
Cú hích từ mở đường
Sau nhiều năm huy động các nguồn lực tập trung mở đường giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang và phát triển đô thị, đến tháng 6-2025, thành phố có tổng cộng 74 cầu có chiều dài hơn 25m với tổng chiều dài 14,9km (chưa tính các cầu trên đường cao tốc); có 2.498 tuyến đường với tổng chiều dài 1.458km.
Trong đó, đường đô thị có tổng chiều dài 1.109km (chưa kể có 2.446km đường kiệt, hẻm và đường giao thông nông thôn khác). Từ nguồn vốn đầu tư của Trung ương và địa phương, các tuyến giao thông chính được cải tạo, mở rộng, nâng cấp như: các tuyến quốc lộ 1A, 14B, 14G, tỉnh lộ ĐT 605, trục đường Yết Kiêu - Ngô Quyền - Ngũ Hành Sơn - Lê Văn Hiến - Trần Đại Nghĩa - Trần Hưng Đạo - Trần Thủ Độ (tỉnh lộ ĐT 607); tuyến đường sắt Bắc - Nam; cảng biển Tiên Sa, Chu Lai; sân bay Đà Nẵng, Chu Lai.
Cùng với đó, mở mới nhiều trục đường bộ kết nối như: đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, trục đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa - Lạc Long Quân (ĐT 603B), đường ĐH 4 và đường phục vụ vận hành các đập dâng thuộc hệ thống thủy lợi An Trạch, cầu Quảng Đà, cầu Cẩm Lý...
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và nông nghiệp Đà Nẵng Phan Trọng Tài chia sẻ, trong 28 năm qua, đơn vị được thành phố giao triển khai đầu tư, xây dựng, nâng cấp các công trình giao thông tại tỉnh Quảng Nam từ nguồn kinh phí hỗ trợ của thành phố Đà Nẵng.
Bên cạnh cầu Quảng Đà và đường dẫn đầu cầu với tổng mức đầu tư hơn 274,7 tỷ đồng được thông xe kỹ thuật vào ngày 27-3-2025, năm 2012, thành phố đã hỗ trợ hơn 13,6 tỷ đồng cùng 18 dầm cầu được tháo dỡ từ cầu Trần Thị Lý cũ để xây dựng hoàn thành cầu Cẩm Lý bắc qua sông Yên.
Từ năm 2014 đến 2015, thành phố hỗ trợ gần 20,3 tỷ đồng đầu tư nâng cấp đường ĐT 605 đoạn Điện Hòa - Điện Tiến (từ Km5+693,71 đến Km8+543,9) với tổng chiều dài 2,357km, gồm 2 đoạn có bề rộng lòng đường 15m và 7m.
Từ năm 2016-2020, thành phố tiếp tục hỗ trợ hơn 55,2 tỷ đồng đầu tư nối dài đường Mai Đăng Chơn, đoạn từ phía nam Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng (cơ sở 2) đến đường Phạm Như Xương với tổng chiều dài 1,392km, lòng đường rộng 15m, vỉa hè mỗi bên rộng 5m. Ngoài ra, thành phố còn hỗ trợ đầu tư xây dựng một công trình giao thông ở Điện Tiến.
Hiện nay, đơn vị đang phối hợp triển khai dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò. Những công trình này không chỉ giúp kết nối giao thông, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mà còn góp phần thu hút đầu tư, du lịch, mở rộng không gian đô thị, phát triển logistics, kinh tế - xã hội.
Trên thực tế, trong quá trình phát triển, những năm qua không gian đô thị và không gian kinh tế của Đà Nẵng luôn mở rộng không ngừng. Liên kết trong quy hoạch hạ tầng giao thông, đô thị đã tạo không gian đô thị đồng bộ, hiện đại để phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực mở rộng ra ngoài Đà Nẵng. Thành phố là đô thị hạt nhân của chuỗi đô thị Huế - Đà Nẵng - Chu Lai, Kỳ Hà - Dung Quất (Vạn Tường) - Quy Nhơn.
