Công ty TNHH Bandai Việt Nam, Khu công nghiệp bờ trái sông Đà (TP Hoà Bình) duy trì tổ chức bữa ăn ca nhằm đảm bảo quyền lợi, chăm sóc sức khỏe người lao động.
Nâng cao giá trị bữa ăn ca cho người lao động
Chuông báo 11 giờ, đội ngũ công nhân lao động (CNLĐ) Công ty TNHH Bandai Việt Nam tại Khu công nghiệp (KCN) bờ trái sông Đà (TP Hoà Bình) nhanh chóng di chuyển về nhà ăn dùng bữa ăn ca. Tại nhà sinh hoạt chung với sức chứa trên 500 người, NLĐ được ngồi ăn trong không gian thoáng mát, sạch sẽ, các khay thức ăn thơm ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng… Qua tìm hiểu được biết, Công ty TNHH Bandai Việt Nam duy trì tổ chức bữa ăn ca cho trên 500 NLĐ, đạt trên 90% CNLĐ. Giá trị suất ăn 25.000 đồng/suất, trong đó, CNLĐ chịu chi phí 7.000 đồng/suất, phần còn lại do DN hỗ trợ. Để tổ chức bữa ăn ca, DN đầu tư hệ thống nhà bếp, nhà ăn, thuê đội ngũ đầu bếp chuyên nghiệp, đảm bảo triển khai hiệu quả việc cung cấp suất ăn theo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), chế độ dinh dưỡng cho NLĐ.
Chị Đoàn Thị Kim Chung, công nhân Công ty TNHH Bandai Việt Nam chia sẻ: "Bữa trưa tại công ty có nhiều món ăn, phù hợp khẩu vị của tôi. Ăn trưa tại công ty giúp tôi tiết kiệm được chi phí, có thời gian nghỉ ngơi sau những giờ làm việc căng thẳng. Ban lãnh đạo công ty đã quan tâm, bố trí các phòng sinh hoạt cộng đồng riêng biệt, đáp ứng nhu cầu của NLĐ”.
Cũng tại KCN bờ trái sông Đà, Công ty TNHH GGS Việt Nam ngay sau khi thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2013, DN đã ký kết hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn ca cho CNLĐ, có những thời điểm NLĐ lên đến 1.000 người. Hiện công ty tổ chức bữa ăn ca cho trên 700 CNLĐ, mỗi suất ăn trị giá 25.000 đồng, chi phí ăn trưa được DN hỗ trợ 100%. Nhằm đảm bảo tổ chức bữa ăn ca đáp ứng quy định về ATVSTP, Ban Chấp hành Công đoàn phối hợp đơn vị cung cấp suất ăn thực hiện đầy đủ các bước, từ khâu xây dựng thực đơn đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp khẩu vị của CNLĐ. Thành lập các tổ "An toàn vệ sinh viên” thực hiện kiểm tra quy trình nhập thực phẩm tươi sống, quá trình chế biến, lưu mẫu thức ăn. Cùng với việc duy trì tổ chức bữa ăn ca cho CNLĐ hàng ngày, vào dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Phụ nữ Việt Nam 20/10, công ty tổ chức các bữa ăn "Happy day” tăng giá trị suất ăn từ 10 - 20%.
Những năm qua, các cấp Công đoàn trong tỉnh chủ động vận động, thương lượng với DN đưa nội dung hỗ trợ ăn ca cho NLĐ vào thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT). Đồng thời, thực hiện điều chỉnh, nâng mức hỗ trợ ăn ca khi vật giá tăng cao nhằm đảm bảo dinh dưỡng, sức khỏe, ATVSTP cho NLĐ. Cụ thể, Công đoàn các KCN tỉnh với gần 17.000 CNLĐ, nhiều DN FDI có quy mô lớn. Theo rà soát, tại 3 KCN đang hoạt động có trên 50% DN hiện duy trì bữa ăn ca cho gần 10.000 CNLĐ, suất ăn tối thiểu 25.000 đồng/suất. Một số DN có suất ăn ca giá trị cao như: Công ty CP thiết bị Fecon 50.000 đồng/suất, Công ty TNHH Almine Việt Nam 35.000 đồng/suất, Công ty TNHH Nissin Manufacturing Việt Nam 33.000 đồng/suất… Trong năm 2024, toàn tỉnh có 32 CĐCS đề xuất, thương lượng với người sử dụng lao động điều chỉnh giá trị bữa ăn ca cho NLĐ theo quy định, đạt 291% chỉ tiêu Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) giao.
