
Xã Văn Chấn (trước đây là xã Suối Giàng) - vùng đất cao nguyên thuộc tỉnh Lào Cai từ lâu đã nổi tiếng bởi khí hậu trong lành quanh năm và những cây chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Ở độ cao gần 1.400m so với mực nước biển, nơi đây được ví như “Sa Pa của Yên Bái” (nay là Lào Cai) với sương giăng trắng núi, không khí tinh khiết và thổ nhưỡng đặc biệt, là điều kiện lý tưởng để sinh ra những giống trà ngon bậc nhất.
Chuyện kể rằng, thuở khai sơn lập địa, một nàng tiên gieo hạt xuống vùng núi này, những hạt cuối cùng là giống cây thuốc quý, nảy mầm thành cây chè Shan tuyết phủ trắng sương mỗi sáng. Đến nay, cây chè cổ thụ hơn 400 năm tuổi ở Suối Giàng được xếp vào một trong sáu cây chè thủy tổ của thế giới, là niềm tự hào không chỉ của người Mông, mà của cả đất chè Việt Nam.

Tuy nhiên, giống như nhiều nông sản đặc hữu vùng cao, chè Suối Giàng từng có thời gian dài loay hoay với đầu ra, sản phẩm quý nhưng chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường. Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi anh Đào Đức Hiếu - một giảng viên khoa Marketing Trường Đại học Ngoại thương đã rời thành phố, rời bục giảng, mang theo đam mê trà và quyết tâm dựng thương hiệu từ đỉnh núi Suối Giàng.
Sau gần hai thập kỷ học hỏi về sản xuất, chế biến trà tại Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan… anh Hiếu chọn quay về Việt Nam và bắt đầu lại từ con số không, trên một vùng đất còn nghèo nhưng giàu tiềm năng: Suối Giàng. Với anh, mỗi cây chè cổ là một di sản sống. Và sứ mệnh của mình là khơi dậy, nâng tầm giá trị di sản đó bằng tư duy hiện đại, công nghệ chế biến và cách kể chuyện đầy bản sắc.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, anh Đào Đức Hiếu – Giám đốc HTX hệ sinh thái du lịch Suối Giàng chia sẻ: “Hành trình vạn dặm bao giờ cũng bắt đầu từ một bước đi. Biết rằng hành trình này còn nhiều lắm những gian nan nhưng không đi thì sao đến”.

