầu. Đất phèn chua nặng, trồng lúa còn khó, huống chi là loại cây "khó tính" như sầu riêng. "Người ta nói tôi khùng. Mít, xoài còn chật vật sống, sầu riêng mà trồng ở đây thì chỉ có nước… thất bại", ông Tư cười hiền khi nhớ lại. Nhưng ông không nghĩ vậy. Với ông, mỗi khó khăn là một bài toán và đã là bài toán thì sẽ có cách giải. Không ngại thất bại, ông bắt tay vào cải tạo đất. "Mới đầu thuê máy múc lên liếp hơn 100 triệu đồng mà không ăn thua. Mô trồng bị sụp, cây không phát triển. Tôi phải nhổ lên hết, mua trấu mục, phân bò, đất mặt ruộng… trộn lại rồi đắp mô lại từ đầu", ông kể.
Ngày qua ngày, ông âm thầm học hỏi kỹ thuật, tự tay theo dõi từng giai đoạn phát triển của cây, từ khi cây ra hoa đến lúc trái đâm gai. Ông Tư nói: "Trồng sầu riêng mà không hiểu nó là bỏ cuộc giữa chừng. Mỗi cành chỉ để vài trái, cành yếu phải chống, dưỡng cây xong lại phải dưỡng đất". Thành quả đã đến sau những năm tháng lặng lẽ làm lụng. Năm đầu tiên, chỉ 30 cây đã mang về cho ông Tư 240 triệu đồng. Từ một ý tưởng bị cười chê, giờ đây vườn sầu riêng của ông đã trở thành điểm đến của nhiều khách hàng từ TP Rạch Giá, TP Hà Tiên, huyện Kiên Lương - những người sẵn sàng đi xa để mua loại sầu riêng được trồng theo hướng hữu cơ, cho trái ngọt, thơm và béo ngậy này.
Hai mươi năm trước, ông Tư cùng vợ là bà Dương Thanh Trúc từ Đồng Tháp đến Giang Thành lập nghiệp. Thời đó, đất nơi đây phèn nặng, làm lúa toàn thua lỗ. "Lúa mới gieo thì tốt, vài ngày sau là lụi dần, đến mùa gặt thì toàn lúa lép. Có năm không đủ sống", bà Trúc kể. Đất khó, người càng khó hơn. Ông Tư phải nhờ đến cửa hàng tạp hóa của vợ ở quê hỗ trợ từng chút một để cầm cự. Nhưng thay vì bỏ đi như nhiều người, ông chọn bám trụ. Ai mượn đất làm, ông cho mượn để cải tạo. Những công trình thủy lợi dần phát huy tác dụng, nước phèn rút đi, đất được hồi sinh. Từ 2ha đất mua ban đầu, giờ ông sở hữu 8ha, trong đó 5ha là lúa chất lượng cao, sản xuất 3 vụ/năm, đạt chuẩn xuất khẩu. Diện tích còn lại ông đầu tư cho sầu riêng và cây ăn trái. Từng mét đất đều mang dấu ấn của lao động, mồ hôi và niềm tin không đổi.
Giữa thời đại công nghệ 4.0, có người nghĩ sáng tạo là chuyện của trí thức, kỹ sư. Nhưng ông Tư, người nông dân suốt ngày đội nón lá ngoài vườn lại chứng minh điều ngược lại. "Sáng tạo với tôi là mỗi ngày phải nghĩ cách chăm cây tốt hơn, xử lý đất tốt hơn, bán hàng khôn khéo hơn. Không sáng tạo thì lấy gì sống với đất dữ", ông Tư cười nói. Chính tư duy ấy đã giúp ông không chỉ trụ lại với đất, mà còn sống tốt với nó. Từ một người nông dân tay trắng, giờ ông là hộ sản xuất giỏi, có mô hình nông nghiệp đáng học hỏi, là niềm tự hào của địa phương.
Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi Nguyễn Văn Tư - người nông dân đi ngược dòng định kiến đã chứng minh rằng, không có vùng đất nào là vô vọng, chỉ có con người chưa đủ quyết tâm và sáng tạo để biến nó thành đất lành.
Bài, ảnh: AN LÂM
Nguồn: https://baocantho.com.vn/lieu-trong-sau-rieng-tren-dat-phen-va-cai-ket-ngot-ngao-a186641.html
Bình luận (0)