ĐÀO ĐẸP TRẺ MĂNG VÀ TÀI NĂNG NHÍ
Đó là Hồng Quyên, Tú Quyên (con của Tú Sương), đã lên sân khấu từ hồi tiểu học, nay trở thành thiếu nữ, có thể diễn những vai phụ trong nhiều vở, như vai công chúa Thanh Long trong Phàn Lê Huê phá trận ngũ long, vai bé Như trong vở Đời như ý… Mới đây, hai em đã xuất hiện trong vai hầu cận của Thượng Dương hoàng hậu (vở Câu thơ yên ngựa).
Có vẻ Hồng Quyên tố chất sân khấu đậm hơn, hiện em đang là sinh viên Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, quyết tâm theo nghề của gia tộc. Còn Tú Quyên vừa đi diễn vừa kinh doanh. Hai em đều có sắc vóc đẹp, giọng ca tốt, vũ đạo cũng được mẹ và cô chú anh chị trong gia tộc huấn luyện kỹ lưỡng. Hy vọng hai em sẽ trở thành hai cô đào đẹp vững vàng của thế hệ thứ 6.
Bé Kim Thư và Thu Trang trong phim Nắng
ẢNH: ĐPCC
Đặc biệt, bé Kim Thư (con của Ngọc Nga) thì nổi tiếng từ rất sớm. Mới 4 tuổi, nhân một dịp tình cờ đi theo mẹ làm trang điểm cho sân khấu Thế Giới Trẻ, bé lọt vào mắt xanh các nghệ sĩ trong vở Chuyện tình Bangkok, khiến họ "đẻ" thêm nhân vật thiếu nhi để kéo Kim Thư ra diễn. Sau đó, bé đi casting và được đạo diễn Dustin Nguyễn mời đóng phim điện ảnh Vé số. Rồi bé xuất hiện trong chương trình Vietnam's Got Talent đầy ấn tượng. Đến năm 7 tuổi, Kim Thư "đốn tim" khán giả trong vai bé Nắng (phim Nắng). Chưa kể hàng loạt trích đoạn cải lương trên YouTube có Kim Thư làm mọi người vô cùng thú vị.
Kim Thư diễn vừa hồn nhiên, chân thật, vừa sinh động, thông minh, đôi khi dám biến tấu cả kịch bản, và đặc biệt diễn bi hoặc độc lẳng đều được. Hiện tại khẳng định thì hơi sớm, nhưng rõ ràng người ta có thể hy vọng về một tài năng bẩm sinh.
ÔNG BẦU TRẺ ĐA NĂNG
Nếu kể thêm Lê Nguyễn Trường Giang (cháu gọi NSƯT Trường Sơn là cậu ruột), thì gia tộc Minh Tơ có thêm một hậu duệ bản lĩnh. Trường Giang từ nhỏ đã sống cùng cha mẹ trong không gian của đoàn Minh Tơ, 3 tuổi đã múa hát theo tiếng đàn của cha, lớn lên học Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, rồi lang bạt theo các đoàn phim, thử đóng tất cả các loại vai, từ phản diện, bụi đời, giang hồ, tới thư sinh, hiền lành, cá tính… Với vốn sống đó, khi Trường Giang đứng ra thành lập sân khấu riêng và "làm bầu" thì anh đã có khá nhiều kinh nghiệm.
Lê Nguyễn Trường Giang và Thanh Thảo trong vở Bảo Túy Anh lập hội kỳ bàn
ẢNH: H.K
Có thể nhắc một sự kiện thúc đẩy Trường Giang lập sân khấu, đó là năm 2017 anh đoạt Quán quân chương trình Sao nối ngôi, được khán giả yêu mến. Anh đã dũng cảm đưa cải lương lên web drama, được người xem hoan nghênh nhiệt liệt. Từ thế giới mạng, Trường Giang đem cải lương ra sân khấu thực, trở thành "ông bầu" trẻ và táo bạo. Anh có thêm biệt tài là có thể viết ca cổ, viết kịch bản, dàn dựng, biểu diễn đủ các loại vai mùi, độc, chính diện, phản diện…
Nghệ thuật dàn dựng của Trường Giang rất hiện đại, đầy màu sắc, sinh động, tiết tấu nhanh, chinh phục khán giả qua nhiều vở như Bảo Túy Anh lập hội kỳ bàn, Máu loang Lộc Đài thành, Bạch Xà đáo địa ngục môn, Oán khí Bích Vân cung, Phàn Lê Huê phá ngũ long trận, Yên Đan thất thủ Dịch Thủy Giang…
Trường Giang tâm sự: "Tôi và nhiều bạn bè đồng nghiệp lớn lên trong giai đoạn cải lương đang khó khăn nên không dễ tìm được nơi biểu diễn, thì thôi tự mình thử lăn vào sản xuất, để có đất cho mình làm nghề. Khó trăm bề chứ không đơn giản, mở màn bán vé có khi lời, khi lỗ, nhưng tôi không muốn bỏ cuộc". Thật sự những vở anh đầu tư đều khá hoành tráng, tốn kém, cho thấy tuổi trẻ có sự sung sức, dũng cảm đáng khâm phục.
Điều mong chờ hơn nữa ở Trường Giang là việc anh đầu tư cho các vở sử Việt. Trường Giang thẳng thắn nói: "Đó là điều tôi mơ ước, bởi gia tộc Minh Tơ đã có nhiều vở sử rất tốt. Nhưng do tôi mới bước vào dàn dựng và sản xuất, cần rèn luyện cho vững, trong khi truyện Tàu thì đã có sẵn với nội dung phong phú, nhiều chi tiết hấp dẫn, mình viết kịch bản có hư cấu bao nhiêu cũng không sợ bị "soi". Còn sử Việt phải rất cẩn thận trong viết và dựng vì người ta hay so sánh với chính sử. Vì vậy, tôi cần thời gian để vững tay nghề".
Trong năm nay, Trường Giang sẽ ra mắt vở Truyền thuyết phụng hoàng, nói về Hai Bà Trưng giai đoạn sau khi chiến thắng thành Luy Lâu được nhân dân tôn vương, cai quản vùng đất Lĩnh Nam, rồi tiếp tục chiến đấu với Mã Viện và tuẫn tiết trên sông Hát. Kịch bản cũng do Trường Giang viết. Anh nói: "Vở Tiếng trống Mê Linh quá hay, nhưng chỉ đến giai đoạn khởi nghĩa, tôi muốn làm tiếp cho trọn cuộc đời Hai Bà Trưng để hiện lên một chân dung vĩ đại". (còn tiếp)
Nguồn: https://thanhnien.vn/minh-to-co-xuat-hien-the-he-thu-6-18525072222300506.htm
Bình luận (0)