Lời toà soạn: Rạng sáng ngày 3/4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố các mức thuế đối ứng lên toàn bộ các quốc gia trên thế giới. Nhiều quốc gia chịu mức thuế cao hơn. Cụ thể, Trung Quốc đối mặt với mức thuế 34% (thêm với 20% thuế công bố trước đó, tổng cộng là 54%, có hiệu lực từ 9/4), Liên minh châu Âu (EU) 20%, Việt Nam 46%, và Đài Loan (Trung Quốc) 32%... Chính sách này sẽ tác động mạnh đến thương mại quốc tế, trong đó có Việt Nam. VietNamNet ghi nhận ý kiến từ các hiệp hội, chuyên gia về diễn biến mới này. |
Mức thuế 46% phía Mỹ đưa ra là con số tổng quan
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết, vấn đề Mỹ áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam cần được nhìn nhận một cách thấu đáo, tránh hoang mang hay lo lắng thái quá.
Theo ông Giang, mức thuế suất cơ bản đối với sản phẩm dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ vốn đã có từ trước, không phải tất cả đều là 0%. Một số mặt hàng có thuế suất trung bình 12%, có mặt hàng 7%, 12%, thậm chí áo khoác lên tới 27%.
Việt Nam cũng chưa có Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Mỹ, do đó, nền tảng thuế đã tồn tại từ lâu.
Ông Giang lưu ý, thông tin về mức thuế 46% phía Mỹ đưa ra là con số tổng quan, không áp dụng đồng loạt mà được chia ra theo từng dòng sản phẩm cụ thể.
Chủ tịch VITAS khuyến cáo các doanh nghiệp cần bình tĩnh, không quá lo lắng. Ảnh: Xuân Ngọc
Chủ tịch VITAS cho hay Chính phủ đang triển khai các biện pháp đàm phán để có biểu thuế phù hợp, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp. Việc Mỹ thông báo áp thuế từ 5/4 là quan điểm từ phía họ. Tuy nhiên, để có chính sách thuế dài hạn, bền vững, cần quá trình đàm phán giữa hai Chính phủ.
"Doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng cần chờ kết quả của quá trình đàm phán này", lãnh đạo Vitas chia sẻ.
Hơn nữa, không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia xuất khẩu khác cũng bị Mỹ áp thuế, điển hình như Trung Quốc từng chịu mức thuế trên 20%, thậm chí hơn 30%.
Do đó, Hiệp hội Dệt may khuyến cáo doanh nghiệp cần giữ bình tĩnh, tiếp tục thương thảo với các nhãn hàng, nhà mua hàng để thích ứng với mức thuế mới. Người tiêu dùng Mỹ vẫn có nhu cầu lớn đối với sản phẩm dệt may và Việt Nam vẫn đang duy trì quan hệ với nhiều đối tác lớn trên toàn cầu, trong đó có Mỹ.
Về tác động thực tế, doanh nghiệp Việt Nam đã đàm phán giá với nhà mua hàng từ trước, nên khi thuế thay đổi, bản thân các thương hiệu, nhãn hàng cũng phải cân nhắc chiến lược kinh doanh để điều chỉnh. Ông cho rằng, người tiêu dùng Mỹ sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp do giá thành sản phẩm tăng.
Trong trung và dài hạn, doanh nghiệp cần chờ động thái đàm phán giữa Chính phủ hai nước trong tháng 4 này để có phương án ứng phó phù hợp.
"Các doanh nghiệp dệt may cần giữ vững tâm lý, tập trung vào các thỏa thuận với đối tác, bởi chi phí sản xuất, tiền lương, lợi nhuận đều đã được tính toán kỹ lưỡng trong đơn hàng. Áp lực lớn nhất không nằm ở doanh nghiệp mà ở nhà mua hàng và người tiêu dùng khi thuế tăng cao.
Thời gian tới, sẽ có biểu thuế chi tiết cho từng mặt hàng như ô tô, dệt may, da giày... Doanh nghiệp cần theo sát để có kế hoạch phù hợp", ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.
Ngay khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế đối ứng 46% đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho hay cơ quan này đang làm báo cáo, đề xuất với Chính phủ và bộ ngành liên quan có giải pháp ứng phó, đảm bảo hoạt động xuất khẩu thuỷ sản được thông suốt.
Hiện kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang Mỹ dao động từ 1,5-2,1 tỷ USD/năm, trong đó tôm, cá tra là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Cá tra là một trong những sản phẩm chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: Hoàng Giám
Nỗ lực cân bằng cán cân thương mại với Mỹ
Thực tế thời gian qua Việt Nam đã và đang nỗ lực cải thiện cán cân thương mại với Mỹ.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hoa Kỳ, làm việc với Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), Bộ Năng lượng (DOE) và các cơ quan liên quan mới đây, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tham dự buổi lễ ký kết và công bố các thỏa thuận hợp tác, hợp đồng mua sắm máy móc, trang thiết bị, nguyên nhiên vật liệu và dịch vụ, hàng hóa giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ.
Theo đó, tổng giá trị các thỏa thuận kinh tế, thương mại ký kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ dự kiến triển khai từ năm 2025 khoảng 90,3 tỷ USD, tạo ra hàng trăm ngàn việc làm cho người lao động hai nước.
Ngày 31/3, Chính phủ cũng ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng. Theo đó, hàng loạt các mặt hàng được giảm thuế nhập khẩu như ô tô, cherry, táo, nho khô..., trong đó có nhiều sản phẩm xuất xứ Mỹ.
Theo các chuyên gia, kế hoạch giảm thuế một số mặt hàng nhập khẩu là một phần quan trọng trong nỗ lực của Chính phủ nhằm thúc đẩy nhập khẩu sản phẩm từ Mỹ vào Việt Nam, góp phần giảm thặng dư thương mại giữa hai nước.
Trước đó, đại diện Chính phủ Việt Nam và Mỹ cũng nhiều lần gặp gỡ đàm phán các biện pháp thương mại mới và điều chỉnh chính sách nhằm đối phó với các rủi ro thuế quan.
Chia sẻ với PV VietNamNet, TS Hoàng Ngọc Thuận, Trường Đại học Ngoại thương nhận định, quyết định áp thuế 46% của Mỹ đối với hàng hóa Việt Nam sẽ tạo ra tác động trái chiều, dù rằng không áp dụng với tất cả các mặt hàng.
Theo ông Thuận, các doanh nghiệp sản xuất của Mỹ có sản phẩm cạnh tranh với hàng Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn từ mức thuế này. Ngoài ra, ngân sách Chính phủ Mỹ cũng sẽ tăng đáng kể do thu thuế nhập khẩu.
Tuy nhiên, đa số các bên liên quan khác đều chịu ảnh hưởng tiêu cực. Người tiêu dùng Mỹ và các doanh nghiệp sử dụng hàng nhập khẩu làm đầu vào cho sản xuất sẽ phải gánh chịu chi phí tăng do thuế.
Không chỉ tại Mỹ, Việt Nam và các quốc gia khác cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Đặc biệt, mức thuế 46% đối với Việt Nam cao hơn so với Indonesia hay Thái Lan, khiến hàng hóa của các nước này có lợi thế cạnh tranh hơn về giá. Người tiêu dùng thường nhạy cảm với giá cả, nên họ có xu hướng chọn sản phẩm có mức tăng giá thấp hơn.
Tuy nhiên, ông Thuận cho rằng, trong bối cảnh này, doanh nghiệp cần giữ bình tĩnh và chủ động tìm giải pháp, đồng thời chờ đợi động thái từ Chính phủ.
Trước đó, Canada, Mexico và Ấn Độ đã đàm phán với Mỹ về vấn đề thuế. Việt Nam cũng cần nỗ lực đàm phán để lùi thời gian áp thuế hoặc có được mức thuế ưu đãi hơn. Tuy nhiên, việc Mỹ không áp thuế là điều rất khó xảy ra vào thời điểm hiện tại.
Nếu không thể thay đổi mức thuế hoặc trì hoãn, doanh nghiệp phải chuẩn bị tâm lý và kế hoạch ứng phó. Theo TS Thuận, tùy vào lĩnh vực kinh doanh, doanh nghiệp cần có phản ứng phù hợp để thích nghi với mức thuế mới. Một số doanh nghiệp có thể mất thị phần hoặc thị trường, do đó, ngoài việc chờ đàm phán từ Chính phủ, cần chủ động tính toán lại chuỗi cung ứng và tìm kiếm thị trường thay thế.
Đề cập đến biện pháp lúc này, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường nhập khẩu, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Tuy nhiên, vẫn cần tăng cường hợp tác với doanh nghiệp Mỹ; tăng nhập khẩu các thiết bị y tế cao cấp, khí hóa lỏng, hàng tiêu dùng, nông sản phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi...
Vietnamnet.vn
Nguồn:https://vietnamnet.vn/my-muon-ap-thue-46-voi-hang-viet-nam-tranh-hoang-mang-hay-lo-lang-thai-qua-2387420.html
Bình luận (0)