Các đơn vị liên quan tìm hiểu bản vẽ công trình và công tác giải phóng mặt bằng tuyến đường bộ ven biển kết hợp cầu vượt cửa biển Thuận An 

Quyết liệt từ chủ trương đến hiện trường dự án

Theo ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP. Huế: “Thành phố đã chuyển mình từ tư duy “quản lý - xin cho” sang mô hình “hành chính phục vụ”, với đội ngũ cán bộ luôn gần gũi với người dân, nắm vững thị trường, có kiến thức chuyên môn, sáng tạo và sẵn sàng chịu trách nhiệm”.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn rằng, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cho các dự án (DA) vẫn là một trong những điểm nghẽn lớn nhất tại địa phương. Khối lượng công việc đồ sộ, sự chồng chéo trong hồ sơ đất đai khiến nhiều dự án bị đình trệ. Đây cũng là nỗi ám ảnh thường trực của không ít nhà đầu tư.

Lãnh đạo một doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản chia sẻ: “Tôi đánh giá cao sự cầu thị của lãnh đạo Huế, nhưng vẫn còn tình trạng xử lý hồ sơ GPMB kéo dài hàng tháng. Chính quyền nên chủ động hỗ trợ nhiều hơn”.

Để cải thiện tình hình, TP. Huế đã đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống dữ liệu đất đai với hơn 1 triệu thửa đất, kết nối trực tiếp với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, giúp rút ngắn thời gian xử lý và minh bạch hóa thông tin. Đồng thời, quỹ đất tái định cư được chuẩn bị tương đối quy củ với hơn 6.800 lô đất nền và 1.000 căn hộ, hướng đến mục tiêu không chỉ là di dời và đền bù, mà còn là ổn định và phát triển sinh kế lâu dài.

Điểm sáng trong quá trình GPMB tại Huế là việc phát huy dân chủ ở cơ sở bằng việc tổ chức đối thoại trực tiếp, công khai phương án bồi thường, điều chỉnh chính sách theo phản hồi hợp tình, hợp lý của người dân. Đây là bước đi đáng ghi nhận trong bối cảnh nhiều nơi vẫn còn áp dụng lối điều hành hành chính khô cứng.

Với các DA then chốt, thành phố còn thành lập tổ công tác do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, xử lý tại hiện trường. Nhờ vậy, nhiều DA được tái khởi động sau thời gian dài đình trệ.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, ông Hoàng Hải Minh, phần lớn các DA trọng điểm trên địa bàn thành phố đang được triển khai dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của chính quyền. Thành phố đã yêu cầu các chủ đầu tư ban hành kế hoạch triển khai cụ thể cho từng DA và phối hợp với các sở, ngành, địa phương để hoàn thiện các thủ tục hành chính.

Gỡ điểm nghẽn, siết kỷ cương

Với vị thế là thành phố trực thuộc Trung ương đặc trưng văn hóa, di sản, Huế đang tận dụng khá tốt các chính sách đặc thù theo Nghị quyết 38 của Quốc hội, cho phép thành phố tăng dư nợ vay và giữ lại một phần tiền sử dụng đất. Quỹ Bảo tồn di sản Huế cũng góp phần tạo nguồn lực lâu dài cho việc bảo tồn gắn với phát triển.

Ngoài ra, thành phố cũng linh hoạt điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều DA để thích ứng với biến động vật liệu, nhân công và yêu cầu phát triển đô thị. Việc cập nhật lại giá trị dự toán, điều chỉnh phạm vi đầu tư thể hiện tinh thần điều hành linh hoạt, không máy móc...

Một điểm sáng đang được đánh giá cao là việc Huế áp dụng hệ thống phần mềm theo dõi tiến độ tích hợp cơ sở dữ liệu quy hoạch, đất đai và GPMB. Hệ thống này không chỉ phục vụ lãnh đạo ra quyết định mà còn minh bạch hóa quy trình, tạo lòng tin cho người dân và doanh nghiệp.

Các DA được ưu tiên giải quyết dứt điểm trong năm 2025, chuẩn bị khởi công từ 2026 đã được phân loại rõ ràng. Các nhóm công tác chuyên trách sẽ bám sát từng DA, gỡ từng điểm nghẽn, xây dựng lộ trình cụ thể, sát thực tiễn, đặc biệt tại các khu vực trọng điểm.

Mặc dù vậy, bên cạnh những tín hiệu tích cực, bài học từ các DA treo, bỏ hoang, điển hình tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô vẫn là lời cảnh báo đáng lưu tâm. Nhiều DA được cấp phép từ lâu nhưng đến nay vẫn “nằm im”, chiếm dụng quỹ đất lớn mà không triển khai xây dựng, gây lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng quy hoạch tổng thể và làm mất cơ hội cho các nhà đầu tư nghiêm túc. Việc thiếu cam kết tiến độ, không có chế tài xử lý kịp thời và công tác hậu kiểm chưa chặt chẽ là những nguyên nhân chính khiến tình trạng này kéo dài.

Để khắc phục, trong quản lý các DA, Huế cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa, kiên quyết thu hồi những dự án không đủ năng lực triển khai. Bên cạnh đó, nên thiết lập cơ chế “cam kết triển khai theo giai đoạn” với các mốc thời gian rõ ràng, gắn liền với ưu đãi và chế tài tương ứng. Cần hình thành hệ thống đánh giá định kỳ hiệu quả đầu tư, không chỉ dựa vào số vốn đăng ký, mà còn theo tỷ lệ giải ngân, tạo việc làm, đóng góp ngân sách và tính lan tỏa.

Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, ông Hoàng Hải Minh, nhấn mạnh: “Thời gian tới, chúng tôi kiên quyết xử lý các trường hợp chây ì trong triển khai, cũng như xử lý nghiêm các sở, ngành chậm trễ trong thực hiện thủ tục đầu tư”.

Bài, ảnh: Lê Thọ

Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/linh-hoat-go-vuong-trong-quan-ly-cac-du-an-154047.html