Còn bất cập trong tổ chức bữa ăn ca
Thực tế cho thấy, vẫn còn tình trạng việc tổ chức bữa ăn ca tại một số DN chưa được quan tâm triển khai, hoặc chưa đảm bảo các yếu tố về chất lượng bữa ăn và yêu cầu công tác đảm bảo ATVSTP… Việc duy trì tổ chức bữa ăn ca hiện mới được triển khai đồng đều tại các DN FDI trong các KCN, một số DN quy mô sản xuất lớn… Toàn tỉnh hiện có trên 4.000 DN với trên 34.000 CNLĐ, có 242 DN đã thành lập tổ chức Công đoàn. Tuy nhiên, chỉ có 137 DN có tổ chức Công đoàn thực hiện bữa ăn ca cho NLĐ, chiếm 56,6%. Theo thống kê, năm 2024, toàn tỉnh có 795 đơn vị, DN chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền 6,7 tỷ đồng. Trong đó, DN có tổ chức Công đoàn là 24 đơn vị với số nợ 5,3 tỷ đồng; 771 DN chưa thành lập tổ chức Công đoàn có số nợ 1,4 tỷ đồng. Từ thực tế đó cho thấy, các DN có quy mô vừa và nhỏ, siêu nhỏ, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên chưa có nguồn lực lớn để duy trì thực hiện hỗ trợ bữa ăn ca cho lực lượng CNLĐ.
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn khi các đơn hàng tại DN bị cắt giảm, NLĐ buộc phải nghỉ việc. Giá cả thị trường phi mã kéo theo nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm tăng, một bộ phận NLĐ có thu nhập thấp rất khó để cân bằng chi phí sinh hoạt vì thu nhập không ổn định. Vì vậy, không ít NLĐ phải cắt giảm chi tiêu, giảm giá trị bữa ăn trưa để tiết kiệm tiền phục vụ sinh hoạt gia đình.
Qua khảo sát thực tế cho thấy, tại một số DN trực thuộc LĐLĐ các huyện, thành phố, chất lượng bữa ăn ca còn "nghèo” về giá trị dinh dưỡng, khẩu phần ăn còn thấp, chưa bảo đảm để tái tạo sức lao động. Hiện nay, giá trị suất ăn ca chưa được quy định cụ thể trong luật theo mức chung cho các loại hình DN, nên giá trị suất ăn của CNLĐ phụ thuộc vào năng lực của từng DN. Điều đó đồng nghĩa với việc giá trị suất ăn ca phụ thuộc vào sự quan tâm của DN và kết quả đàm phán, xây dựng TƯLĐTT của tổ chức Công đoàn tại cơ sở.
Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn
Thực hiện Kết luận số 03/KL-BCH, ngày 18/01/2022 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 7c/NQ-BCH, ngày 25/02/2016 về chất lượng bữa ăn ca của NLĐ. LĐLĐ tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp Công đoàn phối hợp DN triển khai đồng bộ các biện pháp để bảo đảm bữa ăn ca an toàn, bảo đảm sức khỏe cho CNLĐ. Theo đó, các CĐCS đã phát huy vai trò trong việc kiểm tra, giám sát quy trình triển khai bữa ăn ca tại DN. Các đơn vị cung cấp suất ăn hoặc nhà bếp xây dựng thực đơn theo tuần để công ty xem xét, lấy ý kiến công nhân. Nguồn thực phẩm được cung cấp phải bảo đảm tươi, an toàn, truy xuất được nguồn gốc. Sau mỗi bữa ăn thực hiện nghiêm túc việc lưu mẫu thực phẩm. Việc thực hiện tốt bữa ăn ca cho NLĐ cũng là một trong những điểm cộng để DN giữ chân NLĐ gắn bó với công ty và thu hút được lực lượng lao động mới.
Thực hiện các hoạt động chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024), Tổng LĐLĐ Việt Nam đã triển khai "Bữa cơm Công đoàn” tại các CĐCS cơ quan, đơn vị trong cả nước. Tại tỉnh Hòa Bình, 14/15 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức "Bữa cơm Công đoàn” cho gần 3.000 đoàn viên, NLĐ tại các DN; 133 CĐCS phối hợp tổ chức "Bữa cơm Công đoàn” cho trên 7.045 đoàn viên, NLĐ tại đơn vị với tổng kinh phí 765 triệu đồng. Thông qua "Bữa cơm Công đoàn”, các cấp Công đoàn tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và tích cực đề xuất, thương lượng với người sử dụng lao động điều chỉnh giá trị bữa ăn ca cho NLĐ.
Đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh khẳng định: "Chăm lo sức khỏe, cụ thể là nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho CNLĐ là trách nhiệm của chủ sử dụng lao động và tổ chức Công đoàn. Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chỉ đạo các cấp CĐCS tiếp tục thương lượng với DN đưa nội dung hỗ trợ ăn ca cho NLĐ vào TƯLĐTT nhằm thực hiện điều chỉnh, nâng cao mức hỗ trợ ăn ca khi vật giá tăng cao nhằm đảm bảo dinh dưỡng, sức khỏe, ATVSTP. Tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện bữa ăn ca tại các DN. Thường xuyên lắng nghe ý kiến phản ánh, đề xuất của NLĐ để có hướng giải quyết kịp thời, không để phát sinh những mâu thuẫn phức tạp tại cơ sở. Khuyến khích DN quan tâm, đầu tư nâng cấp thiết chế công đoàn cho CNLĐ như khu vực bếp ăn, nhà ăn, phòng sinh hoạt chung… Từ đó không chỉ nâng cao chất lượng bữa ăn của NLĐ mà còn thể hiện vai trò, trách nhiệm của chủ sử dụng lao động và tổ chức Công đoàn, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại DN, góp phần ổn định thị trường lao động và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh”.
