HTX Nông nghiệp Quyết Thanh giới thiệu sản phẩm quả sấy.
Thăm xưởng chế biến quả sấy của HTX Nông nghiệp Quyết Thanh, tổ dân phố Khí Tượng, phường Thảo Nguyên. Khu nhà xưởng được đầu tư xây dựng quy mô, hệ thống dây chuyền chế biến hiện đại. Hiện nay, HTX có 6 sản phẩm OCOP, gồm 4 sản phẩm 4 sao (mận sấy, chuối sấy, hồng sấy, xoài sấy); 2 sản phẩm 3 sao (đu đủ sấy dẻo, nước cốt chanh leo), giúp các thành viên HTX và nông dân yên tâm gắn bó với các loại cây trồng đặc sản của địa phương.
Dẫn chúng tôi đi thăm xưởng chế biến, ông Phạm Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Thanh, chia sẻ: Giải quyết áp lực tiêu thụ hoa quả tươi chính vụ, năm 2020, HTX đã đầu tư hệ thống dây chuyền chế biến sấy khô các loại quả, công suất 1,2 tấn quả tươi/ngày, giúp giảm chi phí và tỷ lệ hao hụt trong quá trình vận chuyển, giảm khâu trung gian và không phụ thuộc vào mùa vụ, sản phẩm sau chế biến có chất lượng, giá trị cao hơn, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX.
Chế biến quả sấy khô tại HTX Nông nghiệp Quyết Thanh, thị xã Mộc Châu.
Với mong muốn mang đến cho khách hàng được thưởng thức những sản phẩm nông sản tươi ngon, HTX Kinh doanh dịch vụ du lịch nông nghiệp Châu Mộc, tổ dân phố 2, phường Mộc Sơn đã đầu tư hệ thống kho lạnh rộng hơn 100 m² và hệ thống máy sấy lạnh, nồi xào công nghiệp 200 lít. Hằng năm, HTX bao tiêu khoảng 200 tấn hoa quả tươi các loại cho các hộ dân trong vùng.
Anh Nguyễn Thành Trung, thành viên HTX Kinh doanh dịch vụ du lịch nông nghiệp Châu Mộc, cho biết: Hoa quả được chế biến bằng phương pháp sấy lạnh sẽ giữ màu sắc, độ tươi ngon và dinh dưỡng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Bên cạnh đó, HTX còn triển khai thành công dự án bảo quản quả mận hậu tươi bằng công nghệ sử dụng màng chuyên dùng, giúp thời gian bảo quản quả mận tươi kéo dài lên 3 tháng, giảm áp lực tiêu thụ chính vụ và nâng cao giá trị của sản phẩm.
Mộc Châu hiện có trên 11.000 ha cây ăn quả các loại, sản lượng trên 55 nghìn tấn quả/năm. Kéo dài thời gian bảo quản nông sản, huyện đã tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất ứng dụng khoa học, công nghệ sản xuất, bảo quản và chế biến; cơ cấu lại hệ thống tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích liên kết, hợp tác sản xuất gắn với chế biến sâu, xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đầu tư nâng cấp dây chuyền máy móc hiện đại gắn với vùng nguyên liệu tập trung chất lượng cao. Thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông sản.
Sản phẩm dâu tây sấy của HTX Hoa Mộc Châu.
Ông Sa Văn Thượng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường thị xã Mộc Châu, cho biết: Thị xã có 38 cơ sở sơ chế, chế biến chè, hoa quả, sữa; 9 cơ sở sử dụng công nghệ đóng gói hút chân không cho các sản phẩm nông sản; 19 cơ sở đầu tư kho lạnh trong bảo quản nông sản, với tổng diện tích trên 2.600 m², sức chứa trên 2.500 tấn. Nhờ đó, các sản phẩm nông nghiệp chế biến của Mộc Châu ngày càng đa dạng, phong phú về mẫu mã, chất lượng cao, với 32 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; trong đó, 18 sản phẩm đạt 4 sao, 14 sản phẩm đạt 3 sao; giá trị sản phẩm chế biến được nâng lên rõ rệt, được người tiêu dùng đón nhận...
Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thị xã Mộc Châu tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến nông nghiệp. Vận động các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất đầu tư nâng cấp dây chuyền máy móc hiện đại, mở rộng sản xuất, tạo ra các sản phẩm chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản địa phương trên thị trường.
Nguồn: https://baosonla.vn/kinh-te/nang-cao-gia-tri-san-pham-nong-san-sau-che-bien-UJlavlTHR.html
Bình luận (0)