NS Kim Hương và cố NSƯT Thanh Nga trong vở "Bên cầu dệt lụa"
Nghệ sĩ Kim Hương (Đoàn cải lương Thanh Minh, Thanh Nga) nổi tiếng với vai diễn nàng Tía trong vở cải lương kinh điển "Bên cầu dệt lụa" đã sang Mỹ định cư theo diện đoàn tụ gia đình. Bà cho biết: "Con gái tôi bảo lãnh sang và tôi đang sinh sống tại Frorida – Mỹ. Nhớ quê nhà và nhớ khán giả thân thương. Mỗi khi xem lại những chương trình cải lương trên mạng xã hội là tôi xúc động".
Nghệ sĩ Kim Hương mãi trong tim khán giả
Nghệ sĩ Kim Hương, tên khai sinh Lê Thị Xưa, sinh năm 1952 tại TP HCM, bà là một gương mặt nghệ sĩ được khán giả cải lương yêu mến. Nổi tiếng với nhiều vai diễn phụ, bà vụt sáng khi được bà bầu Thơ (chủ gánh hát Thanh Minh, Thanh Nga) chọn thế vai Thái hậu Dương Vân Nga trong tác phẩm cải lương cùng tên khi cố NSƯT Thanh Nga qua đời năm 1978.
NSƯT Ca Lê Hồng – người đạo diễn vở cải lương này - kể: "Khi đó Kim Hương lo lắng lắm, mất ăn, mất ngủ vì đó là vai diễn rất khó lại là vai chánh, nên cô được mọi người động viên. Tôi còn nhớ suất diễn đầu tiên cô diễn xong cảnh lâm triều, dõng dạc tuyên: "Chiếc áo long bào này ta quyết không bao giờ dâng nạp", khán giả vỗ tay nồng nhiệt. Kim Hương bước vào cánh gà đã không nén được xúc động, òa khóc".
Nghệ sĩ Kim Hương
Nghệ sĩ Kim Hương thăng trầm nhưng tự tin
Cuộc đời nghệ sĩ Kim Hương là chuỗi những thăng trầm, từ việc được công an hộ tống bảo vệ tính mạng trên sàn diễn khi cô thể hiện vai Thái hậu Dương Vân Nga thế cố NSƯT Thanh Nga, đến hành trình đơn độc nuôi con và triết lý sống giản dị.
NS Kim Hương bộc lộ năng khiếu và tình yêu cải lương từ nhỏ. Năm 8 tuổi, bà theo học ca cổ với thầy Út Trong, người thầy từng đào tạo cố NSƯT Thanh Nga. Thầy Út Trong cũng là người đặt cho bà nghệ danh đầu tiên là Út Hương, sau này đổi thành Kim Hương.
Năm 12 tuổi, NS Kim Hương được cha gửi gắm vào đoàn Thăng Long Huỳnh Thái, được nghệ sĩ Bích Thuận nhận làm con nuôi và hướng dẫn diễn xuất.
Bà bắt đầu tập những vai đào con nhưng sớm rời sân khấu do còn quá nhỏ. Không nản lòng, bà tiếp tục trau dồi kỹ năng, học thêm cổ nhạc và đàn tranh.
Ca sĩ Thái Châu và NS KIm Hương
Kim Hương trở lại sàn diễn
Năm 1967, NS Kim Hương chính thức trở lại sân khấu chuyên nghiệp, gia nhập đoàn Trăng Mùa Thu, tham gia nhiều vở diễn nổi tiếng. Đầu năm 1968, bà được đoàn Kim Chưởng mời về cộng tác. Dù gặp khó khăn ban đầu, bà vẫn tham gia nhiều vở ấn tượng. Tuy nhiên, do đặc thù đoàn Kim Chưởng thường xuyên lưu diễn xa nhà, bà phải rời đoàn vì nhớ nhà.
Đến năm 1972, khi cải lương gặp khủng hoảng, NS Kim Hương chuyển sang học tân nhạc và hát tại các quán ca nhạc, nhà hàng. Bà được đặt nghệ danh mới là Ngọc Tuyền và gây ấn tượng với giọng ca điêu luyện, thậm chí hát tiếng Hoa rất thành công.
Dù vậy, tình yêu với sân khấu cải lương vẫn luôn cháy bỏng trong lòng bà, buộc bà quay trở lại sàn diễn cải lương.
NS Kim Hương
Kim Hương truân chuyên với nghề
Sau năm 1975, khi các đoàn cải lương dần được khôi phục và đi vào hoạt động sau ngày đất nước thống nhất, NS Kim Hương trở lại sân khấu. Niềm ngưỡng mộ sâu sắc dành cho nghệ sĩ Thanh Nga đã thôi thúc bà tìm đến đoàn Thanh Minh – Thanh Nga.
Bà được NSƯT Thanh Nga nhận vào đoàn và giao cho bà diễn vai Tiểu Loan trong vở "Bên cầu dệt lụa". Ban đầu còn rụt rè, nhưng nhờ sự tận tình hướng dẫn của Thanh Nga, Kim Hương dần tiến bộ và được khán giả yêu thích với vai nàng Tía rất duyên dáng.
NS Kim Hương
Kim Hương – kỷ niệm khó quên
Bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp của NS Kim Hương đến sau sự ra đi đột ngột của nghệ sĩ Thanh Nga vào năm 1978. Bà Nguyễn Thị Thơ, trưởng đoàn, đã quyết định chọn Kim Hương cho vai Thái hậu trong vở "Thái hậu Dương Vân Nga" – một vai diễn mang tính biểu tượng.
Đây là một áp lực vô cùng lớn, nhưng với sự nỗ lực và hỗ trợ của đạo diễn Ca Lê Hồng cùng tập thể nghệ sĩ, NS Kim Hương đã thể hiện vai diễn một cách tròn trịa, đạt tới 50-70% nét diễn của Thanh Nga.
Sau sự kiện này, NS Kim Hương được các chiến sĩ công an mặc thường phục bí mật hộ tống để bảo vệ tính mạng trong các suất diễn "Thái hậu Dương Vân Nga".
Từ trái sang: Ths đạo diễn Thanh Hiệp, NS Kim Hương và cố NS Chí Tiên (em trai của cố NSƯT Thanh Nga) trong chương trình "Sân khấu học đường" tại công viên 23-9
Dù có những thành công và vai diễn ấn tượng, con đường sự nghiệp của Kim Hương sau đó lại không thực sự thuận buồm xuôi gió. Bà rời đoàn Thanh Minh và cộng tác với nhiều đoàn hát khác nhau như: Tiếng ca sông Cừu, Trúc Giang, Phước Chung, nhưng không đạt được đỉnh cao như nhiều nữ đồng nghiệp cùng thời.
Cuối cùng, vào năm 1996, bà dừng chân tại Nhà hát múa rối TP HCM với vai trò quản lý, tổ chức biểu diễn, một vai trò phía sau sân khấu. Bà bám trụ thường xuyên tại rạp múa rối Măng Non – quận 1, TP HCM.
Kim Hương hành trình gian nan
Bên cạnh ánh đèn sân khấu, cuộc đời Kim Hương còn chất chứa nhiều bi kịch trong cuộc hôn nhân không trọn vẹn. Bà đã vượt qua hành trình 30 năm một mình nuôi con gái.
Bà lập gia đình khá muộn, ở tuổi 38, nhưng cuộc hôn nhân chỉ kéo dài vài năm rồi tan vỡ. Một mình gồng gánh trách nhiệm của cả cha và mẹ, bà đã dành trọn tâm sức để chăm sóc, nuôi dạy con khôn lớn.
NS KIm Hương
"Tôi mong sớm quay về thăm quê nhà, bạn bè nghệ sĩ và gặp lại khán giả thân thương đã luôn dành tình cảm cho tôi trong hành trình làm nghệ sĩ" – NS Kim Hương tâm sự.
"Nghệ sĩ Kim Hương gắn bó thường xuyên với CLB Sân khấu Lạc Long Quân, biểu diễn chương trình "Sân khấu học đường". Bà là tấm gương yêu nghề và tận tụy với sàn diễn" – NS Kiều Phượng Loan chia sẻ.
Nguồn: https://nld.com.vn/nang-tia-kim-huong-tu-frorida-nho-que-nha-196250717153143639.htm
Bình luận (0)