Đức Anh
Nhóm ý kiến:
Cần có quy định cụ thể tổ chức bữa ăn ca cho công nhân lao động
Pháp luật hiện hành không bắt buộc các doanh nghiệp có trách nhiệm phải hỗ trợ hay tổ chức bữa ăn giữa ca cho người lao động. Tuy nhiên, xác định tầm quan trọng của bữa ăn giữa ca đối với sức khỏe người lao động, Nhà nước nên nghiên cứu, xem xét có quy định pháp luật và tạo sự thống nhất, đồng bộ về mức ăn ca đối với người lao động.
Tổ chức công đoàn tại cơ sở đẩy mạnh việc đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể về các chế độ chính sách, trong đó có nội dung điều chỉnh giá trị bữa ăn ca đảm bảo phù hợp với giá cả thị trường và Kết luận số 03/KL-BCH, ngày 18/01/2022 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam. Khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện tổ chức bữa ăn ca cho người lao động, đồng thời bố trí nguồn lực nâng cao giá trị bữa ăn ca. Từ đó giúp người lao động đảm bảo sức khỏe, tinh thần thoải mái để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa người lao động và doanh nghiệp.
Tống Đức Chiến
Trưởng Ban Nghiệp vụ, kiêm Giám đốc Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ người lao động
Chú trọng đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, phòng chống cháy nổ
Cùng với chú trọng nâng cao giá trị bữa ăn ca cho công nhân lao động, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm khu vực bếp ăn tại các doanh nghiệp được đặc biệt quan tâm, bởi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của lực lượng lao động. Hàng năm, Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh tăng cường công tác phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp, các ngành chức năng kiểm tra, giám sát quy trình thực hiện bữa ăn ca. Cùng với việc yêu cầu các đơn vị cung cấp suất ăn ca, bếp ăn của doanh nghiệp cung cấp đầy đủ giấy chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm được cơ quan có thẩm quyền cấp, ký hợp đồng với cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp trang bị đầy đủ các loại trang thiết bị chuyên dụng phục vụ quá trình tổ chức bữa ăn ca…
Bên cạnh đó, nguy cơ xảy ra sự cố cháy nổ tiềm ẩn ở khắp mọi nơi, đặc biệt tại các khu vực bếp ăn tại các doanh nghiệp. Đây là khu vực thường xuyên tồn chứa lượng chất dễ cháy lớn như bếp ga, nguyên liệu, hàng hóa phục vụ sinh hoạt. Chính vì vậy, doanh nghiệp đã chú trọng xây dựng phương án phòng chống cháy nổ, trong đó tập huấn cho đội ngũ nhân viên làm tại khu vực bếp ăn các kiến thức, phổ biến, quán triệt, trang bị đầy đủ kiến thức về công tác phòng chống cháy nổ, có khả năng sử dụng thành thạo bình chữa cháy để kịp thời xử lý các tình huống đột xuất, bất ngờ.
Lê Diệu Hoàn
Phó Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh
Lan tỏa chương trình "Bữa cơm Công đoàn”
Năm 2024 là năm đầu tiên triển khai chương trình "Bữa cơm Công đoàn” cho người lao động trên địa bàn toàn tỉnh. Quá trình tổ chức, người lao động rất vui, phấn khởi khi giá trị bữa ăn ca được tăng lên, đồng thời có dịp được trò chuyện, gần gũi hơn với chủ sử dụng lao động. Không chỉ dừng ở việc hỗ trợ tăng thêm giá trị suất ăn, người lao động mong muốn chương trình "Bữa cơm Công đoàn” sẽ được duy trì thường xuyên hơn vào các dịp lễ, tết… Cách thức triển khai linh hoạt để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động.
Thông qua "Bữa cơm Công đoàn” tạo dựng niềm tin, sự gắn bó của đoàn viên, người lao động đối với tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp. Từ đó xây dựng mối quan hệ lao động ổn định, hài hòa, tiến bộ trong tình hình mới.
Bùi Thị Ngọc Quý Yến
Công nhân Công ty TNHH Điện tử Lạc Sơn
Nguồn: https://baohoabinh.com.vn/274/199919/Nang-cao-chat-luong-bua-an-ca-cho-cong-nhan-lao-dong.htm
Bình luận (0)