Hành trình vạn dặm bao giờ cũng bắt đầu từ một bước đi. Biết rằng hành trình này còn nhiều lắm những gian nan nhưng không đi thì sao đến?
Niềm đam mê với cây chè cổ thụ khiến câu chuyện của anh về cây chè dường như không bao giờ có hồi kết. Anh kể, chè Suối Giàng - theo đánh giá của các chuyên gia Nhật Bản thậm chí còn đạt nhiều tiêu chí khắt khe hơn cả tiêu chuẩn của họ. Bởi đó là giống chè hoàn toàn tự nhiên, sinh trưởng trong môi trường không phân bón hoá học, không thuốc trừ sâu, không can thiệp kỹ thuật thâm canh. Mỗi búp trà được hái từ cây cổ thụ trên 300 tuổi, ở độ cao hơn 1.000m, sau khi sao khô vẫn giữ nguyên lớp lông tuyết mịn màng. Màu trắng ấy chính là cái tên Shan Tuyết.
Nắm bắt xu hướng xanh - hữu cơ của thế giới, thương hiệu Sugi Tea ra đời với phương châm: sạch từ gốc, bền vững từ sản xuất đến tiêu dùng. Toàn bộ quy trình sản xuất của HTX hệ sinh thái du lịch Suối Giàng không sử dụng hóa chất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đặc biệt tôn trọng hệ sinh thái tự nhiên bản địa.
Năm 2019, anh Hiếu mở rộng tầm nhìn bằng cách thiết kế Không gian văn hoá trà Suối Giàng, biến chè thành một phần của trải nghiệm văn hoá: từ bộ ấm chén, cách pha trà, đến cách kể câu chuyện lịch sử cây chè, nét đẹp trong sinh hoạt của người Mông. Ở đó, mỗi ngụm trà không chỉ là vị giác, mà còn là tri thức và cảm xúc. Bao bì chè mang họa tiết bản địa, cờ đỏ sao vàng và dòng chữ “Teabrand in Vietnam” - một tuyên ngôn thương hiệu giản dị mà đầy tự hào. Đây là cách để chè Suối Giàng truyền tải được thông điệp của văn hóa, truyền tải thông điệp của những giá trị Việt không đơn thuần chỉ là một sản phẩm nông nghiệp mà ở đó còn có câu chuyện, tự hào quốc gia.
Đến nay, bốn dòng sản phẩm mang thương hiệu Đại Lão Vương Trà gồm Hoàng trà, Hồng trà, Bạch trà và Diệp trà đều đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh. Sản phẩm cũng đang trên lộ trình phấn đấu lên OCOP 5 sao quốc gia, có đầy đủ hồ sơ chỉ dẫn địa lý, mã vùng trồng, tiêu chuẩn ECOCERT, ORGANIC châu Âu, ISO sản xuất, trở thành sản phẩm chè hiếm hoi có “giấy thông hành” vào 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Anh Hiếu chia sẻ đầy tự hào: “Chè Shan Tuyết Suối Giàng xưa nay được xếp đầu bảng trong các loại chè và được gọi là chè “năm cực”: “cực khổ” - khi trồng và thu hái, “cực sạch” - do điều kiện khí hậu tự nhiên hoang dã, “cực hiếm” - sản lượng ít, “cực ngon” - có hương thơm, vị đậm và “cực đắt”.
Mặc dù Suối Giàng không phải là nơi duy nhất có những cây trà cổ thụ, nhưng xét về cả số lượng lẫn tuổi đời thì không đâu sánh được. Nhờ cây chè Shan tuyết, hơn 97% dân số Suối Giàng là đồng bào Mông. Trước đây, bà con chủ yếu sống bằng canh tác nhỏ lẻ, lao động tay chân, thu nhập bấp bênh, thiếu định hướng sản xuất hàng hóa. Việc gắn chè Shan Tuyết với thương hiệu OCOP, với văn hóa bản địa, không chỉ tạo giá trị kinh tế mà còn mở ra một hệ sinh thái phát triển toàn diện tại chỗ.

Trên đỉnh núi, điều kiện cơ sở hạ tầng còn hạn chế, công nghệ tiếp cận khó khăn nhưng HTX của anh Hiếu đã áp dụng cách tiếp cận “cầm tay chỉ việc”. Anh trực tiếp hướng dẫn người dân kỹ thuật thu hái, bảo quản, sơ chế chè sạch, từ đó từng bước thay đổi thói quen canh tác, nâng cao ý thức sản xuất bền vững.
Hiệu quả nhìn thấy rõ: người dân có thêm thu nhập ổn định, không cần rời quê đi làm ăn xa; người trẻ yêu nghề chè, muốn gắn bó với mảnh đất mình sinh ra. Hơn thế nữa, HTX còn tổ chức lớp học về văn hoá trà cho trẻ em Mông - nơi các em được học về nguồn gốc cây chè, cách làm trà sạch và cả niềm tự hào của dân tộc mình. Chè, từ chỗ là sản phẩm thương mại, nay trở thành biểu tượng văn hóa, công cụ giáo dục cộng đồng.

“Để thay đổi tư duy làm chè của người Mông bản địa, cách hay nhất là truyền dạy cho những người trẻ, người trong độ tuổi lao động để sau khi học xong, mỗi học viên là những tuyên truyền viên về cách làm chè sạch, chè hữu cơ cho chính gia đình mình”, anh Hiếu nói.
Mỗi năm, hàng chục nghìn du khách lên Suối Giàng để săn mây, chiêm ngưỡng cây chè cổ, thưởng trà Shan Tuyết và khám phá văn hóa Mông. Những trải nghiệm này không chỉ lan toả giá trị du lịch bền vững, mà còn giúp bà con có thêm sinh kế từ dịch vụ homestay, hướng dẫn viên, ẩm thực dân tộc…

Sản phẩm chè Suối Giàng hiện đã được lựa chọn làm quà tặng đối ngoại của tỉnh Lào Cai trong các sự kiện chính trị, ngoại giao, các kỳ hội chợ trong và ngoài nước. Không chỉ vậy, sản phẩm còn được giới thiệu trong các nghi lễ tiệc trà quốc gia, các buổi tiếp khách cấp cao, tọa đàm xúc tiến đầu tư, nơi mà mỗi lá trà kể câu chuyện văn hoá của một vùng đất.
Hiện nay, sản phẩm chè của HTX Suối Giàng hiện có mặt tại nhiều hệ thống phân phối cao cấp: khách sạn 5 sao, sân bay quốc tế, chuỗi cửa hàng quà tặng cao cấp, sàn thương mại điện tử và đặc biệt là sàn xuyên biên giới như Alibaba, Amazon. Dù sản lượng còn khiêm tốn, nhưng việc có mặt trên các sàn lớn là bước đi quan trọng trong việc khẳng định vị thế sản phẩm nông sản Việt trên thị trường toàn cầu.

Để chè Suối Giàng đi xa hơn, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tích cực sử dụng sản phẩm làm hình ảnh nhận diện của địa phương. Đây không chỉ là chiến lược xúc tiến thương mại, mà còn là cách xây dựng hình ảnh địa phương thông qua sản phẩm đặc trưng, nơi mỗi gói trà là một “đại sứ văn hoá” gửi gắm tinh thần và bản sắc.
Chè Suối Giàng không còn chỉ là một đặc sản địa phương. Đó là biểu tượng của sự hồi sinh nông thôn miền núi, là thành công của mô hình OCOP gắn với văn hoá bản địa, là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kinh tế nông nghiệp, công nghiệp văn hóa và chuyển đổi số.

Bằng tầm nhìn, đam mê và bản lĩnh của những người như anh Đào Đức Hiếu, cùng sự đồng hành của chính quyền địa phương và người dân bản địa, sản phẩm chè Shan Tuyết Suối Giàng đang viết nên câu chuyện mới: từ một búp trà trên đỉnh núi hoang sơ trở thành đại diện của nông sản Việt trên thị trường quốc tế, mang theo hương vị núi rừng, bản sắc Mông và niềm tự hào Việt Nam vươn xa khắp năm châu.
Từ đỉnh núi mờ sương, những búp chè Shan tuyết cổ thụ trắng xóa như phủ tuyết sớm mai, qua bàn tay người Mông cần mẫn, đã hóa thành những chén trà thanh khiết, quyện hương đất trời. Mỗi cánh trà, mỗi chén nước trong không chỉ gói ghém tinh hoa của đất, khí, nhân mà còn chứa đựng cả một triết lý sống bền bỉ của cộng đồng nơi rừng sâu núi thẳm.
Trong âm vang của tiếng khèn Mông, trong làn sương giăng mờ lối sớm mai, Suối Giàng không còn là một vùng đất nghèo heo hút, mà đã trở thành một điểm đến văn hóa, một thương hiệu nông nghiệp bản địa đang khẳng định tên tuổi trên bản đồ thế giới. Những giấc mơ không còn nằm yên nơi sườn núi. Những búp chè cổ thụ, đã đi xa, rất xa, không chỉ đến các nước châu Âu, mà còn chạm đến trái tim của những ai trân quý vẻ đẹp của sản vật quê hương. Cũng từ nơi ấy, một tương lai tươi sáng hơn đang lặng lẽ nảy mầm giữa tầng tầng mây và ngát xanh chè cổ.
Nguồn: https://congthuong.vn/longform-che-suoi-giang-tu-bau-vat-tren-dinh-nui-den-bieu-tuong-van-hoa-411180.html
Bình luận (0)