Là doanh nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm quần áo đồng phục cho doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, từ năm 2023 đến nay, Công ty TNHH Minh Minh Hiếu ASIA, phường Đống Đa (Vĩnh Yên) đã thu hẹp mặt bằng kinh doanh và đẩy mạnh quảng bá, phân phối sản phẩm trên nhiều nền tảng mạng xã hội.
Anh Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc công ty cho biết: Trước đây, anh thuê 3 cửa hàng kinh doanh quần áo đồng phục, mỗi tháng, chi phí hơn 30 triệu đồng tiền thuê mặt bằng, chưa kể điện, nước, thuê nhân viên, nhưng lượng khách ngày càng ít.
Trước tình trạng kinh doanh ế ẩm, anh đã trả mặt bằng 2 cửa hàng và chuyển sang bán hàng kết hợp giữa kinh doanh truyền thống và thương mại điện tử trên Facebook, Zalo, TikTok, website; thường xuyên livestream bán hàng, giới thiệu sản phẩm. Ngoài ra, để tăng tương tác, anh giảm giá từ 10-20% cho khách hàng khi có đơn tại phiên livestream.
Bình quân, mỗi tháng, công ty cung cấp 1.000 sản phẩm đồng phục cho các công ty, doanh nghiệp, các nhóm lớp, cá nhân, trong đó hơn 70% số lượng sản phẩm được tiêu thụ thông qua hoạt động thương mại điện tử.
Theo khảo sát, 85% người tiêu dùng bị thu hút bởi sự đa dạng của sản phẩm, 71% bởi các chương trình khuyến mãi mang tính giải trí. Sự thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng ngày nay đòi hỏi các doanh nghiệp phải bắt nhịp, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc HTX Nấm Tam Đảo cho biết: Phần lớn người tiêu dùng biết đến các loại nấm ăn, nấm dược liệu, nấm đông trùng hạ thảo của HTX thông qua các nền tảng thương mại điện tử. Hiện nay, công ty đang duy trì 3 fanpage, 3 website riêng để quảng bá sản phẩm. Gần đây, HTX còn hợp tác với các Youtuber, Tiktoker nổi tiếng để lan tỏa thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ trên các nền tảng số.
Từ năm 2024 đến nay, HTX có hơn 12 nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm sản phẩm OCOP. Năm 2024, HTX đã sản xuất và đưa ra thị trường gần 1,5 tấn đông trùng hạ thảo khô, đem lại lợi nhuận cao.
Xác định thương mại điện tử là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tỉnh tập trung mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa chủ lực, sản phẩm OCOP trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử; đào tạo kỹ năng thương mại điện tử cho người dân, doanh nghiệp; phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QR, NFC, POS...
Đến nay, 100% siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh đã đầu tư, sử dụng thiết bị thanh toán không dùng tiền mặt (POS); 55% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại các tổ chức tín dụng; 65% cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các kênh thanh toán điện tử.
Việc mua sắm trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiktok, Lazada... đã trở thành thói quen của nhiều người dân. Từ năm 2021-2023, Vĩnh Phúc luôn duy trì vị trí tốp 15 tỉnh có chỉ số phát triển thương mại điện tử tốt nhất cả nước.
Để đạt mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Phúc là tỉnh có thị trường thương mại điện tử phát triển, chỉ số thương mại điện tử thuộc nhóm 10 tỉnh dẫn đầu cả nước, tỉnh sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu xây dựng gian hàng các sản phẩm chủ lực của tỉnh trên một số sàn thương mại điện tử quốc gia, thế giới để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thực hiện các giao dịch mua bán, trao đổi, ký kết các hợp đồng mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới.
Xây dựng chuỗi cung ứng thương mại điện tử cho các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh. Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ số (công nghệ mã vạch, mã QR, chip NFC, công nghệ blockchain...) để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trực tuyến và tiếp thị sản phẩm trên môi trường điện tử.
Mai Liên
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/127897/Mo-rong-thi-truong-tieu-thu-thong-qua-san-thuong-mai-dien-tu
Bình luận (0)