Những động lực phát triển mới cho Đà Nẵng
Cách đây hơn 1 tháng, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành quyết định thành lập tổ công tác nghiên cứu, đề xuất đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị kết nối Đà Nẵng - Quảng Nam.

Trước đó, thành phố kêu gọi đầu tư dự án tàu điện từ trung tâm thành phố Đà Nẵng đến Hội An có tổng vốn đầu tư dự kiến từ 7.497 tỷ đồng đến 14.995 tỷ đồng.
UBND tỉnh Quảng Nam (cũ) cũng ban hành danh mục dự án thu hút đầu tư, ưu tiên thu hút đầu tư năm 2025, trong đó, kêu gọi đầu tư 2 dự án đường sắt đô thị kết nối Hội An - Đà Nẵng và Chu Lai - Đà Nẵng. Hai tuyến đường sắt đô thị này được kỳ vọng đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa chuỗi đô thị động lực Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An - Duy Hải - Tam Kỳ - Núi Thành.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc luân chuyển hàng hóa, dịch vụ, lao động; thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng; hình thành các đô thị vệ tinh xung quanh các nhà ga, tạo ra mạng lưới đô thị phát triển đồng đều và bền vững.
Đặc biệt, dự án đường sắt đô thị Đà Nẵng - Hội An có điểm đầu tại đường Trường Sa chạy dọc theo trục tỉnh lộ ĐT 603B đến điểm cuối tại khu vực bến xe Hội An (đường Hai Bà Trưng), đã được tích hợp vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của cả thành phố Đà Nẵng (cũ) lẫn tỉnh Quảng Nam (cũ) để tạo động lực phát triển mới.
Trước thời điểm hợp nhất thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã diễn ra các sự kiện khởi động những động lực phát triển mới. Thành phố tổ chức lễ công bố Quyết định số 1142/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng có tổng diện tích 1.881ha, được chia thành 7 khu vực với các chức năng chính bao gồm: sản xuất, logistics, thương mại - dịch vụ, công nghệ số, công nghệ thông tin và đổi mới sáng tạo.
Tỉnh Quảng Nam thông qua quy hoạch phân khu Khu phi thuế quan gắn với cảng Tam Hòa (thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai) có 3 khu vực trọng tâm với tổng diện tích 744ha gồm: trung tâm hành chính, thương mại, dịch vụ với các công trình công cộng, khách sạn, trung tâm thương mại; tổ hợp công nghiệp, kho tàng và bến bãi; cảng và khu hậu cần logistics. Đáng chú ý, ngày 27-6, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội (khóa XV) đã thông qua nghị quyết về Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng.
Để tạo dấu ấn, động lực phát triển mới về không gian đô thị, kinh tế - xã hội, thành phố đang nghiên cứu ý tưởng lấn biển tại vịnh Đà Nẵng với quy mô gần 1.500ha gồm nhiều hòn đảo nhân tạo, tạo ra thêm khoảng 48km đường biển mới, để hình thành một đô thị mới với các chức năng của khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế gắn với dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, mua sắm đẳng cấp.
Trong đó, thành phố dự kiến bố trí khoảng 350ha trong tổng số 1.500ha lấn biển để phát triển các khu nhà ở chuyên gia cao cấp, khu phức hợp văn phòng của các tổ chức ngân hàng, bảo hiểm, văn phòng khu vực của các tập đoàn quốc tế... phục vụ, cung cấp các dịch vụ tài chính thương mại, kết nối phát triển với Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Để thực hiện ý tưởng nói trên, UBND thành phố sẽ tiến hành bổ sung quy hoạch khu lấn biển tại vịnh Đà Nẵng trong quá trình điều chỉnh Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gắn với việc thành lập Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng.
Thành phố tiếp tục thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội gắn với quy hoạch đô thị trước đây của mỗi địa phương mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt để bảo đảm sự ổn định trong phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội cũng như điều chỉnh những khác biệt và khớp nối để hợp nhất các quy hoạch nhằm hướng đến mục tiêu phát nhanh và bền vững.
Nguồn: https://baodanang.vn/mo-rong-khong-gian-do-thi-co-so-ha-tang-va-kinh-te-da-nang-3264728.html
Bình luận (0)