Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm giả trên cả nước

(Chinhphu.vn) - Triển khai công điện số 65/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đề nghị các địa phương mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn hàng giả là thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, thiết bị y tế, hoá chất... từ ngày 15/5 đến 15/6.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ18/05/2025

Mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm giả trên cả nước- Ảnh 1.

Phát hiện vụ việc có dấu hiệu sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả tại Bắc Giang

Chỉ trong vòng 1 tháng gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến xử lý các vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả, đồng thời nhấn mạnh các cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả (Công điện số 40/CĐ-TTg ngày 17/4/2025, số 41/CĐ-TT ngày 17/4/2025 và số 55/CĐ-TTg ngày 2/5/2025).

Mới đây, ngày 15/5, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành công điện số 65/QĐ-TTg về việc mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Để triển khai thực hiện Công điện này, ngày 17/5, Bộ Y tế có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh, thành phố mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ ngày 15/5 đến 15/6/2025 đối với các sản phẩm thuốc, thuốc có nguồn gốc từ dược liệu, mỹ phẩm, thực phẩm, thiết bị y tế, hóa chất diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế.

Các địa phương có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Y tế trước ngày 20/6 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt và hiệu quả Công điện số 40/CĐ-TTg về xử lý vụ việc sản xuất, phân phối sữa giả, số 41/CĐ-TTg về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và công điện số 55/CĐ-TTg về tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả; các công văn của Bộ Y tế về tăng cường công tác đấu tranh phòng chống thuốc giả, sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.

Mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm giả trên cả nước- Ảnh 2.

Thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả bị Công an Hà Nội khám xét

Công chức, viên chức chịu trách nhiệm pháp lý, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chịu trách nhiệm toàn diện nếu để xảy ra sai phạm

Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị các địa phương phối hợp với Bộ Y tế triển khai thực hiện đúng tiến độ, hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 614/KH-BYT ngày 13/5/2025 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc triển khai các công điện trên tại địa bàn tỉnh, thành phố.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm việc buôn bán, kinh doanh thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ; tập trung đấu tranh phòng chống các loại tội phạm có tổ chức, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong phòng chống tội phạm và tội phạm có tổ chức.

Siết chặt công tác quản lý các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực y tế trên địa bàn, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm, dấu hiệu tội phạm để có biện pháp phối hợp với các đơn vị chức năng truy tìm tận gốc, nhằm ngăn chặn, xử lý và kiến nghị khởi tố trong trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan phổ biến và yêu cầu các nhà khoa học, nhà quản lý của ngành y tế ký cam kết không quảng cáo, giới thiệu thông tin sai lệch, thiếu cơ sở, căn cứ khoa học, phóng đại tính năng, công dụng của sản phẩm khi chưa xác minh kỹ tài liệu pháp lý liên quan đến sản phẩm; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có hành vi quảng cáo gian dối.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phổ biến tới toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm kỷ luật công vụ, các quy chế, quy định, quy trình công tác; nâng cao trách nhiệm, đạo đức, ý thức công vụ; tuyệt đối không chịu tác động, ảnh hưởng, không lợi ích nhóm trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc thẩm định, cấp giấy phép hoạt động, công bố sản phẩm trong lĩnh vực y tế trên địa bàn. 

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đột xuất việc thực hiện các quy định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, bao che, dung túng theo quy định của pháp luật.

Công chức, viên chức chịu trách nhiệm pháp lý nếu để xảy ra sai phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng sản xuất, kinh doanh, buôn bán thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm, thiết bị y tế giả trên địa bàn.

Thành lập Tổ công tác của Chính phủ

Ngày 17/5, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cũng đã ký Quyết định số 950/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (Tổ công tác). 

Tổ trưởng Tổ công tác là Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Các Tổ phó Tổ công tác là các Ủy viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia gồm: Đồng chí Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính; đồng chí Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Theo Quyết định, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ công tác là chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng triển khai, thực hiện Công điện số 65/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về mở đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Chỉ đạo việc kiểm tra, kiến nghị xử lý các tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, tiêu cực, buông lỏng quản lý, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng liên quan cung cấp thông tin về tình hình, kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý; tài liệu vụ việc vi phạm khi cần thiết.

Tiến hành tổng kết, đánh giá công tác triển khai, thực hiện công điện; đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả.

Thuý Hà




Nguồn: https://baochinhphu.vn/mo-dot-tan-cong-cao-diem-dau-tranh-ngan-chan-thuoc-my-pham-thuc-pham-gia-tren-ca-nuoc-102250518073920097.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập
Khám phá vùng savan ở Vườn quốc gia Núi Chúa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm