Khánh thành đền thờ Bác Hồ vào ngày sinh nhật Bác
|
Cách đây khoảng 40 năm, có một con đường dài gần 3km, nối từ cầu Chữ Y (cầu xã Châu Thới) dẫn vào Đền thờ Bác Hồ, được hình thành hoàn toàn bằng ý chí, sức người và tinh thần đoàn kết của nhân dân xã Châu Thới. Đặc biệt, con đường không chỉ mang ý nghĩa giao thông mà còn chất chứa tình cảm sắt son của cán bộ, quân và dân nơi đây dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện nay, con đường mang tên đường 19 tháng 5). |
Đền thờ Bác Hồ tọa lạc tại ấp Bà Chăng A, xã Châu Thới (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu), cách trung tâm huyện Vĩnh Lợi khoảng 5 km về hướng Tây - Nam, đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1998.
Đền thờ Bác Hồ được xây dựng trên một khuôn viên đất rộng 11.000m2 với các kiến trúc chính như: ngôi đền thờ Bác Hồ; nhà bao che đền; nhà trưng bày; hội trường và phòng làm việc, khu dịch vụ và khu vườn được trồng nhiều loại cây do lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm viếng và trồng lưu niệm. Đặc biệt, trong khuôn viên di tích có hồ sen, một loại hoa luôn gắn với hình ảnh quê hương và tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngoài khu vực chính của đền thờ còn có hoa viên và hội trường để chiếu phim tài liệu giới thiệu với du khách khái quát về thân thế và sự nghiệp của Bác.
|
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. |
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh tâm niệm, khi đất nước thống nhất, Nam - Bắc một nhà, Bác sẽ vào thăm đồng bào miền Nam. Hai tiếng “miền Nam” luôn vang trong tâm tưởng Người. Bác từng nói: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”. Khi tuổi đã cao, sức đã yếu, giữa lúc chiến sự ở miền Nam ác liệt, Bác chỉ khẩn thiết yêu cầu tổ chức bố trí để Bác được vào thăm đồng bào, chiến sĩ miền Nam.
Đồng bào miền Nam nói chung và Bạc Liêu nói riêng, dù chưa một lần được đón Bác vào thăm nhưng tình cảm của đồng bào luôn hướng về Người với nỗi nhớ mong da diết. Chỉ mong sao quyết tâm đánh thắng đế quốc, miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, đồng bào Miền Nam đón Bác vào thăm.
Để tỏ tấm lòng kính trọng và thương tiếc Người, sau tang lễ, huyện ủy huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Sóc Trăng (nay là huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) đã chỉ đạo và phát động nhân dân trong toàn huyện xây dựng đền thờ Bác.
Tháng 3/1970, xã ủy Châu Thới thực hiện chủ trương của huyện ủy Vĩnh Lợi tiến hành xây dựng đền thờ Bác. Sau 2 lần Đền thờ bị địch đốt phá, nhân dân cũng như xã ủy Châu Thới và huyện ủy Vĩnh Lợi quyết tâm xây dựng đền kiên cố bằng xi măng, cốt sắt…
Công việc mua vật liệu để xây dựng gặp nhiều khó khăn do phải đi qua nhiều đồn bốt của địch, nhưng với động lực là lòng kính yêu Bác, nhân dân xã Châu Thới xung phong đi mua vật liệu, mỗi người mua một ít, mua làm nhiều lần.
Khi chuẩn bị xong, lúc 10h ngày 25/4/1972 xã ủy Châu Thới làm Lễ khởi công xây dựng đền thờ Bác. Sau 24 ngày đêm không ngại đạn pháo của địch, nhân dân và xã ủy Châu Thới đã hoàn thành việc xây dựng Đền thờ.
|
Học sinh Trường Tiểu học Hoà Bình A (huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu) viếng Bác tại đền thờ Bác Hồ xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) vào sáng ngày 17/5/2025 (Ảnh: Nhật Hồ). |
Sáng 19/5/1972 (Ngày sinh nhật Bác Hồ), Lễ khánh thành đền thờ Bác được tiến hành trong niềm hân hoan và trang nghiêm của hơn một nghìn người trong xã Châu Thới và các chiến sĩ huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.
Ðền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành “địa chỉ đỏ”
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu: “Đền thờ Bác Hồ, trải qua nhiều lần tôn tạo, sửa chữa, nhất là trong đợt xây dựng mới vào năm 2010-2011, khu vực đền thờ Bác được mở rộng theo quy hoạch gồm nhiều hạng mục như: đền thờ chính nơi đặt chân dung Bác, nhà truyền thống trưng bày các hiện vật lịch sử, sân lễ, cổng chào, công viên cây xanh…
Đặc biệt, năm 2011, tỉnh Bạc Liêu đã hoàn thành việc trùng tu, tôn tạo đền thờ Bác Hồ giai đoạn 1 (diện tích 11.000m2), giai đoạn 2 (diện tích 34.000m2), với tổng diện tích hơn 45.000 m2, tổng vốn đầu tư hơn 54 tỷ đồng, do Trung ương, địa phương và nhân dân đóng góp xây dựng.
Hàng năm, nơi đây thu hút lượng lớn khách du lịch và đông đảo nhân dân, các đoàn thể trong và ngoài tỉnh lần lượt tổ chức các cuộc tham quan về nguồn đến Đền thờ Bác để ôn lại cuộc đời sự nghiệp và công lao to lớn mà Bác, đã đem đến cho dân tộc Việt Nam ngày nay được hưởng một cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Thế hệ trẻ trong, ngoài tỉnh về viếng đền thờ Bác có dịp nghiên cứu, tìm hiểu và học tập noi theo tấm gương cao cả của Người để ngày càng đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho công cuộc đổi mới và xây dựng phát triển đất nước”.
|
Ông Nguyễn Văn Khoa (Bảy Khoa) - nguyên Đội trưởng Đội bảo vệ đền thờ Bác Hồ, nay là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Thắp hương tưởng niệm Bác Hồ tại xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. |
|
Ngày Lễ lớn, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là điểm tổ chức được nhiều cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, Công an, Quân đội… tổ chức các lễ dâng hương, lễ báo công. |
Hiện nay, đền thờ Bác Hồ thường xuyên tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhân ngày sinh của Bác, ngày Bác đi xa... Nhiều đoàn viên thanh niên từ huyện đến tỉnh tổ chức về thăm đền thờ, tổ chức sinh hoạt Đoàn, Đội và các loại hình sinh hoạt văn hóa khác, phát động phong trào thi đua lập thành tích dâng quà lên Bác kính yêu, tổ chức lễ báo công nhớ ơn Người...
Đến với đền thờ Bác Hồ tại Bạc Liêu, du khách sẽ thấy được tinh thần anh dũng và sự mưu trí của quân dân Châu Thới (Vĩnh Lợi) cũng như tấm lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bạc Liêu đối với vị cha già của dân tộc thông qua những hiện vật được trưng bày tại di tích…
“Hằng năm, Ngày Lễ lớn, tại đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là điểm tổ chức được nhiều cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, trường học của huyện và tỉnh tổ chức các lễ dâng hương, lễ báo công, lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên mới, trao tặng Huy hiệu Đảng, vui Trung thu... cho thế hệ trẻ trong, ngoài tỉnh về viếng đền thờ Bác có dịp nghiên cứu, tìm hiểu và học tập noi theo tấm gương cao cả của Bác.
Đặc biệt, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Châu Thới từ lâu đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ; đồng thời là địa điểm du lịch thu hút đông khách trong và ngoài tỉnh Bạc Liêu đến tham quan, học tập, về nguồn”, ông Trần Anh Thi - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Khoa (Bảy Khoa)- nguyên Đội trưởng Đội bảo vệ đền thờ Bác Hồ, nay là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Thắp hương tưởng niệm Bác Hồ tại xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, kể: “Ngày ấy, tin Bác mất làm cho quân dân cả nước, từ cụ già đến trẻ nhỏ không ai cầm được nước mắt. Sau đó, huyện ủy Vĩnh Lợi đã mượn tạm ngôi nhà của người dân làm lễ truy điệu, để tang Bác và là nơi để bà con nhang khói dâng Người.
Năm 1971, địch càn quét ấp Bà Chăng A, đã dã tâm đốt phá nơi thờ Bác. Hành động ấy làm cho nhân dân căm phẫn, quyết tâm biến đau thương thành hành động. Giặc phá Đền thì quân dân Châu Thới anh hùng quyết tâm lại xây lại. Năm sau, ngôi đền được khởi công xây dựng và hoàn thành trong 24 ngày vất vả, bí mật. Đền thờ Bác được bảo vệ an toàn cho đến ngày đất nước thống nhất".
“Tôi làm nhiệm vụ bảo vệ, trông coi đền thờ Bác Hồ từ năm 1972 đến nay. Vì thế mà từng tư liệu, hình ảnh về Bác được trưng bày, lưu giữ trong đền thờ tôi nhớ rất rõ. Khi khách đến thăm viếng, ai muốn tìm hiểu, tôi sẵn sàng kể lại cho khách nghe, từ việc xây dựng đền thờ cho đến tình cảm của nhân dân Châu Thới dành cho Bác trong kháng chiến cũng như ở hiện tại”, ông Bảy Khoa chia sẻ thêm.
Nguồn: https://baophapluat.vn/linh-thieng-den-tho-bac-ho-o-bac-lieu-post548844.html
Bình luận (0)