Các bạn học sinh tham gia tư vấn tuyển sinh ngành báo chí - truyền thông.
Trong nhiều năm qua, báo chí - truyền thông luôn nằm trong nhóm ngành học “nóng” nhất, thu hút đông đảo học sinh sau khi tốt nghiệp THPT trên cả nước. Không chỉ bởi sức hấp dẫn của nghề mang tính sáng tạo và tác động xã hội sâu rộng, mà còn vì cơ hội nghề nghiệp ngày càng đa dạng trong kỷ nguyên số. Số lượng thí sinh đăng ký đông, chất lượng đầu vào cao khiến điểm chuẩn các ngành thuộc lĩnh vực này liên tục tăng mạnh.
Mùa tuyển sinh năm 2024 là một minh chứng rõ nét. Ngành báo chí, chuyên ngành Báo Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội), sử dụng tổ hợp D78 (gồm Ngữ văn, Khoa học Xã hội và tiếng Anh nhân hệ số 2), có điểm chuẩn chạm ngưỡng 37,21 điểm (trung bình 9,31 điểm/môn) - một trong những mức điểm cao nhất trong toàn bộ khối ngành Khoa học Xã hội năm 2024.
Trong khi đó, dù mới bắt đầu tuyển sinh từ năm 2023, ngành truyền thông đa phương tiện (Trường Đại học Hồng Đức) đã nhanh chóng khẳng định được sức hút. Số lượng sinh viên tăng gần gấp ba, từ 25 sinh viên ở khóa đầu tiên (năm 2023) lên 65 sinh viên ở khóa kế tiếp (năm 2024). Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của giới trẻ dành cho lĩnh vực truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số và nhu cầu nhân lực sáng tạo bùng nổ.
Năm nay, trong tiến trình đổi mới, sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó báo chí là một trong những lĩnh vực đi đầu, đã và đang diễn ra theo chủ trương đổi mới toàn diện. Số lượng cơ quan báo chí giảm xuống do sáp nhập, chuyển đổi mô hình hoặc số hóa hoạt động. Thay đổi này ít nhiều tạo ra tâm lý dao động với một bộ phận học sinh đang mong muốn theo học ngành báo chí - truyền thông.
Em Ngân Hà (18 tuổi, phường Trường Thi, TP Thanh Hóa) chia sẻ sự lo lắng của mình khi biết thông tin số lượng các cơ quan báo chí giảm do sáp nhập: “Em rất muốn theo học ngành báo chí - truyền thông, thế nhưng, em cũng khá phân vân vì số lượng các cơ quan báo chí ít đi thì sự cạnh tranh sẽ tăng lên hơn nhiều và cơ hội việc làm của em sau khi tốt nghiệp cũng sẽ khó khăn hơn”.
Tuy nhiên, sự bùng nổ thông tin và công nghệ số đã đưa ngành báo chí - truyền thông trở thành một trong những trụ cột quan trọng trong mọi hoạt động xã hội. Người dân, tổ chức, doanh nghiệp ngày càng cần đến những cơ quan báo chí và các kênh truyền thông chuyên nghiệp, sáng tạo và hiệu quả để kết nối, chia sẻ và lan tỏa giá trị. Không chỉ còn là “tiếng nói của thời đại”, báo chí - truyền thông ngày nay còn là công cụ cạnh tranh, phát triển thương hiệu và thậm chí là chiến lược sống còn của nhiều doanh nghiệp. Chính vì vậy, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực báo chí - truyền thông ngày càng trở nên cấp thiết.
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Hóa, PGS, TS Đinh Thị Thu Hằng (Viện trưởng Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền), cho biết: “Trong chuỗi chương trình tư vấn tuyển sinh đại học năm 2025 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền diễn ra vào tháng 4 vừa qua vẫn cho thấy sự quan tâm đông đảo của phụ huynh, học sinh đối với ngành và các chuyên ngành Báo chí - Truyền thông. Qua đó, chúng tôi thấy rằng, đây vẫn là một lĩnh vực có sức hút rất lớn đối với các thí sinh năm nay. Dù chúng ta đang trong tiến trình đổi mới, sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhưng triển vọng phát triển và cơ hội việc làm của người học ngành báo chí - truyền thông sau khi ra trường vẫn rất rộng mở do sự phát triển của bối cảnh công nghệ số hiện nay”.
Em Minh Phương (học sinh lớp 12, Trường THPT Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) chia sẻ, dù biết đến thông tin hiện nay số lượng các cơ quan báo chí giảm, thế nhưng ngành báo chí - truyền thông vẫn rất “hot”. “Theo em tìm hiểu, ngoài các cơ quan báo chí thì các doanh nghiệp hiện nay đều có nhu cầu truyền thông mạnh mẽ để cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, nếu em học ngành báo chí - truyền thông thì ngoài làm phóng viên, biên tập viên, em có thể làm việc ở các vị trí như content creator (người sáng tạo nội dung), quản lý kênh TikTok, YouTube, phát triển nội dung đa nền tảng...”.
Sự chuyển dịch mạnh mẽ từ truyền thông truyền thống sang truyền thông số đang mở ra biên độ nghề nghiệp rộng lớn cho sinh viên ngành báo chí - truyền thông. Họ không chỉ trở thành phóng viên, biên tập viên, mà còn có thể là content creator, chuyên viên truyền thông doanh nghiệp, quản lý kênh YouTube/TikTok, cố vấn thương hiệu, thậm chí là nhà sáng lập các startup về truyền thông sáng tạo.
Theo PGS, TS Đậu Bá Thìn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức, tỉnh Thanh Hóa, việc tinh gọn các cơ quan báo chí thời gian qua là cần thiết trong tiến trình đổi mới, nhưng không làm giảm sức hút của ngành truyền thông đa phương tiện. Trong bối cảnh chuyển đổi số, nhu cầu nhân lực sáng tạo, làm chủ công nghệ và truyền thông số đang tăng nhanh. Với chương trình đào tạo hiện đại, giảng viên giàu kinh nghiệm và cơ sở vật chất được đầu tư bài bản, ngành truyền thông đa phương tiện tại Trường Đại học Hồng Đức tiếp tục là lựa chọn hấp dẫn cho những bạn trẻ muốn khẳng định mình trong lĩnh vực truyền thông số năng động và giàu tiềm năng.
Như vậy, hiện nay là thời đại của “Báo chí - Truyền thông số toàn diện” - kết hợp giữa ngôn ngữ, hình ảnh, công nghệ và tư duy chiến lược. Điều đó lý giải vì sao, bất chấp những thay đổi trong cơ cấu hệ thống báo chí, ngành học này vẫn giữ nguyên sức hút, thậm chí còn tăng thêm độ “nóng” nhờ khả năng thích ứng với xu thế thời đại.
Việc giảm số lượng cơ quan báo chí không đồng nghĩa với sự thoái trào của ngành báo chí - truyền thông. Trái lại, đây là giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, đưa truyền thông từ không gian truyền thống sang không gian số, từ một chiều sang đa chiều. Vì vậy, với những thí sinh đam mê viết lách, kể chuyện, sáng tạo nội dung và yêu thích công nghệ, ngành báo chí - truyền thông vẫn là một lựa chọn hấp dẫn. Chỉ cần các bạn trẻ hiểu rằng, để “làm nghề” thành công, bạn không chỉ cần ngòi bút sắc sảo, mà còn cần con chuột nhanh tay, khả năng học hỏi không ngừng và bản lĩnh thích ứng với mọi thay đổi.
Bài và ảnh: Phương Đỗ
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nganh-bao-chi-truyen-thong-truoc-bao-chuyen-doi-nbsp-suc-hut-lieu-co-giam-249355.htm
Bình luận (0)