.jpg)
Khả năng bị gián đoạn
Ghi nhận trưa ngày 4/7, việc khoan cọc nhồi của 3 cọc ở vị trí mố M2 cầu vượt đường sắt, trên quốc lộ 14E (địa phận xã Bình Quý, huyện Thăng Bình cũ) qua xã Thăng Bình mới đã hoàn thành. Kỹ sư Cường - cán bộ điều hành của Ban Quản lý dự án 4 (đơn vị đại diện của chủ đầu tư Cục Đường bộ Việt Nam) chia sẻ, trụ T4 có tổng cộng 4 cọc khoan nhồi thì đã khoan đến cọc thứ 3. Trước ngày 10/7, nhà thầu khoan xong cọc cuối cùng của trụ này. Nhìn thực tế, công trường vẫn đang ngổn ngang cho thiếu mặt bằng để triển khai thi công.
.jpg)
“Dự kiến ngày 10/7/2025, chúng tôi sẽ phải dừng thi công cọc khoan nhồi do không có mặt bằng” - kỹ sư Cường nói. Theo báo cáo của đại diện chủ đầu tư, phạm vi thi công cầu vượt đường sắt có 64 thửa đất (59 hộ) bị ảnh hưởng. Địa phương phê duyệt xong phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) của 59 thửa nhưng chỉ có 54 thửa nhận tiền, 5 thửa chưa thống nhất nhận tiền (2 thửa đã cho thi công). Trường hợp còn lại có 5 thửa chưa phê duyệt phương án.
.jpg)
Đáng chú ý, 54 thửa (48 hộ) đã nhận tiền, cam kết bàn giao mặt bằng nhưng mới có 26 thửa cho thi công. Trong 26 thửa mà người dân cho thi công này, nhà thầu chỉ làm đủ bề rộng đường đảm bảo giao thông được 21 thửa, còn 5 thửa chỉ cho thi công một phần. Theo đó, hộ ông Nguyễn Đức Lại cho làm ở phần sân phía trước, không tiến hành phá dỡ nhà ở để bàn giao mặt bằng. Thế nên, mặt đường đảm bảo giao thông chỉ đủ thi công 3,5m không đủ điều kiện để bố trí thông xe.
.jpg)
Dù đã tháo dỡ mái tôn và cho chặt phá cây cối, hộ Đặng Quang Vinh vẫn chưa phá dỡ bờ tường, mái nhà của quán nước. Hộ này gần sát đường sắt, là góc ngoặt của đường đảm bảo giao thông, song mặt đường chỉ triển khai được khoảng 4,5m không đảm bảo bề rộng góc cua cho các xe có chiều dài lớn. Đất của hộ Đặng Văn Hùng còn bụi tre và cây nằm trong mặt đường đảm bảo giao thông, cách mép ngoài khoảng 1m. Đây là vị trí thi công mố M2 của cầu vượt, nên với bề rộng đường như hiện tại sẽ gây ùn ứ khi thông xe…
Vào cuộc sau vận hành xã mới
Kỹ sư Cường cho biết, sau khi xã Thăng Bình mới (hình thành sau sáp nhập các xã Bình Phục, Bình Nguyên, Bình Quý và thị trấn Hà Lam cũ) chính thức đi vào vận hành ổn định, sáng ngày 4/7, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã đã trực tiếp xuống công trường để nắm tình hình vướng mắc GPMB dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E qua Bình Quý (cũ) nói chung, cầu vượt đường sắt nói riêng. Cầu vượt đường sắt là điểm găng của cả dự án, theo tiến độ cần phải có tối thiểu 6 tháng để thi công hoàn thành.
.jpg)
Trong khi đó, kinh phí đầu tư cho dự án nằm trong nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Năm 2025, cầu vượt không làm xong, khả năng cao phải dừng hạng mục này lại. Chính vì vậy, chủ đầu tư kiến nghị UBND TP.Đà Nẵng chỉ đạo các bên liên quan sớm hoàn thiện các thủ tục để phê duyệt phương án bồi thường, GPMB 5 hộ còn lại. Thông báo, lên kế hoạch bảo vệ thi công vị trí hộ đã nhận tiền nhưng không bàn giao mặt bằng, kể cả 5 thửa mới bàn giao một phần.
Chủ đầu tư cũng kiến nghị địa phương hoàn thiện các thủ tục để tiến hành cưỡng chế thi công trường hợp thuộc phạm vi GPMB của hạng mục cầu vượt mà không nhận tiền. Đẩy nhanh các thủ tục để thực hiện GPMB đến vạch 15,7m làm cơ sở vận động người dân sớm bàn giao mặt bằng. Thành phố chỉ đạo, đôn đốc Điện lực Thăng Bình di dời hạ tầng điện còn lại ra khỏi phạm vi thi công; bao gồm điện trung thế cầu vượt đường sắt và điện hạ thế, chiếu sáng ngoài khu vực cầu vượt đường sắt.
.jpg)
Như Báo và Phát thanh, truyền hình Đà Nẵng từng thông tin, cầu vượt đường sắt tại lý trình km15+615,32, quốc lộ 14E là cầu đường bộ cấp III cùng với cấp đường đoạn từ km15+270-km16+054. Do đó, theo Khoản 2, 3 của Điều 17 Luật Đường sắt số 06/2017/QH14, đường sắt giao nhau với đường bộ phải xây dựng nút giao khác mức trong các trường hợp sau đây: Đường sắt có tốc độ thiết kế từ 100 km/h trở lên giao nhau với đường bộ; đường sắt giao nhau với đường bộ từ cấp III trở lên; đường sắt giao nhau với đường bộ đô thị; đường sắt đô thị giao nhau với đường bộ, trừ đường xe điện bánh sắt.
Cũng theo Luật Đường sắt, chủ đầu tư xây dựng đường sắt mới phải chịu trách nhiệm xây dựng nút giao khác mức theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 của Điều 17; chủ đầu tư xây dựng đường bộ mới phải chịu trách nhiệm xây dựng nút giao khác mức theo quy định tại Khoản 2 của điều này. Chính vì vậy, việc xây dựng cầu vượt đường sắt là bắt buộc khi thực hiện nâng cấp, cải tạo quốc lộ 14E.
[VIDEO] - Cầu vượt đường sắt đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an toàn giao thông:
Hơn nữa, cầu vượt đường sắt sẽ thay thế cho các đường cắt ngang đồng mức. Từ đây, tránh giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, không để xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông giữa đường bộ với đường sắt, phát huy hiệu quả tốc độ tàu chạy và phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ. Tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển hàng hóa cả đường bộ và đường sắt, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng.
Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E có quy mô bề rộng nền đường 9m. Riêng đoạn tuyến qua nút giao đường sắt Bắc - Nam tại lý trình km15+270-km16+054 (Thăng Bình) có bề rộng nền đường 12m. Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, với tổng mức đầu tư là 1.848,239 tỷ đồng; tiến độ thực hiện giai đoạn năm 2021 - 2025.
Nguồn: https://baodanang.vn/mat-bang-lam-cau-vuot-duong-sat-tren-quoc-lo-14e-chua-the-hanh-thong-3265106.html
Bình luận (0)