Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngắm bộ sưu tập cổ vật mang đậm dấu ấn nghệ thuật Phật giáo thời Lý

Nghệ thuật Phật giáo thời Lý (thế kỷ 11-13) được đánh giá là đỉnh cao của mỹ thuật Đại Việt, kết hợp độc đáo giữa tinh thần Thiền tông và văn hóa bản địa, nghệ thuật cung đình và dân gian.

VietnamPlusVietnamPlus16/05/2025

Ngày 16/5, trưng bày chuyên đề “Vũ khúc Thiền môn-Nghệ thuật Phật giáo thời Lý: Di sản và Công nghệ” khai mạc tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hà Nội.

Trưng bày giới thiệu 14 hiện vật tiêu biểu, được chọn lọc từ khối di sản Phật giáo thời Lý đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, chứa đựng những giá trị đặc sắc nhất của nghệ thuật Phật giáo thời Lý, với những diễn giải và trình chiếu bằng các kỹ thuật công nghệ hiện đại.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho hay thông qua việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số, trưng bày nhằm góp phần phục dựng, tái tạo và hồi sinh các di sản văn hoá vô cùng quý giá, mong muốn mang tới cho khách tham quan những trải nghiệm mới, sâu sắc và hấp dẫn hơn.

Qua đó, công chúng hiểu sâu sắc, trân quý hơn những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc.

vnp-thienmon-11.jpg
Triển lãm ứng dụng công nghệ, mang lại những góc nhìn mới mẻ cho công chúng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Đoàn, vào thời đại nhà Lý (1009-1225), Đại Việt là một quốc gia phát triển và thịnh trị trong khu vực, Phật giáo đã trở thành hệ tư tưởng chính thống, chi phối mạnh mẽ tới lịch sử, văn hóa và nghệ thuật.

Trên hành trình ấy, Phật giáo Việt Nam đã để lại nhiều di sản văn hóa đặc sắc bao gồm hệ thống không gian, kiến trúc chùa tháp, các tác phẩm điêu khắc, tượng thờ, đồ gốm, văn học, âm nhạc và nhiều nghi lễ Phật giáo, đóng góp xứng đáng vào kho tàng nghệ thuật phong phú và độc đáo của dân tộc. Tiêu biểu trong số đó là những ngôi “quốc tự” được xây dựng như chùa Một Cột, tháp Báo Thiên, chùa Dạm, chùa Phật Tích, chùa Long Đọi...

Nghệ thuật điêu khắc Phật giáo thời Lý đạt đến đỉnh cao với sự kết hợp hài hoà giữa Phật giáo Thiền tông, nghệ thuật cung đình và văn hoá dân gian tạo nên phong cách thanh thoát mà uy nghi, linh thiêng mà gần gũi. Các tác phẩm điêu khắc thời Lý với kỹ thuật chế tác tượng tròn, phù điêu, chạm nổi, chạm lộng được tạo hình mềm mại, uyển chuyển, cân đối, hài hoà, cách điệu cao nhưng vẫn giữ nét tự nhiên.

Nghệ thuật âm nhạc, vũ đạo Phật giáo thời Lý là sự kết hợp độc đáo giữa nghi lễ tôn giáo, truyền thống dân gian và nghệ thuật cung đình, tạo nên một di sản âm nhạc, vũ đạo đặc sắc mang đậm bản sắc dân tộc. Thời Lý, Phật giáo là quốc đạo, âm nhạc, vũ đạo trở thành phương tiện truyền bá giáo lý, thực hành các nghi lễ; các nhạc khí và âm điệu ảnh hưởng từ các nền văn hoá lớn như Ấn Độ, Trung Hoa nhưng được Việt hoá sâu sắc. Các nghi lễ Phật giáo được tổ chức long trọng với âm nhạc trang nghiêm dưới sự bảo trợ của triều đình.

vnp-thienmon-10.jpg
Anh Rishav Gadhwali (trái) từ Ấn Độ cho hay đây là triển lãm rất thú vị. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Du khách Ấn Độ Rishav Gadhwali cho hay anh thấy ấn tượng khi tham quan triển lãm. Dù số lượng hiện vật không nhiều, nhưng tất cả đều có nghệ thuật tạo hình ấn tượng. Đặc biệt là triển lãm ứng dụng công nghệ khiến cho các hiện vật trở nên có hồn.

“Tôi rất ấn tượng với pho tượng Kim Cương, là một cổ vật bị mất phần đầu nhưng nhờ công nghệ trình chiếu hiện đại mà công chúng được chiêm ngưỡng một pho tượng toàn vẹn để có một cái nhìn đầy đủ hơn về Phật giáo và lịch sử Việt Nam ở giai đoạn thế kỷ 10,” anh Rishav Gadhwali nói.

Triển lãm được thực hiện với sự hợp tác của Viện Nghiên cứu Văn minh Châu Á, Công ty TNHH C.M.Y.K Việt Nam, mở cửa đến tháng 7/2025 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, 1 Tràng Tiền, Hà Nội./.

Một số hiện vật trong triển lãm:

thienmon-2.jpg
Đầu tượng tiên nữ (năm 1057), phát hiện tại Chùa Phật Tích, Tiên Du, Bắc Ninh. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
vnp-thienmon-13.jpg
Đầu phượng bằng đất nung. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
vnp-thienmon-12.jpg
Tượng Kinnari đánh trống bằng đá tại chùa Phật Tích. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
vnp-thienmon-9.jpg
Mô hình tháp gốm, thế kỷ 11-13. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
vnp-thienmon-7.jpg
Tượng Kim Cương bằng đá năm 1507 tại chùa Phật Tích. Pho tượng vốn đã bị mất phần đầu, được phục chế nhờ công nghệ trình chiếu 3D. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
vnp-thienmon-1.jpg
Lá đề chạm rồng, biểu tượng của Phật giáo. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
vnp-thienmon-4.jpg
Bệ kê chân cột hình vuông được chạm trổ hình các nhạc công. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
vnp-thienmon-3.jpg
Đầu tượng tiên nữ bằng đất nung thế kỷ 11-13. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
(Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/ngam-bo-suu-tap-co-vat-mang-dam-dau-an-nghe-thuat-phat-giao-thoi-ly-post1038910.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khám phá vùng savan ở Vườn quốc gia Núi Chúa
Khám phá Vũng Chua- ‘nóc nhà’ mây phủ của phố biển Quy Nhơn
Khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ
Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm