Nó là sản phẩm quan trọng làm nên tập quán, văn hóa ẩm thực của các dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu, Bru - Vân Kiều...; là thức uống không thể thiếu của đồng bào trong các lễ hội truyền thống.
Cây tơr’đin thuộc họ cau, có tên khoa học là Caryota urens, thường mọc ở nơi có độ cao từ 1.000 m (so với mực nước biển) trở lên, thích hợp với môi trường ẩm ướt, râm mát. Loài cây này phân bố ở những cánh rừng già, khe suối. Khi trái chín rụng xuống, mưa rừng, lũ núi hay chim, thú ăn trái, vô tình di chuyển chúng đi xa và mọc lên những cây con.
Cây có thể cao đến 10 – 15 m, đường kính thân 40 – 50 cm; bẹ lá xòe ra xung quanh, lá kép lông chim, xẻ tùy hình tam giác, hình răng cưa không đều. Đến khoảng 10 năm tuổi cây sẽ ra buồng. Một cây tơr’đin thường ra 4 - 5 buồng trong 4 - 5 năm. Mỗi năm ra một buồng, mỗi buồng có hàng vạn trái, mỗi trái thường có 1 - 2 hạt. Quả nhỏ hình cầu lõm, giống quả cau tây, màu đỏ nâu khi chín. Buồng quả thõng xuống, dài 2 - 3 m.
Muốn lấy rượu thì đợi lúc cây ra buồng nhưng chưa nở hoa. Trước tiên, đồng bào phải quan sát xem cây nào có thể lấy nước được. Thường trên ngọn cây có một đọt nhỏ, nhọn nhô lên, nếu nó không nở ra thành mấy nhánh nhỏ thì có thể lấy nước.
Đục vào thân cây tơr’đin để lấy nước. |
Để lấy nước tơr’đin, đồng bào làm cái giàn vững chắc và bắc thang trèo lên, lấy dao đục vào dọc theo thân cây, sát cuống buồng quả. Lúc đọt cây nhú lên ngang bằng lá già thì đục vào cây mới có nước. Chừng 3 - 4 ngày sau thấy có nước trăng trắng, sền sệt thì dấu hiệu cây bắt đầu ra nước. Người ta lấy ống tre hoặc cái can nhỏ hứng phía dưới để lấy rượu tơr’đin. Cái máng nhỏ đặt từ chỗ đục thân cây đến ống để dẫn dòng nước rỉ ra. Trong ống đã bỏ sẵn vỏ cây apăng - cùng họ với cây bứa để lên men rượu. Việc cắt đọt phải tiến hành thường xuyên. Mỗi lần cắt xong thì đọt bên trong thân cây nhô lên một ít. Mỗi ngày một lần đồng bào đến cắt và lấy nước tơr’đin về uống. Nếu cắt hai lần trong một ngày thì nước ra nhiều hơn nhưng nó cũng hết nhanh hơn. Khi có lễ hội hoặc khách quý đến thăm nhà, bản làng thì đồng bào đi vào rừng cắt và lấy nước hai lần trong ngày mới có lượng rượu dồi dào để tiếp đãi.
Mỗi gia đình chọn một vài cây tơr’đin làm dấu sở hữu riêng, cây của ai người nấy thu hoạch, tuyệt đối không tranh giành nhau. Rượu tơr’đin được uống ở nhà, ở rẫy, ở nhà làng (gươl), uống khi rảnh rỗi và uống trong các đám cưới, đám ma… Là loại rượu không thể bảo quản lâu và mang đi xa nên chủ yếu dùng tại chỗ, có được bao nhiêu rượu là đem mời nhau cùng thưởng thức. Trong làng, cây nào cho rượu ngon, dồi dào thì cả làng đều biết. Mời đãi nhau uống “rượu trên cây” trở thành một tục lệ đẹp, thể hiện rõ nét nhất tinh thần chia ngọt sẻ bùi, gắn kết cộng đồng của đồng bào các dân tộc thiểu số. Mỗi lần được mời uống rượu cũng là lúc bà con xóm giềng gặp gỡ, thăm hỏi, chuyện trò để biết thêm tình cảnh gia đình, những khó khăn của mỗi nhà mà tìm cách giúp đỡ nhau.
Vũ điệu Da dá của thiếu nữ Cơ Tu dưới tán lá tơr’đin. |
Men rượu từ thiên nhiên đại ngàn thơm thảo, nồng nàn chẳng những giúp cho cơ thể có thêm sức vóc mà còn rót vào lòng người những tình cảm cao quý, thấm đẫm chất nhân văn. Ngày nay, đồng bào đã biết cách chưng cất, bảo quản, có thể để được lâu ngày, biến rượu tơr’đin thành đặc sản núi rừng, phục vụ nhu cầu thưởng thức của người dân và du khách.
Tấn Vịnh
Nguồn: https://baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202507/men-nong-tordin-tren-dinh-truong-son-72a104a/
Bình luận (0)