Với nhiều người, đọc sách đôi khi chỉ là một sở thích hay thói quen sau những giờ làm việc mệt mỏi. Nhưng với chị Trần Ngọc Đan Thùy (41 tuổi, phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột) thì đó là hành trình tìm lại chính mình. Mỗi trang sách không chỉ mở ra tri thức mà còn giúp chị dần vượt qua những thăng trầm trong cuộc sống, tìm thấy sự bình yên và định hướng giữa những ngày chênh vênh.
“Tôi đã tiếp xúc với nhiều thể loại sách và có một tình yêu mãnh liệt với sách từ nhỏ. Lần đầu tiên tôi nhận ra sách đã giúp tôi vượt qua khó khăn là năm 22 tuổi, giữa lúc cuộc sống chất chồng áp lực từ vết nứt tình cảm thời sinh viên, cú sốc nghề nghiệp đầu đời đến khủng hoảng mơ hồ của tuổi trưởng thành, chính cuốn sách “Quẳng gánh lo đi và vui sống” của tác giả Dale Carnegie lại có thể âm thầm cứu rỗi tâm hồn tôi. Tôi đã đọc và nhận ra nỗi buồn nào rồi cũng sẽ trôi qua, điều quan trọng là học cách chọn lấy niềm vui dù bé nhỏ đến đâu. Đó là nguồn động lực để tôi buông bỏ những suy nghĩ tiêu cực và tiếp tục bước về phía trước”, chị Thùy tâm sự. Đối với chị, mê sách không chỉ là đắm mình trong con chữ mà là để sách sống trong tâm tưởng và hành động.
Đọc sách giúp chị Trần Ngọc Đan Thùy (phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột) mở ra những góc nhìn tích cực, thay đổi cuộc sống. |
Từ sau đó, những cuốn sách như “Đắc nhân tâm” của tác giả Dale Carnegie hay “Khi mọi điểm tựa đều mất” của tác giả Marci Shimoff và Carol Kline… đến với chị như những người bạn đồng hành, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Chúng đã mở ra một chân trời mới, giúp chị có thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức và ý chí lập nghiệp. Năm 2024, chị mạnh dạn thành lập Công ty Cổ phần Phụ nữ hạnh phúc Wedoo, không chỉ tổ chức các khóa học kỹ năng mềm mà đây còn là một cộng đồng phụ nữ cùng xây dựng cuộc sống hạnh phúc. Những thói quen như sống chậm, suy nghĩ tích cực, xây dựng cuộc sống kỷ luật, kỹ năng giao tiếp… được chị cùng các giảng viên, cộng sự kiến tạo như một “liệu trình tinh thần”, giúp phụ nữ chạm vào an yên trong đời sống thường nhật.
Để lan tỏa tình yêu sách, chị đã sắp xếp nhiều tủ sách tại quán chay nhỏ của gia đình. Khách đến quán đọc sách rồi để lại sách cũ khiến nơi đây trở thành một điểm hẹn của những trái tim yêu tri thức.
Không cần đến giảng đường lớn hay thư viện hiện đại, văn hóa đọc vẫn đang lan tỏa mạnh mẽ từ những hành động âm thầm nhưng bền bỉ trong cộng đồng.
Đơn cử như câu lạc bộ (CLB) Kết nối yêu thương (TP. Buôn Ma Thuột) nơi có nhiều hoạt động lan tỏa văn hóa đọc, kết nối cộng đồng, nâng đỡ ước mơ và góp phần nuôi dưỡng một xã hội tốt đẹp hơn. Chị Lê Như Huyền Trâm, Chủ nhiệm CLB Kết nối yêu thương chia sẻ: “Mục đích hoạt động của CLB là giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trẻ em. Không dừng lại ở việc tặng nhu yếu phẩm, tiền mặt, tôi luôn tin rằng tri thức mới chính chìa khóa mở ra con đường giúp các em thay đổi tương lai và việc đọc sách là con đường gần nhất để tiếp cận kho tàng ấy. Chính vì vậy, tôi đã cùng các thành viên CLB thực hiện nhiều chương trình ý nghĩa nhằm lan tỏa văn hóa đọc”.
Từ đầu năm 2020, CLB đã đẩy mạnh phong trào quyên góp nhiều thể loại sách, đặc biệt là sách giáo khoa cho học sinh vùng sâu, vùng xa. Hưởng ứng phong trào, đông đảo học sinh, sinh viên, giáo viên, người dân… trên cả nước đã ủng hộ hàng nghìn đầu sách. Sau khi phân loại, sách được chuyển tới các thư viện cộng đồng, trường học vùng sâu, sân chơi thiếu nhi… Mới đây, CLB đã triển khai hoạt động “Chiến binh đọc sách” với mục đích khơi gợi tình yêu sách, rèn luyện tư duy, kỹ năng giao tiếp, trình bày thông qua việc ghi lại nhật ký đọc, chia sẻ cảm nhận và rèn luyện thói quen đọc mỗi ngày bằng video.
Chiến dịch thu gom sách của CLB Kết nối yêu thương thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia. |
Chị Phạm Thị Mai Hương (26 tuổi), thành viên CLB bộc bạch: “Lúc nhỏ, tôi từng sống ở xã vùng sâu, nơi sách truyện gần như là điều xa xỉ. Khi lớn lên, tôi may mắn có cơ hội được tiếp cận tri thức. Từ đó, tôi luôn mong những đứa trẻ như mình ngày trước sẽ có cơ hội đọc sách dễ dàng hơn. Việc tham gia CLB đã giúp tôi làm được điều đó. Khi nhìn ánh mắt háo hức của các em lúc chạm vào trang giấy, tôi biết dù chỉ là một cuốn sách nhỏ nhưng nó có thể mở ra cả một thế giới trong tâm trí các em”.
Hay như nhiếp ảnh gia Helena Vân, tác giả cuốn sách ảnh "Làng nghề truyền thống Việt Nam", với tâm huyết gìn giữ văn hóa đọc qua nhiếp ảnh, mỗi cuốn sách ảnh phát hành đến độc giả sẽ được trích một phần kinh phí để hỗ trợ các CLB và đơn vị xây dựng tủ sách miễn phí. Tại Đắk Lắk, chị đã đồng hành cùng Công ty TNHH Bồ Công Anh để hỗ trợ kinh phí xây dựng tủ sách cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng sân chơi cầu vồng… với mong muốn mang tri thức đến với các em nhỏ.
Bên cạnh đó, chị Vân còn tổ chức các buổi đọc sách tương tác, nơi các em được nghe kể chuyện và chia sẻ ước mơ, tạo nên không gian vui tươi và gần gũi, khơi dậy niềm yêu thích đọc sách. Dự án mang ý nghĩa sâu sắc, giúp trẻ em vùng khó khăn mở rộng tầm nhìn, nuôi dưỡng tình yêu với sách và bảo tồn giá trị văn hóa qua những trang sách. “Mỗi cuốn sách trao đi là một hạt giống tri thức. Có thể chúng ta không nhìn thấy ngay kết quả nhưng chắc chắn ở đâu đó, một đứa trẻ đang lớn lên với niềm tin rằng tri thức có thể thay đổi cuộc đời”, chị Vân chia sẻ.
Từ những hành động nhỏ, văn hóa đọc dần lan tỏa. Không cần lời hô hào rầm rộ, mỗi cuốn sách đến tay người cần là một minh chứng cho sức mạnh của cộng đồng và tinh thần sẻ chia tri thức. Vì thế, đọc sách không chỉ là hành động cá nhân mà còn là một phong trào, một dòng chảy nhân văn đang được lan tỏa và lớn dần lên từng ngày.
Nguồn: https://baodaklak.vn/xa-hoi/202505/me-sach-khong-chi-la-doc-a8d1160/
Bình luận (0)