Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lũ "vượt tần suất 5.000 năm" là gì?

Theo một chuyên gia về thủy văn, cụm từ “vượt lũ kiểm tra và vượt tần suất 5.000 năm” không phải lỗi số liệu mà là cách gọi chuyên ngành thủy văn, chỉ mức độ cực đoan của trận lũ.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng23/07/2025

IMG_0696.jpeg
Thủy điện Bản Vẽ xả lũ. Ảnh: NGUYÊN LONG

Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) vừa có báo cáo tình hình thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ gây ra đến sáng 23-7.

Theo đó, bão số 3 (Wipha) và hoàn lưu sau bão đã gây ra thiệt hại trên diện rộng tại Bắc bộ và Bắc Trung bộ, đặc biệt là các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Ninh Bình, Hưng Yên.

Thiệt hại ban đầu về người và tài sản được các địa phương thống kê như sau: 1 người mất tích, 1 người bị thương do lũ cuốn tại tỉnh Nghệ An.

IMG_0699.jpeg
Khu vực Tương Dương (Nghệ An) sáng nay 23-7. Ảnh: MXH

Có 420 nhà bị tốc mái, hư hỏng do bão, trong đó riêng Thanh Hóa 251 nhà và Nghệ An 161 nhà. Toàn vùng có hơn 119.000ha lúa bị ngập úng, trong đó Ninh Bình thiệt hại lớn nhất với trên 74.000ha. Các địa phương đang khẩn trương vận hành máy bơm để tiêu úng.

Về đê điều, đến nay đã phát hiện 6 sự cố, trong đó đáng chú ý là hai sự cố nghiêm trọng xảy ra tại Hà Nội: Tuyến đê hữu sông Cầu (xã Đa Phúc) xuất hiện vết nứt dọc dài 20m (địa phương đã lập chốt cấm phương tiện qua lại). Tuyến đê hữu sông Hồng (xã Phúc Lộc) có vết nứt kéo dài tới 600m (từng xảy ra năm 2024, nay tiếp tục mở rộng); khu vực đã được rào chắn toàn bộ.

Tại hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình, nhiều điểm sạt mái đê và sự cố cống đã xảy ra: đê Tây sông Cùng, đê kênh Tam Điệp, đê bối Nam Quần Liêu, cống Vực Bưu… Các địa phương đã xử lý bước đầu bằng đắp bao tải đất, đóng cọc tre, lọc ngược hố tụt.

Đáng chú ý là hồ thủy điện Bản Vẽ (ở tỉnh Nghệ An) đã xuất hiện đỉnh lũ lúc 2 giờ sáng 23-7 lên tới 12.800 m³/giây, vượt mức lũ kiểm tra và "vượt tần suất 5.000 năm".

IMG_0695.jpeg
Dữ liệu mực nước vượt 12.000 m³/giây tại hồ Bản Vẽ rạng sáng nay 23-7. Nguồn: EVN

Theo một chuyên gia về thủy văn, cụm từ “vượt lũ kiểm tra và vượt tần suất 5.000 năm” không phải lỗi số liệu mà là cách gọi chuyên ngành thủy văn, chỉ mức độ cực đoan của trận lũ. “Tần suất 5.000 năm” nghĩa là trận lũ có xác suất xảy ra 1 lần trong 5.000 năm (tương đương 0,02% mỗi năm). Đây là cấp độ lũ cực hiếm, cần điều tiết đúng kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, hồ Bản Vẽ đã phải mở cửa xả từ chiều 22-7 để điều tiết. Sáng nay 23-7, mực nước hồ vẫn cao (nhưng tổng nước lũ về đã giảm rất đáng kể) và đang được xả 4.351 m³/giây để đảm bảo cân bằng giữa an toàn công trình và cắt lũ giúp hạ du.

IMG_0700.jpeg
Tương Dương (Nghệ An) chìm trong nước lũ sáng 23-7. Ảnh chia sẻ MXH

Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cũng cho biết, toàn vùng từ Bắc bộ đến Hà Tĩnh có 4.487 hồ chứa thủy lợi, phần lớn đã tích nước ở mức cao, đặc biệt các hồ ở Nghệ An đã cơ bản đầy. Lượng nước trữ hiện đạt 56-85% so với dung tích thiết kế, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi có thêm các đợt mưa lớn.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/lu-vuot-tan-suat-5000-nam-la-gi-post805034.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm