Chăm sóc sức khỏe cơ bản cho người dân
Cách đây vài ngày, anh C.V.L. (38 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) được chuyển từ tuyến dưới lên Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng suy thận cấp biến chứng, được chỉ định phải lọc máu. Vợ anh L. cho biết, hai vợ chồng là lao động tự do nên không mua bảo hiểm y tế (BHYT), hoàn cảnh gia đình khó khăn, hai con thì đang tuổi ăn, tuổi học.
“Chồng tôi bệnh nặng, phải dùng thuốc đắt tiền, kỹ thuật chuyên sâu nên viện phí rất lớn. Bệnh tật không ai mong muốn, nếu mắc phải rất dễ trở nên khánh kiệt. Nhà nước nay có chủ trương miễn viện phí cho người dân, tôi thấy điều đó quá tốt đẹp, thể hiện sự nhân văn rất lớn của đất nước ta”, vợ anh L. bày tỏ.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hà (65 tuổi, ngụ tỉnh Hà Nam) cho biết, bà bị tắc mạch vành và được bệnh viện tuyến dưới chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Bà có thẻ BHYT nhưng không phải tất cả mọi chi phí chữa bệnh đều được BHYT chi trả, tiền mua thêm thuốc men cũng tốn kém tới cả chục triệu đồng, chưa kể chi phí đi lại, ăn uống, sinh hoạt trong thời gian nằm viện. Với chính sách mới, bà kỳ vọng chi phí khám chữa bệnh sẽ giảm được phần nào.
Theo PGS-TS-BS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện là đơn vị y tế tuyến cuối hạng đặc biệt và chuyên điều trị các ca bệnh nặng nên hàng ngày, số lượng người bệnh đến khám, điều trị rất lớn, thậm chí có những thời điểm lên tới 10.000 người/ngày.
Trong số này, có không ít người bệnh ở vùng sâu, vùng xa, người nghèo nên chi phí điều trị, sinh hoạt của người bệnh là gánh nặng lớn. Vì vậy, chủ trương về việc khám sức khỏe định kỳ cho nhân dân ít nhất mỗi năm một lần và tiến tới miễn viện phí toàn dân là rất đúng đắn.
Tuy nhiên, để thực hiện được việc miễn viện phí, chăm sóc sức khỏe toàn dân thì trước tiên phải đầu tư y tế cơ sở, làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc sức khỏe cơ bản. Bên cạnh đó, cần quy hoạch mạng lưới các cơ sở y tế lớn, chuyên sâu, đặc biệt chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Giai đoạn này chúng ta sắp xếp lại các đơn vị hành chính, tiến tới không tổ chức cấp quận, huyện. Đây là cơ hội để chúng ta tập trung nguồn lực và tổ chức lại hệ thống y tế cơ sở gắn với dân, gần dân nhất, BS Đào Xuân Cơ chia sẻ.
Thí điểm một số chính sách
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo để báo cáo Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; trong đó đề xuất nhiều giải pháp chăm sóc sức khỏe nhân dân, tiến tới miễn viện phí cho tất cả người dân.
Đồng thời, Bộ Y tế đang xây dựng để ban hành các thông tư quy định danh mục, tỷ lệ, mức và điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế, thuốc, thiết bị y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT; trong đó quy định tăng tỷ lệ, mức thanh toán một số thuốc, thiết bị y tế theo hướng miễn phí cho một số đối tượng, đặc biệt là các đối tượng chính sách.
Về lộ trình thực hiện, từ năm 2026-2030, Bộ Y tế nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện thí điểm một số chính sách, như: mở rộng quyền lợi gói dịch vụ y tế cơ bản tăng lên 20%-30% mức lương cơ sở (hiện nay là 15%), đồng thời Bộ Y tế đề xuất sửa đổi toàn diện Luật BHYT.

Theo các chuyên gia y tế, để đạt được mục tiêu miễn viện phí toàn dân, phải dựa vào các nguồn lực: Quỹ BHYT, ngân sách nhà nước, xã hội hóa. Đi kèm các nguồn lực này, đòi hỏi phải tiếp tục đẩy nhanh thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Cùng với đó, phải có cơ chế quản lý chặt chẽ hoạt động khám chữa bệnh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng Quỹ BHYT. Bộ Y tế cũng cần sớm ban hành gói chăm sóc y tế cơ bản, đây là dịch vụ thiết yếu để chăm sóc sức khỏe cho người dân theo quy định của Luật BHYT mà đến nay chưa có.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH), đến nay, cả nước có trên 94% dân số tham gia BHYT và 95% số giường bệnh BHYT là ở các bệnh viện công. Cơ quan BHXH cũng đã ký hợp đồng tổ chức hệ thống khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập, khoảng 13.000 cơ sở khám chữa bệnh để người dân có thể tiếp cận các dịch vụ y tế.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết, mức chi trả BHYT và Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được Quỹ BHYT chi trả ngày càng được mở rộng, nhiều loại thuốc đắt tiền, vật tư thay thế hiện đại để điều trị các bệnh hiểm nghèo cũng được đưa vào danh mục chi trả của BHYT...
“Tổng Bí thư đã đề cập đến lộ trình, từ nay đến năm 2030, chúng ta thực hiện miễn viện phí. Trên thực tế, chúng ta đang đi đúng hướng, đúng lộ trình, đó là tiến tới BHYT toàn dân. BHYT là một trong những trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội. Chủ trương miễn viện phí và mọi người dân đều có thẻ BHYT để được tiếp cận, tham gia, thụ hưởng dịch vụ khám chữa bệnh thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân”, ông Nguyễn Đức Hòa nhận xét.
PGS-TS-BS ĐỖ VĂN DŨNG - nguyên Trưởng Khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TPHCM:
Phát triển từng bước
Miễn viện phí toàn dân là chủ trương rất tiến bộ, nhân văn, đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, không chỉ đem lại công bằng, hạnh phúc cho người dân mà còn giúp Việt Nam trở thành quốc gia phát triển về mặt kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc miễn viện phí toàn dân là mục tiêu cần có thời gian dài để thực hiện, phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế - xã hội ổn định và bền vững.
Ngay từ bây giờ, chúng ta đã hoàn toàn có thể, và nên bắt đầu bằng cách miễn, giảm viện phí cho những người thuộc diện đặc biệt khó khăn. Nếu chưa thể miễn viện phí toàn dân, trước hết nên miễn và bỏ yêu cầu đồng chi trả với người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thông qua hỗ trợ mua BHYT và sử dụng ngân sách chi trả phần còn lại.
Ông NGUYỄN KHẮC PHƯƠNG - đường Ni Sư Huỳnh Liên, phường 10, quận Tân Bình, TPHCM:
Mong chờ và kỳ vọng
Việc miễn viện phí sẽ xóa bỏ gánh nặng tài chính, giúp mọi người dân được tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản mà không phải đắn đo. Đó cũng chính là lý do đông đảo người dân hết sức mong chờ và kỳ vọng vào chính sách nhân văn này.
Đây là quyết sách mang tính bước ngoặt nhằm tăng cường phúc lợi xã hội, mở ra nhiều cơ hội chăm sóc sức khỏe cho mọi tầng lớp nhân dân; đồng thời là minh chứng cho sự chuyển mình mạnh mẽ trong tư duy điều hành đất nước, mà ở đó con người được đặt vào trung tâm.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/mien-vien-phi-toan-dan-hien-thuc-hoa-chinh-sach-an-sinh-post794971.html
Bình luận (0)