Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân trong những năm gần đây là minh chứng rõ nét cho chủ trương đúng đắn đó của Đảng và Nhà nước ta. Đặc biệt, để không ngừng nâng vị thế kinh tế tư nhân trong nền kinh tế đất nước khi bước vào kỷ nguyên mới, ngày 4-5-2025 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Đây được xem là “kim chỉ nam” để cả hệ thống chính trị cùng chung sức, chung lòng đưa kinh tế tư nhân phát triển tăng tốc, bền vững góp phần làm cho “dân giàu, nước mạnh”.
Trong bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Kinh tế tư nhân không chỉ giúp mở rộng sản xuất, thương mại, dịch vụ mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không chỉ làm chủ thị trường nội địa mà còn khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế. Điều này chứng tỏ nếu có môi trường phát triển thuận lợi, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể vươn xa, cạnh tranh sòng phẳng với thế giới.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, đến năm 2024, khu vực kinh tế tư nhân có gần một triệu doanh nghiệp, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể; khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế, đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội và tạo ra hàng triệu việc làm mới mỗi năm. Nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn như Vingroup, FPT, Thaco, Masan, Hòa Phát, Sun Group… không chỉ vươn tầm trong nước mà còn vững vàng cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế.
Mặc dù đã có những bước tiến đáng kể, nhưng trên thực tế khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình trong nền kinh tế. Một số rào cản hiện nay tác động đến khu vực này như: khó tiếp cận vốn và mặt bằng sản xuất, đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ; thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân với các thành phần kinh tế khác…
Để thực sự đưa kinh tế tư nhân trở thành động lực chủ yếu của nền kinh tế, theo các nhà quản lý, các chuyên gia và các nhà doanh nghiệp tư nhân, Nhà nước cần triển khai nhanh chóng một số giải pháp mang tính đồng bộ như: tiếp tục cải cách thể chế, hoàn thiện khung pháp lý theo hướng minh bạch, ổn định và tạo môi trường kinh doanh công bằng, thuận lợi; đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số; tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp tư nhân và các thành phần kinh tế khác, thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị nội địa bền vững; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị cho đội ngũ doanh nhân tư nhân; xây dựng văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, gắn tăng trưởng với phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội…
Việc nâng vị thế khu vực kinh tế tư nhân đối với nền kinh tế đất nước trong giai đoạn phát triển mới để đạt mục tiêu đóng góp khoảng 70% GDP vào năm 2030 và góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 theo mục tiêu nghị quyết của Đảng và kỳ vọng của nhân dân không chỉ là bài toán phát triển về kinh tế, mà còn là yêu cầu chính trị - xã hội sâu sắc. Một nền kinh tế mạnh không thể thiếu sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân. Vì vậy, việc tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, bình đẳng và thực sự trở thành một trụ cột quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ vô cùng cấp bách hiện nay.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: Kinh tế tư nhân góp phần rất quan trọng định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta đều tin tưởng rằng, nếu Nhà nước có thể chế phù hợp, chính sách đúng đắn và môi trường kinh doanh thuận lợi, kinh tế tư nhân sẽ được ươm dưỡng để sinh trưởng khỏe mạnh, bứt phá mạnh mẽ, không chỉ giúp kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng cao mà còn sớm đưa nước ta thành nền kinh tế thu nhập cao trong hai thập niên tới. Đây chính là thời điểm để hành động, để kiến tạo một Việt Nam thịnh vượng, năng động và ngày một vươn xa trên trường quốc tế.
LÊ MINH HÙNG
Nguồn: https://baodanang.vn/kinhte/202505/nang-vi-the-kinh-te-tu-nhan-trong-nen-kinh-te-dat-nuoc-4006324/
Bình luận (0)