Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lo ngại ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo

Sự xuất hiện của một số tổ hợp lạ, không có môn liên quan trực tiếp đến chuyên ngành đào tạo trong mùa tuyển sinh đại học năm nay khiến nhiều người lo ngại sẽ gây khó khăn trong đào tạo, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực sau này.

Báo Công an Nhân dânBáo Công an Nhân dân02/04/2025

Theo quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay các trường không bị giới hạn tổ hợp xét tuyển vào một ngành như trước. Cách xét tuyển như trên tạo điều kiện cho thí sinh có nhiều cơ hội hơn trong việc theo đuổi ngành yêu thích, các trường ĐH cũng tự chủ hơn trong việc xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của một số tổ hợp lạ, không có môn liên quan trực tiếp đến chuyên ngành đào tạo trong mùa tuyển sinh năm nay khiến nhiều người lo ngại sẽ gây khó khăn trong đào tạo, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực sau này.

Nhiều tổ hợp vắng bóng môn học nền tảng, gắn trực tiếp với chuyên ngành

Theo phương án tuyển sinh năm 2025 của Trường ĐH Hòa Bình, bên cạnh tổ hợp truyền thống là Toán, Hóa, Sinh và Toán, Lý, Hóa, năm nay nhà trường còn tuyển sinh 4 ngành khối sức khỏe là Dược học, Điều dưỡng, Y học cổ truyền và Y khoa bằng các tổ hợp mới như A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh), C04 (Văn, Toán, Địa), D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh). Đây đều là những tổ hợp lạ, phi truyền thống vì không có môn Hóa học hoặc Sinh học, vốn là những môn học quen thuộc, căn bản trong tuyển sinh ngành Y từ nhiều năm nay.

41867738-f727-4251-99dd-b533c4b8112e.jpg -0
Trường Đại học cần thể hiện trách nhiệm đối với người học trong việc xây dựng tổ hợp xét tuyển. Ảnh minh họa

Trường ĐH Y Dược Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cũng thông báo tuyển ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng, Dược học, Kỹ thuật xét nghiệm, Điều dưỡng và Y tế công cộng với nhiều tổ hợp. Trong đó, bên cạnh các tổ hợp truyền thống là Toán, Hóa, Sinh, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng ba môn Toán, Lý, Công nghệ hay Toán, Vật lý, Ngữ văn.

Với khối ngành sư phạm, nhiều trường ĐH cũng đưa vào các tổ hợp mới, không có môn liên quan trực tiếp chuyên ngành. Đơn cử như Trường ĐH Đồng Tháp tuyển ngành Sư phạm Vật lý và Hóa học bằng khối D01 cùng một số tổ hợp không có môn Vật lý hoặc Hóa học. Tương tự tại Trường ĐH Khánh Hòa, thí sinh có thể dùng điểm khối D07 (Toán, Hóa, Tiếng Anh), B00 để nộp vào ngành Sư phạm Vật lý. Ngành Sư phạm Lịch sử ở Đại học Thủ đô Hà Nội cũng xét bằng cả tổ hợp D01 và C04 (Văn, Toán, Địa), C14 (Văn, Toán, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật). Ngành Sư phạm Tiếng Anh và Vật lý cũng dùng ba tổ hợp không có môn tương ứng.

Còn tại Trường ĐH Sư phạm, ĐH Thái Nguyên, ngành Sư phạm Lịch sử tuyển cả bằng khối D01 và C20 (Văn, Địa, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật). Ngành Sư phạm Địa lý Trường ĐH Hải Dương cũng xét tuyển tổ hợp Toán - Văn - Tiếng Anh. Ngành Sư phạm Vật lý Trường ĐH Phạm Văn Đồng bên cạnh ba tổ hợp có môn Vật lý còn xét tuyển tổ hợp Toán - Văn - Tiếng Anh. Ngành Sư phạm Vật lý Trường ĐH Khánh Hòa xét tuyển các tổ hợp Toán-Hóa học - Tiếng Anh và Toán - Hóa - Sinh bên cạnh hai tổ hợp có môn Vật lý.

Xu hướng mở rộng tổ hợp xét tuyển không có môn liên quan trực tiếp đến chuyên ngành cũng được áp dụng đối với một số ngành ngôn ngữ, công nghệ thông tin. Đơn cử như Trường ĐH Hòa Bình dự kiến tuyển sinh ngành Ngôn ngữ Anh và Trung Quốc bằng tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa), C01 (Văn, Toán, Lý).

Tương tự, hai ngành này ở ĐH Thủ đô Hà Nội cũng xét cả khối C03 (Văn, Toán, Sử), C04 (Văn, Toán, Địa) và C14 gồm Văn, Toán, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật. Một số ngành như công nghệ thông tin, khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo của Học viện Nông nghiệp Việt Nam năm nay cũng sử dụng các tổ hợp Toán, Ngữ văn, Lịch sử hoặc Toán, Ngữ văn, Địa lý. Ngành Công nghệ sinh học cũng sử dụng tổ hợp xét tuyển không có môn Sinh học.

Cần rà soát để loại bỏ các tổ hợp xét tuyển không phù hợp

Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh thi tốt nghiệp THPT theo chương trình GDPT mới ban hành năm 2018. Tại kỳ thi này, thí sinh chỉ thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong 9 môn, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ. Về mặt lý thuyết, số môn và cách chọn như trên sẽ tạo ra 36 tổ hợp môn thi tốt nghiệp và hơn 80 tổ hợp theo 3 môn xét tuyển đại học.

Và để tạo điều kiện cho thí sinh và các trường ĐH trong việc xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, quy chế tuyển sinh đại học của Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh theo hướng không bắt buộc các trường giới hạn 4 tổ hợp tuyển sinh cho mỗi ngành như trước.

Theo Bộ GD&ĐT, với cách thức thi tốt nghiệp THPT 2025, nếu vẫn giới hạn 4 tổ hợp xét tuyển cho từng ngành như năm 2024 có thể sẽ hạn chế cơ hội trúng tuyển đại học của thí sinh. Do đó, việc bỏ quy định mỗi ngành, chương trình chỉ có tối đa 4 tổ hợp xét tuyển nhằm giúp thí sinh chọn nhiều bài thi hoặc học theo khối khác nhau vẫn có cơ hội trúng tuyển vào các ngành, chương trình đào tạo.

Chia sẻ với PV Báo CAND về vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam cho rằng, việc mở rộng tổ hợp xét tuyển sẽ giúp các trường ĐH thu hút thêm thí sinh, đặc biệt là thí sinh có thế mạnh ở các môn khác nhau, không bị quá bó hẹp trong nhóm môn cố định. Tuy nhiên, các tổ hợp phải phản ánh đúng năng lực yêu cầu của ngành học, đặc biệt đối với các ngành cần kiến thức nền tảng vững như Sư phạm, Y dược, CNTT... Nếu mở rộng quá nhiều tổ hợp mà không có tiêu chí rõ ràng, thiếu các môn học căn bản liên quan trực tiếp đến chuyên ngành đào tạo sẽ dẫn đến chất lượng đầu vào không đồng nhất, không đảm bảo.

Cũng theo TS Lê Viết Khuyến, những môn học cốt lõi thường phản ánh năng lực nền tảng của thí sinh. Do đó nếu tuyển sinh ngành Sư phạm Lịch sử mà không yêu cầu môn Lịch sử, ngành Sư phạm Vật lý mà không yêu cầu môn Vật lý, ngành Ngôn ngữ Anh không yêu cầu môn Tiếng Anh hay Y dược không yêu cầu có môn Hóa học hay Sinh học thì sẽ rất dễ xảy ra tình trạng sinh viên không có nền tảng kiến thức phù hợp, gây khó khăn trong quá trình học tập, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo sau này.

Do đó, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước trong kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT có trách nhiệm yêu cầu các trường ĐH khi đưa ra các tiêu chí tuyển sinh, các tổ hợp xét tuyển không phù hợp, bị dư luận phản ứng phải rà soát, điều chỉnh lại theo hướng lấy người học làm trung tâm, đảm bảo quyền lợi của người học. Việc mở rộng, không giới hạn tổ hợp xét tuyển phải có các điều kiện đi kèm. Đơn cử như các tổ hợp xét tuyển vào các ngành phải có ít nhất 1-2 môn bắt buộc liên quan trực tiếp đến chuyên ngành đào tạo.

Nguồn: https://cand.com.vn/giao-duc/lo-ngai-anh-huong-den-chat-luong-dao-tao-i763784/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm