Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

MBS: Kỳ vọng GDP năm 2025 sẽ tăng 7,9%-8,1% nhờ đẩy mạnh vốn đầu tư công...

Bất chấp những bất ổn toàn cầu và thách thức từ thương mại quốc tế, với mức tăng trưởng GDP đạt 7,52% trong 6 tháng đầu năm – cao nhất trong gần hai thập kỷ, Việt Nam...

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng28/07/2025

Bất chấp những bất ổn toàn cầu và thách thức từ thương mại quốc tế, với mức tăng trưởng GDP đạt 7,52% trong 6 tháng đầu năm – cao nhất trong gần hai thập kỷ, Việt Nam đang trên đà trở thành một điểm sáng trong khu vực Đông Nam Á. Dự báo mới nhất của Chứng khoán MBS cho thấy tăng trưởng GDP cả năm 2025 có thể đạt mức 7,9 – 8,1%, vượt mục tiêu ban đầu.

Công nghiệp – xây dựng dẫn dắt đà phục hồi

Theo báo cáo phân tích của MBS, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2/2025 ước tính tăng 7,96% so với cùng kỳ – chỉ thấp hơn mức tăng 8,6% của quý 2/2022 trong giai đoạn 2020 – 2025. Kết quả tăng trưởng này đã vượt mục tiêu đặt ra cho quý 2/2025 là 7% của kịch bản tăng trưởng cả năm 6,5 - 7%. Tuy nhiên, vẫn thấp hơn so mục tiêu của kịch bản tăng trưởng năm 2025 đạt 8% (trong đó, mục tiêu tăng trưởng của quý 2/2025 là 8,2%).

Ngành sản xuất – đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo – tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng GDP. Trong quý 2/2025, ngành công nghiệp và xây dựng tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 43,6% vào mức tăng trưởng chung. Trong đó, công nghiệp chế biến – chế tạo tăng mạnh 10,8%, với nhiều nhóm ngành ghi nhận mức tăng hai chữ số.

MBS Kỳ vọng GDP năm 2025 sẽ tăng 7981 nhờ đẩy mạnh vốn đầu tư công và đầu tư tư nhân

Các ngành trọng điểm như sản xuất ô tô (+34,9%), sản phẩm khoáng phi kim loại (+23,9%), kim loại (+18%), và thiết bị điện tử, vi tính (+9,3%) đều ghi nhận sự phục hồi tích cực. Tính chung 6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp tăng 9,2% – mức cao nhất trong giai đoạn 2020–2025.

Tuy nhiên, trái ngược với đà tăng của chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), chỉ số PMI – thước đo niềm tin doanh nghiệp – lại tiếp tục ở dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 6, chỉ đạt 48,9 điểm. Điều này cho thấy các doanh nghiệp vẫn còn thận trọng trước triển vọng đơn hàng, đặc biệt là khi số đơn hàng xuất khẩu mới giảm tháng thứ 8 liên tiếp – mức giảm nhanh nhất trong 2 năm gần đây. Dù sản lượng vẫn được duy trì, nhưng nếu cầu không cải thiện, các doanh nghiệp có thể sẽ đối mặt với áp lực giảm tốc trong thời gian tới.

Xuất khẩu bứt phá nhưng đối mặt thách thức từ thuế quan

Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục đóng vai trò xương sống trong nền kinh tế Việt Nam với đà tăng trưởng hai chữ số trong nửa đầu năm 2025. Kim ngạch xuất khẩu tháng 6 đạt 39,5 tỷ USD, tăng mạnh 16,3% so với cùng kỳ dù giảm nhẹ 0,3% so với tháng trước. Động lực chính đến từ các mặt hàng có tốc độ tăng trưởng đột phá như: đồ chơi và dụng cụ thể thao (+145,6%), xơ và sợi dệt (+73,4%), và nhóm điện tử – máy tính – linh kiện (+40,9%).

Thị trường Mỹ tiếp tục là điểm tựa lớn của xuất khẩu Việt Nam khi đạt tới 13,7 tỷ USD trong tháng 6 – chiếm 35% tổng kim ngạch, tăng 33% svck. Mức tăng mạnh này đến từ làn sóng nhập hàng dồn dập của các doanh nghiệp Mỹ trong giai đoạn hoãn áp thuế 90 ngày. Nhờ đó, thặng dư thương mại Việt – Mỹ trong tháng 6 đạt 12,1 tỷ USD – tăng 33,4%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu đạt 219,83 tỷ USD (+14,4%), với các nhóm hàng dẫn dắt gồm: đồ chơi & thể thao (+103,4%), điện tử – máy tính – linh kiện (+40%), và sản phẩm từ sắt thép (+31,6%). Ngược lại, một số mặt hàng chủ lực ghi nhận mức giảm mạnh như: sắt thép (-22,5%), chất dẻo nguyên liệu (-14%) và máy ảnh – thiết bị ghi hình (-12,8%).

Về thị trường, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 70,9 tỷ USD (+28,2%). EU và Trung Quốc lần lượt đạt 27,3 tỷ USD (+10%) và 29,1 tỷ USD (+4,2%).

MBS Kỳ vọng GDP năm 2025 sẽ tăng 7981 nhờ đẩy mạnh vốn đầu tư công và đầu tư tư nhân

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo đà tăng này có thể chững lại đáng kể trong nửa cuối năm, khi thỏa thuận thuế quan Việt – Mỹ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 8. Theo đó, hàng hóa xuất khẩu trực tiếp từ Việt Nam sẽ bị đánh thuế 20%, còn hàng hóa trung chuyển chịu thuế lên tới 40%. Đây là mức thuế thấp hơn so với các nước cạnh tranh trong khu vực, nhưng vẫn đủ để làm thay đổi chiến lược nhập khẩu của nhiều doanh nghiệp nước ngoài.

Thực tế, đơn hàng xuất khẩu đã liên tục giảm trong 8 tháng gần nhất (theo PMI tháng 6 của S&P), cho thấy những rào cản thuế quan đang dần ảnh hưởng đến niềm tin và kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, những điểm chưa rõ ràng về định nghĩa “hàng hóa trung chuyển” và quy định xuất xứ cũng sẽ cần thời gian để làm rõ, khiến các nhà nhập khẩu tạm thời trì hoãn các đơn hàng mới.

Do đó, MBS dự báo tăng trưởng xuất khẩu cả năm 2025 chỉ còn khoảng 9% – 10%, thấp hơn so với tốc độ tăng 14,4% trong 6 tháng đầu năm.

Dòng vốn FDI và đầu tư công tiếp sức mạnh mẽ cho nền kinh tế

Trong bức tranh tăng trưởng ấn tượng của nửa đầu năm 2025, dòng vốn đầu tư tiếp tục đóng vai trò là “bệ phóng” quan trọng, cả từ khu vực nước ngoài lẫn ngân sách trong nước.

Thống kê cho thấy trong tháng 6/2025, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới tăng vọt 41,9% so với cùng kỳ, trong khi vốn FDI giải ngân tăng 8,9%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, vốn FDI thực hiện đạt 11,7 tỷ USD – cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, phản ánh niềm tin dài hạn của nhà đầu tư quốc tế vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Dù tổng vốn đăng ký mới chỉ đạt 9,3 tỷ USD (giảm 9,6% svck), nhưng tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký (gồm cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần) đã đạt 21,52 tỷ USD – tăng mạnh 32,6% so với cùng kỳ năm trước.

MBS Kỳ vọng GDP năm 2025 sẽ tăng 7981 nhờ đẩy mạnh vốn đầu tư công và đầu tư tư nhân

Đáng chú ý, khu vực công nghiệp chế biến – chế tạo tiếp tục là “điểm đến vàng” của dòng vốn FDI, thu hút tới 9,56 tỷ USD, tương đương 81,6% tổng vốn đầu tư. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy Việt Nam vẫn giữ vững vị thế trung tâm sản xuất trong chuỗi cung ứng khu vực. Bên cạnh đó, bất động sản thu hút 932,2 triệu USD (chiếm 8%) và nhóm ngành năng lượng – phân phối điện, khí đốt, nước và điều hòa không khí – đạt 444,7 triệu USD (chiếm 3,8%).

Song song với FDI, đầu tư công cũng tăng tốc mạnh mẽ, tạo thêm động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Trong tháng 6, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước ước đạt 66.600 tỷ đồng (+23,8% svck). Tính chung 6 tháng đầu năm, con số này lên tới 291.100 tỷ đồng, hoàn thành 31,7% kế hoạch cả năm và tăng 19,8% so với cùng kỳ. Việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh xuất khẩu có thể chững lại do ảnh hưởng thuế quan được đánh giá là bước đi chiến lược, vừa thúc đẩy tăng trưởng ngắn hạn, vừa hỗ trợ phát triển hạ tầng trung – dài hạn.

Sự cộng hưởng giữa dòng vốn FDI chất lượng cao, tập trung vào lĩnh vực sản xuất và công nghệ, cùng với nguồn lực đầu tư công được đẩy mạnh, đang giúp Việt Nam xây dựng nền tảng vững chắc hơn cho tăng trưởng bền vững và khả năng chống chịu trước những rủi ro bên ngoài.

Lạm phát trong tầm kiểm soát, tác động từ giá thực phẩm và điện

Tháng 6/2025, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,48% so với tháng trước và 3,57% so với cùng kỳ – mức cao nhất trong vòng 5 tháng. Áp lực lạm phát chủ yếu đến từ ba nhóm: nhà ở và vật liệu xây dựng (+7,2% svck) do giá điện và vật liệu đầu vào tăng; thực phẩm (+3,2%) do giá thịt lợn tăng mạnh vì thiếu nguồn cung; và y tế (+13,6%) do điều chỉnh giá dịch vụ.

Dù CPI tháng 6 tăng nhanh, lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm vẫn được kiểm soát ở mức 3,3% – thấp hơn cùng kỳ năm 2024 (4,1%), nhờ giá xăng dầu giảm sâu (-12,6% svck). Lạm phát cơ bản trong cùng kỳ cũng chỉ tăng 3,1%.

MBS Kỳ vọng GDP năm 2025 sẽ tăng 7981 nhờ đẩy mạnh vốn đầu tư công và đầu tư tư nhân
Đóng góp của các nhóm hàng vào tăng trưởng CPI (%)

Trong phần dự báo, MBS nhận định CPI bình quân năm 2025 sẽ tăng khoảng 3,5% – thấp hơn mục tiêu kiểm soát lạm phát 4,5%–5% của Chính phủ. Triển vọng tích cực này dựa trên kỳ vọng giá dầu thế giới duy trì ở mức 70 USD/thùng (thấp hơn năm 2024), nguồn cung gạo dồi dào sau khi Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu, cùng với chính sách miễn học phí từ mầm non đến THPT áp dụng từ năm học 2025–2026.

Tuy vậy, áp lực vẫn hiện hữu khi giá thịt lợn tiếp tục tăng mạnh, giá điện có thể điều chỉnh thêm do chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, và giá thép dự kiến tăng khoảng 3% trước nhu cầu xây dựng lớn và các biện pháp chống bán phá giá. Rủi ro địa chính trị cũng có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng và đẩy giá hàng hóa tăng cao, gây lạm phát nhập khẩu.

Tổng thể, dù mặt bằng giá cả có xu hướng tăng nhẹ trở lại, lạm phát cả năm vẫn được đánh giá trong tầm kiểm soát nếu các yếu tố hỗ trợ tiếp tục được duy trì.

Đồng USD suy yếu toàn cầu nhưng không "hạ nhiệt" tỷ giá trong nước

Tháng 6/2025, tỷ giá USD/VND tiếp tục lập đỉnh mới, bất chấp đồng USD suy yếu mạnh trên thị trường quốc tế. Chỉ số DXY giảm 12% trong nửa đầu năm – mức giảm tệ nhất kể từ 1973 – do kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong quý III. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tỷ giá liên ngân hàng vẫn tăng 2,6% so với đầu năm, lên 26.118 VND/USD; trên thị trường tự do, giá USD vượt 26.400 VND.

Áp lực tỷ giá chủ yếu đến từ yếu tố nội tại. Nhu cầu ngoại tệ tăng mạnh do nhập khẩu gia tăng, trong khi xuất khẩu chững lại khiến thặng dư thương mại thu hẹp. Kho bạc Nhà nước tiếp tục mua vào USD với quy mô lớn, hút thanh khoản khỏi thị trường. Bên cạnh đó, chênh lệch lãi suất VND–USD nới rộng, dòng vốn FDI chững lại, và chênh lệch giá vàng trong nước – thế giới cũng góp phần gây căng thẳng tỷ giá.

MBS Kỳ vọng GDP năm 2025 sẽ tăng 7981 nhờ đẩy mạnh vốn đầu tư công và đầu tư tư nhân

Dù đồng USD được dự báo sẽ tiếp tục yếu đi trong nửa cuối năm 2025, nhất là khi Fed bước vào chu kỳ cắt giảm lãi suất (có thể về mức 4%), các yếu tố nội tại của nền kinh tế Việt Nam – từ chênh lệch lãi suất, cầu ngoại tệ tăng, nhập siêu, cho đến dòng vốn chờ đợi – đều đang góp phần đẩy tỷ giá tăng cao. Dự báo, tỷ giá trung bình cả năm 2025 sẽ dao động trong vùng 26.600 – 26.750 VND/USD, tương đương mức tăng khoảng 4,5% – 5% so với đầu năm.

Sự tăng vọt của tỷ giá VND/USD, nếu kéo dài, có thể ảnh hưởng đến chi phí nhập khẩu, giá đầu vào sản xuất và lạm phát trong nước. Tuy nhiên, nếu được kiểm soát tốt thông qua các công cụ điều hành như phát hành tín phiếu, can thiệp thị trường mở (OMO) và phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Nhà nước với Bộ Tài chính, tỷ giá có thể vẫn giữ trong ngưỡng ổn định vĩ mô. Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, giữ ổn định tỷ giá tiếp tục là một trong những ưu tiên lớn nhất để củng cố niềm tin vào nền tảng kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm.

Với nền tảng vĩ mô ổn định, sản xuất phục hồi rõ nét, xuất khẩu và tiêu dùng vẫn giữ được đà tăng cùng chính sách tiền tệ – tài khóa hỗ trợ mạnh mẽ, MBS cho rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để đạt tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 7,9% – 8,1%. Mặc dù xuất khẩu có thể chậm lại và tỷ giá còn nhiều thách thức, song những yếu tố bù đắp như giải ngân đầu tư công, thu hút FDI trong công nghiệp chế biến chế tạo, lãi suất thấp, cùng với sự phục hồi của tiêu dùng nội địa, sẽ tiếp tục là động lực then chốt để kinh tế Việt Nam giữ vững nhịp tăng trong nửa cuối năm.

Nguồn: https://baolamdong.vn/mbs-ky-vong-gdp-nam-2025-se-tang-7-9-8-1-nho-day-manh-von-dau-tu-cong-va-dau-tu-tu-nhan-384054.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm