Tiết ôn thi môn tiếng Anh của lớp 9/5 Trường THCS Kim Đồng (quận 5, TP.HCM) chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Hơn một tuần nữa, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM sẽ diễn ra với 83.154 thí sinh dự thi vào các lớp thường, lớp chuyên và lớp tích hợp. Ngay sau đó nhiều địa phương khác trong cả nước cũng tổ chức thi tuyển vào lớp 10.
Thí sinh cần lưu ý gì để đạt kết quả cao tại kỳ thi vào lớp 10 năm nay?
* Thầy Võ Kim Bảo (tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM):
Môn ngữ văn: ôn tập theo chuyên đề
Năm nay là năm đầu tiên học sinh cả nước thi tuyển sinh lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Giữa cách ra đề thi cũ và cách ra đề thi mới có nhiều khác biệt.
Chương trình mới chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Chính vì vậy học sinh cần rèn luyện nhiều, phát triển năng lực thật sự thay vì đối phó bằng cách học thuộc lòng. Đề thi chắc chắn sẽ không có bất kỳ nội dung nào có thể học thuộc lòng.
Đối với môn ngữ văn, học sinh nên ôn tập theo chuyên đề, không nên ôn tập theo thứ tự bài. Khi ôn tập theo chuyên đề, học sinh sẽ có cái nhìn toàn diện, kết nối kiến thức giữa các bài và kiến thức đã học ở các lớp 6, 7, 8.
Dưới đây là một số chuyên đề gợi ý như: Chuyên đề truyện (truyện ngắn, truyện truyền kỳ, truyện thơ Nôm, truyện trinh thám); Chuyên đề thơ (kiến thức về thơ nói chung, thơ tự do, thơ song thất lục bát); Chuyên đề văn bản thông tin (chú ý cách trình bày thông tin); Chuyên đề văn bản nghị luận (chú ý mối quan hệ giữa các yếu tố trong văn bản nghị luận).
Thêm vào đó học sinh cần ôn tập kiến thức nền tảng đã được học ở các lớp 6, 7, 8 như các biện pháp tu từ, các cách trình bày thông tin trong văn bản thông tin, các hình thức nghệ thuật trong văn bản văn học…
Lịch thi vào lớp 10 ở TP.HCM - Đồ họa: NGỌC THÀNH
Để hoàn thành tốt bài nghị luận xã hội, học sinh cần đọc thêm báo, theo dõi tin tức chính thống từ các phương tiện truyền thông để có cái nhìn đúng đắn, phù hợp và thu thập được một lượng bằng chứng nhất định có thể sử dụng trong bài viết của mình.
Để có thể đạt được điểm cao trong bài thi học sinh cần lưu ý: Trình bày rõ ràng, không được tùy tiện trong việc trình bày bài làm, tránh đảo chiều thứ tự câu hỏi. Các quy tắc cơ bản như lùi đầu dòng khi bắt đầu một đoạn văn mới, một dòng mới, gạch chân làm nổi bật đề mục… ít được chú ý, gây khó khăn cho người chấm.
Thêm vào đó nhiều em viết chữ hơi khó đọc, nhiều chữ viết không cẩn thận cũng có thể tạo thành lỗi chính tả. Vì đó mà học sinh mất điểm đáng tiếc.
Trước khi bắt tay vào viết bài, học sinh cần đọc đề thật cẩn thận, đọc hết đề một lượt sau đó mới đọc lại câu đầu tiên để làm bài. Việc đọc hết đề giúp học sinh hình dung được ý tưởng chính của đề thi mà có sự kết nối hợp lý trong quá trình làm bài.
Đọc hết đề cũng giúp học sinh tránh được việc chủ quan, đọc câu hỏi không trọn vẹn mà đã bắt tay vào làm khiến học sinh lạc đề, trả lời không đủ ý.
Bạn Trúc Vy và Dạ Yến (Trường THCS Nguyễn An Ninh, quận 12) sau môn thi ngữ văn kỳ thi vào lớp 10 năm 2024 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Nhớ rõ quy tắc: Câu hỏi trước làm nền tảng cho câu hỏi sau. Học sinh cần tránh việc đảo thứ tự câu hỏi. Điều đó làm mất đi tính logic trong tư duy. Đặc biệt các câu hỏi ở phần đọc hiểu chính là sự gợi ý cho câu hỏi ở phần viết.
Ở phần đọc hiểu, học sinh cần trình bày câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng nhưng phải viết câu trả lời thành câu văn có đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ. Không nên chỉ viết đáp án một cách quá ngắn gọn, tránh dùng các ký hiệu lạ để đánh dấu câu trả lời như dấu * hay dấu mũi tên.
* Thầy Lê Minh Châu (tổ phó tổ tiếng Anh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM):
Môn tiếng Anh: hai câu hỏi dạng mới
Cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 môn tiếng Anh gồm 40 câu theo hình thức tự luận và trắc nghiệm.
Trong đề thi năm nay có hai câu hỏi dạng mới về viết cụm từ phù hợp theo thông tin cho sẵn. Câu hỏi này kiểm tra khả năng đọc chú thích trong từ điển để tìm kiếm thông tin ngôn ngữ và vận dụng kiến thức.
Trong phần này đưa một mục từ trong từ điển với chủ đề quen thuộc. Các em sẽ tìm thông tin trong hình ảnh từ điển đó để hoàn thành hai câu trong bài. Các em chỉ cần điền 2 đến 3 từ.
Đây là bài thi tuyển sinh dĩ nhiên sẽ có độ phân hóa cao. Các em phải học kỹ kiến thức thầy cô đã dạy trong chương trình.
Tại phần ngữ âm ở mức hiểu, tức là các câu sẽ ở mức cơ bản, ví dụ phát âm tận cùng ED, tận cùng S/ES, phân biệt các âm đơn giản trong tiếng Anh. Câu dấu nhấn nhận diện trọng âm trong từ 2-3 âm tiết
Phần ngữ pháp, từ vựng, giao tiếp: Nắm chắc cấu trúc ngữ pháp và sử dụng từ vựng đúng ngữ cảnh. Các em cần các thì, câu điều kiện, bị động, mệnh đề quan hệ, cấu trúc so sánh...; Học từ vựng theo chủ đề; Luyện câu giao tiếp ngắn, tình huống thường gặp trong thi; Luyện khả năng đọc các thông báo, biển hiệu.
Phần đọc hiểu: Các em phải đọc nhanh, hiểu ý chính và tìm thông tin chi tiết. Mấy ngày này mỗi ngày đọc một đoạn ngắn (100-150 từ), gạch chân từ khóa. Học kỹ từ nối và các cụm từ giúp đoán nghĩa từ ngữ cảnh. Dự kiến trong phần này có một câu nâng cao.
Phần viết: Biến đổi từ, viết câu đúng ngữ pháp và ngữ cảnh. Phần biến đổi từ: các em phải nắm vững quy tắc sử dụng từ, trong chỗ trống đó cần danh từ, động từ, tính từ, trạng từ để điền cho phù hợp. Dự kiến trong phần này sẽ có 1-2 câu nâng cao.
Phần viết cụm từ phù hợp theo thông tin cho sẵn: các em làm quen với cách đọc chú thích từ điển thông dụng, biết xác định cách dùng của từ qua phần "example" trong từ điển.
Phần viết câu: các em luyện viết câu đơn giản đúng cấu trúc. Thường là cấu trúc thì tiếng Anh, so sánh, mệnh đề quan hệ, câu điều kiện… Đó là những kiến thức các em đã được học trong chương trình.
Trong lúc làm bài các em đọc cẩn thận, dò kỹ đáp án, tránh làm vội vàng. Thời gian làm bài khá thoải mái nên các em không cần phải hấp tấp. Khi các em học kỹ, nắm cấu trúc đề, hiểu bài, làm bài cẩn thận thì 8-9 điểm hoàn toàn có thể đạt được.
* Thầy Kiều Tuấn Hưng (tổ trưởng tổ toán - tin Trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10, TP.HCM):
Môn toán: nắm vững cấu trúc ra đề
Để làm tốt bài thi môn toán, học sinh cần nắm vững các kiến thức, kỹ năng làm toán và có tâm lý vững khi đi thi. Muốn vậy các em phải nắm vững cấu trúc ra đề thi bằng cách luyện các chuyên đề về từng dạng toán trong cấu trúc ra đề.
Qua đó học sinh sẽ nắm được kiến thức cơ bản, những câu hỏi thường gặp trong các dạng toán, chuẩn bị tốt cho bước giải đề.
Các em chịu khó giải các đề thi mẫu, các đề thi thử được giáo viên cung cấp. Lưu ý trong lúc giải đề học sinh không học vẹt, máy móc và cần rút kinh nghiệm sau mỗi lần giải.
Các em cũng cần thực hành thi thử để biết phân phối thời gian khi làm bài, tập tâm lý tốt khi đối diện việc thi thật. Việc thi thử này các em có thể tiến hành cả ở nhà.
Khi thực hiện bài thi môn toán các em cần đọc kỹ đề để phân loại câu dễ, câu khó và làm bài dễ trước, làm bài khó sau, làm được câu nào chắc câu đó. Khoảng thời gian 60 phút đầu tiên nên làm hết những câu dễ (lý tưởng nhất là được 6-7 điểm), sau đó mới tập trung làm những câu khó để nâng cao điểm số.
Đối với trình bày: không làm tắt, không viết tắt, trình bày rõ ràng, cần có kết luận với từng câu trong bài toán thực tế. Điểm số chấm đến 0,25, vì thế các em cần tận dụng tối đa hiểu biết của mình để vận dụng vào làm bài nhằm khiến bài làm của mình được điểm số tốt nhất theo năng lực.
Lịch thi vào lớp 10 ở Hà Nội - Đồ họa: NGỌC THÀNH
Nguồn: https://tuoitre.vn/nam-dau-tien-thi-tuyen-sinh-lop-10-theo-chuong-trinh-moi-thi-sinh-luu-y-gi-20250527092414678.htm
Bình luận (0)